Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội có xu hướng giảm, trong đó ngày 11/8 so với ngày 10/8 đã giảm 22 ca. Trao đổi với chúng tôi sáng 12/8, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội đánh giá, số ca mắc tuy không giảm liên tục, có những ngày sơ đồ lượng bệnh nhân đi ngang, đi xuống, nhưng cũng phần nào thể hiện được nguy cơ dịch bệnh đang thấp hơn.
"Bây giờ vẫn chưa thể nói là dịch giảm hẳn, ít nhất trong một tuần nữa mới có thể đánh giá chính xác", ông Tuấn nói và cho biết, thời gian tới có thể vẫn xuất hiện những ca mắc mới ở những ổ dịch mới, do đó người dân tuyệt đối không chủ quan. Những khu vực cũ và các chuỗi lây nhiễm cũ cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tại những khu vực mới, phải "bắt" được ngay ca bệnh, nếu để chậm 2 - 3 ngày sẽ lại là nguy cơ.
Theo ông Tuấn, hiện nay Hà Nội có 6 "vùng đỏ" trọng điểm, cụ thể là 3 quận Hoàng Mai (202 ca), Đống Đa (187 ca) và Hai Bà Trưng (184 ca); 3 huyện Đông Anh (247 ca), Thanh Trì (188 ca) và Thường Tín (97 ca).
"Vùng đỏ" và "vùng vàng" là các khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, công nhân, bảo vệ các tòa nhà... và các khu vực nguy cơ cao khác, đối tượng nguy cơ cao khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
"Vùng da cam": các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh... và các khu vực nằm trong vùng nguy cơ theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
"Vùng xanh": khu vực không có dịch.
Các quận, huyện khác cơ bản vàng, da cam và xanh. Đặc biệt huyện Ba Vì gần như xanh hết, 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai cơ bản cũng dần chuyển sang xanh, chỉ còn một số điểm vàng.
Về xét nghiệm cho người nguy cơ và người tại các khu vực nguy cơ, tính đến sáng nay, toàn thành phố đã lấy được 191.633 mẫu, trong đó 8 mẫu dương tính và 72.951 mẫu âm tính, số còn lại chưa có kết quả. Dự kiến trong hôm nay, toàn thành phố tiếp tục lấy thêm 65.000 mẫu cho các đối tượng này để xét nghiệm sàng lọc.
Ông Tuấn nhấn mạnh, ngành y tế cố gắng lấy mẫu tối đa, càng nhanh càng tốt, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Ví dụ như huy động người dân đi lấy mẫu phải đảm bảo tuyệt đối, tránh tập trung đông đúc.
"Không vì tiến độ mà dẫn đến đông đúc, tăng nguy cơ lây nhiễm. Bài học phải tránh đông người, làm đến đâu chắc đến đấy, có kết quả trả ngay cho người dân. Quan trọng nhất là thành phố đã lấy được bao nhiêu mẫu và phát hiện được bao nhiêu trường hợp dương tính", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo ông, cơ quan y tế đã quán triệt, người dân được gọi đến đâu đi xét nghiệm đến đấy, mục tiêu không tập trung đông người. Các địa phương gọi người dân đi xét nghiệm theo khu vực, theo dãy phố, tổ dân phố, khu dân cư. Người dân khi được mời là phải ra ngay, tránh tình trạng gọi điện đầu giờ sáng đến trưa mới ra lại chồng lên nhóm xét nghiệm thứ 2.
"Hy vọng sơ đồ lượng bệnh nhân đi ngang rồi trong vòng 1 tuần nữa đi xuống hẳn. Mục tiêu bằng mọi cách cho nó dừng được", ông Tuấn nói.
Người dân đi lấy mẫu xét nghiệm diện rộng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội (Ảnh: Đinh Huy)
Trước đó, đêm 10/8, Hà Nội ban hành kế hoạch, quyết định mở mặt trận thứ 2, xét nghiệm Covid-19 diện rộng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 3,3 triệu mẫu. Đợt cao điểm trong tháng 8/2021 từ ngày 9/8 đến 15 - 17/8, với khoảng 1.300.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR và 2.000.000 mẫu test nhanh.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bà Hà cho biết ngành y tế Thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm "vùng đỏ", không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững "vùng xanh" hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Sáng nay, Hà Nội ghi nhận thêm 4 ca Covid-19. Như vậy, đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4, thành phố có tổng 1.959 ca, trong đó 1.120 người ngoài cộng đồng và 839 người trong khu cách ly tập trung.
Từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, trong công điện hỏa tốc số 18, kéo dài thời gian đến 6h ngày 23/8.
Clip: Cận cảnh bệnh viện dã chiến lớn nhất Hà Nội sao sau hơn 10 ngày thần tốc xây dựng
MINH NHÂN
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ