Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng năm học 2021-2022 cần phải chuyển trạng thái để thích ứng và giảm tổn thương cho ngành GD&ĐT trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài - Ảnh: Nguồn BỘ GD&ĐT
Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022 diễn ra ngày 12-8, ông Nguyễn Kim Sơn đề cập đến khó khăn đang trở thành thách thức rất lớn với toàn xã hội và ngành GD&ĐT.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xác định: Bối cảnh thì khó khăn, kỳ vọng thì lớn, nhiệm vụ thì nặng nề, nhiều thách thức, nên tinh thần chung của năm học mới sẽ là: Ưu tiên trước mắt tập trung các biện pháp để chuyển trạng thái của ngành giáo dục thích ứng với bối cảnh của dịch bệnh, nhằm hạn chế tác động tiêu cực của dịch, giảm mức độ tổn thương của ngành giáo dục trước dịch bệnh.
Hai vấn đề được lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh là đảm bảo chất lượng giáo dục và đảm bảo môi trường học an toàn.
"Nếu dịch bệnh được kiểm soát, các ngành kinh tế có thể sớm khắc phục nhưng giáo dục khi bị tổn thương, phải cần một thời gian dài để khắc phục và điều đó sẽ ảnh hưởng đến một số lứa học sinh. Bởi thế, cần phải biến thách thức, nguy cơ thành cơ hội để thích ứng, thay đổi và giảm thiểu tiêu cực" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định.
Bậc tiểu học có thể bị tổn thương nhất
Ông Kim Sơn cũng cho rằng đối tượng có thể chịu tổn thương nhất trong bối cảnh dịch bệnh sẽ là bậc tiểu học. Vì trong khi các bậc học phải chuyển sang dạy học trực tuyến để phòng chống dịch thì bậc tiểu học sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là lớp đầu cấp học. Vì với học sinh tiểu học cần cảm nhận trực quan sinh động, cần tương tác trực tiếp. Vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa thực hiện chương trình mới sẽ khiến cho những khó khăn, thách thức lớn hơn.
Trong những giải pháp tính đến để vượt khó khăn, bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu ngành GD&ĐT sẽ phải tính đến những ảnh hưởng từ môi trường xã hội tác động đến giáo dục. Ví dụ như dịch bệnh khiến một bộ phận người dân gặp khó khăn về kinh tế, dòng người di chuyển từ Nam ra Bắc có thể sẽ tăng. Những điều đó có thể sẽ tác động làm nhiều học sinh có nguy cơ không được đến trường, giáo viên mầm non, tiểu học thất nghiệp. Trong các giải pháp, cần tính đến những giải pháp đặc thù đối với bậc tiểu học.
Xem dịch bệnh là câu chuyện dài để thích ứng
Trao đổi tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng không thể giữ suy nghĩ "chuyển tạm sang học trực tuyến, chờ yên cho học sinh đến trường" nữa. Thay vào đó, phải xác định dịch COVID-19 có diễn biến khó lường khi có nhiều chủng mới. Và dịch bệnh là câu chuyện dài mà ta phải thích ứng với nó.
Điều không thể thay đổi là tâm huyết của người thầy, là mục tiêu giữ chất lượng giáo dục trong bối cảnh cần linh hoạt tối đa, vạn biến ở phương pháp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Bộ đã ban hành khung chung, cứng để có chỗ dựa, nhưng các địa phương phải linh hoạt, chủ động xây dựng kế hoạch của đơn vị mình. Trực tuyến vẫn có sức mạnh, phát huy được tác dụng nếu chuẩn bị tốt, sẵn sàng. Nhưng trực tiếp vẫn là quan trọng nhất nên phải tận dụng thời gian vàng để dạy trực tiếp. Chúng ta cần linh hoạt trong quá trình thực hiện trong nội dung - đây là sự chuyển hướng rất quan trọng.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, bộ sẽ phải sớm ban hành các nội dung dạy học cốt lõi, căn bản. Và ngay từ ngày đầu tiên của năm học cần đi ngay vào dạy các nội dung cốt lõi nếu tận dụng được thời gian dạy học trực tiếp. Khi dịch bệnh diễn ra học sinh không thể đến trường thì có thể dạy học trực tuyến củng cố, bổ sung kiến thức, kỹ năng.
"Sự chuyển trạng thái về cách thức thực hiện nội dung chứ không cứng nhắc nội dung này phải dạy ở tuần này, nội dung kia ở tháng kia và cũng phải cân nhắc kiểm tra đánh giá cho phù hợp. Có nghĩa phải phát huy sự linh hoạt tối đa dành cho các địa phương, thậm chí từng trường, từng tổ chuyên môn".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết từ nay tới trước năm học mới chính thức bắt đầu, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện năm học khả thi trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, biến động.
TTO - Chỉ còn hai tuần nữa năm học mới sẽ bắt đầu theo khung thời gian năm học của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn "ngổn ngang trăm mối" do dịch bệnh vẫn đang căng thẳng.