vĐồng tin tức tài chính 365

Quan sai cũng phải phạt thẳng tay

2021-08-12 19:52

Quan sai cũng phải phạt thẳng tay

Quỳnh Thư

(KTSG Online) - Hôm qua, báo Thanh Niên cho biết sau khi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM chọn làm nơi thờ phượng tạm thời tro cốt của người qua đời vì Covid-19 chưa có thân nhân tiếp nhận hoặc thân nhân đang trong khu cách ly, phong tỏa hay điều trị, chùa Long Hoa ở quận 10 đã đón sáu hũ tro cốt đầu tiên.

Đây là một bước nữa chấn chỉnh bất cập trong việc chuyển giao tro cốt người mất vì Covid-19 sau khi hỏa táng. Trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng cho báo chí biết Bộ Tư lệnh TPHCM được giao nhiệm vụ chuyển tro cốt của người qua đời vì Covid-19 đến từng gia đình. Phần tro cốt chưa được tiếp nhận được tạm lưu giữ và cầu siêu ở chùa. Trung tâm hỏa táng chỉ có trách nhiệm điều phối chung và không được phép chuyển cốt về gia đình. Ngoài ra, chính quyền TPHCM cũng quyết định ngân sách thành phố sẽ chịu chi phí hậu sự các trường hợp qua đời vì Covid-19.

Có thể nói, việc chấn chỉnh nói trên là một ví dụ cho việc chính quyền quan tâm và xử lý ngay các vấn đề cấp bách phát sinh từ công tác điều hành xã hội trong bối cảnh bệnh dịch đang hoành hành nghiêm trọng hiện nay. Tuy nhiên, những ví dụ như vậy còn hiếm trong khi các trường hợp chính quyền các cấp - đặc biệt là cấp thừa hành - thiếu cân nhắc hoặc không lường trước được hậu quả tác động của các quyết định của mình đối với đời sống, quyền lợi người dân thì lại nhiều hơn.

Cũng có trường hợp người đang làm nhiệm vụ ứng xử thiếu chuẩn mực, thô bạo, có thái độ coi thường, lạm quyền khi xử lý người dân vi phạm. Chắc chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện từng làm dậy sóng dư luận liên quan đến người thanh niên 25 tuổi ở Nha Trang, Khánh Hòa. Anh này bị thu giữ giấy tờ và xe gắn máy khi anh ra ngoài mua bánh mì. Đáng nói hơn, về phía chính quyền sở tại, người xử lý anh thanh niên này - một vị phó chủ tịch phường phụ trách chống dịch tại địa phương - đã có những phát biểu rất phản cảm khi cho rằng bánh mì không phải là thực phẩm và không thiết yếu!

Sự việc chỉ đến với công luận khi đoạn video tám phút ghi lại tình huống xử lý trên phát tán trên mạng xã hội. Chính quyền cấp cao hơn của Khánh Hòa can thiệp trả lại giấy tờ và phương tiện cho người thanh niên. Nghe nói, ông phó chủ tịch phường cũng bị cho thôi làm nhiệm vụ phòng dịch chờ xử lý.

Có điều, kết quả xử lý những quan chức vi phạm tương tự như trường hợp nói trên thường chỉ được tiết lộ ở mức “đã được xử lý” mà không cho biết cụ thể hình thức kỷ luật gì được áp dụng và có hiệu lực trong bao lâu. Trong một trường hợp khác, vụ “hoa hậu được tiêm vaccine nhờ ông ngoại”, nghe nói người liên quan ở bệnh viện đã bị kỷ luật. Thế thôi, không thấy báo chí đăng tải lời giải thích rõ đương sự đã vi phạm ra sao cũng như hình thức kỷ luật cụ thể là gì.

Gần đây hơn là chuyện ách tắc giao thương hàng hóa giữa Hà Nội và Hải Phòng mà nguyên nhân được cho là người đứng đầu ngành giao thông vận tải địa phương đã không tham mưu cho lãnh đạo Hải Phòng thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. KTSG Online đưa tin Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ký văn bản “phê bình nghiêm khắc” người liên quan. Tuy nhiên, trong mắt nhiều người quan sát, phê bình dù có “nghiêm khắc” vẫn chưa đủ răn đe những vụ việc tương tự. Vì sao “không tham mưu”? Hậu quả của “không tham mưu” là gì? Vì sao chỉ có Bộ trưởng Thể “phê bình nghiêm khắc”, còn cấp trên trực tiếp của đương sự đã làm gì? Vì sao lại là “phê bình nghiêm khắc” mà không phải là hình thức khác? Liệu “phê bình nghiêm khắc” đã đúng mực hay chưa?

Dưới mắt người dân những câu hỏi trên cần được giải đáp thấu đáo để đảm bảo công bằng trong xã hội và công bằng cho chính họ. Nếu chúng ta ủng hộ quan điểm (nói chung) “dân sai phạt thẳng tay” để chống dịch hiệu quả, thì không có lý do gì không ủng hộ chủ trương “quan sai cũng phải phạt thẳng tay” để chống dịch tốt hơn. Yêu cầu này của người dân có gì quá đáng?

Có lẽ mọi người dân đều ủng hộ yêu cầu chính quyền các cấp thông báo rộng rãi đến các phương tiện truyền thông kết quả xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc quyền, đặc biệt là các vụ việc được dư luận quan tâm. Đây cũng là bước cần thiết để tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ” phổ biến khắp nơi, chống lạm quyền và buộc quan chức suy nghĩ đến dân nhiều hơn trước khi ra quyết định hay hành động.

Xem thêm: lmth.yat-gnaht-tahp-iahp-gnuc-ias-nauq/683913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quan sai cũng phải phạt thẳng tay”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools