vĐồng tin tức tài chính 365

3 đề xuất đáng chú ý về nhà ở xã hội

2021-08-13 07:08

Theo các chuyên gia bất động sản, nhà ở xã hội (NƠXH) cần minh bạch với cổng thông tin trực tuyến, mời chào đấu thầu công khai để tìm nhà đầu tư có năng lực, đồng thời có mức giá hợp lý để tiếp cận người dân có nhu cầu.

Người dân muốn tố cáo chủ đầu tư

Đầu tháng 8, thông tin về việc người dân TP.HCM muốn tố cáo chủ đầu tư (CĐT) NƠXH và trả lời của Bộ Xây dựng đã được đăng công khai trên trang web của Chính phủ.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Kiểm, một người dân ở TP.HCM, có mua căn hộ thuộc diện NƠXH năm 2016. Đến nay (năm 2021) đã năm năm mà CĐT chưa bàn giao nhà cho khách hàng. Cộng thêm việc mặt bằng giá nhà tăng nên CĐT đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán vô hiệu nhằm lấy lại căn hộ đã bán cho ông Kiểm để bán cho người khác.

CĐT tự cho rằng khi bán căn hộ cho ông Kiểm, dự án chưa đủ điều kiện để bán do chưa có xác nhận của cơ quan chức năng. Ông Kiểm đặt câu hỏi: Như vậy, ông có thể tố cáo CĐT này tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?

Trả lời câu hỏi trên, Bộ Xây dựng cho biết việc mua bán NƠXH hình thành trong tương lai phải tuân thủ các nguyên tắc về việc cho thuê, cho thuê mua, bán NƠXH được quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014.

Trường hợp CĐT bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH không bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 139/2017 còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là cơ quan có thẩm quyền thu hồi NƠXH, buộc hoàn trả bên mua, thuê, thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua NƠXH.

Không chỉ người dân tố cáo, tháng 7 vừa qua, Thanh tra TP.HCM cũng vừa công bố kết luận thanh tra trách nhiệm của giám đốc Sở Xây dựng trong thời kỳ 2018-2019, trong đó có các vấn đề liên quan đến NƠXH.

Theo Thanh tra TP.HCM, liên quan đến việc điều tiết (phát triển) NƠXH của Sở Xây dựng TP, kết luận cho thấy có 17/26 dự án chỉ ghi nhận CĐT thực hiện điều tiết NƠXH theo quy định mà không xác định cụ thể CĐT phải thực hiện. Sau đó, Bộ Xây dựng cũng cho rằng nhiều CĐT trên thực tế đã không bố trí 20% quỹ đất trong dự án để làm NƠXH.

3 đề xuất đáng chú ý về nhà ở xã hội - ảnh 1
Công trình nhà ở xã hội tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Thanh tra TP.HCM yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các trường hợp CĐT dự án nhà ở thương mại chưa thực hiện nghĩa vụ điều tiết NƠXH, đề xuất hướng thực hiện, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo. 

Cần áp giá trần cho nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Vietnam, cho rằng lý do NƠXH chưa thu hút nhiều doanh nghiệp là vì quy trình thủ tục pháp lý có nhiều điều kiện ràng buộc. Các điều kiện này dành cho cả CĐT và khách mua, khiến cho việc giao dịch khá phức tạp, dễ gây nản lòng.

“Lợi nhuận của phân khúc này không hấp dẫn so với các phân khúc cao cấp, trong khi phân khúc vừa túi tiền hay cao cấp đều phải tuân thủ quy định như nhau. Mặc dù có sự hỗ trợ đáng kể của Nhà nước nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp phát triển NƠXH” - ông Hoàng phân tích thêm.

Đồng thời, quỹ đất và quy hoạch cho loại hình này cũng không dồi dào, thuận tiện và không có quy hoạch riêng nên không hấp dẫn CĐT. Các dự án NƠXH riêng biệt thường có quy mô rất nhỏ. Những dự án lớn, quy định dành 20% cho NƠXH nhưng nhiều CĐT sẽ chọn giải pháp đóng tiền để chuyển thành nhà ở thương mại.

Cần phải xây dựng một chương trình nhà ở quốc gia mang tính sâu rộng hơn, đơn giản hơn và được quản lý hiệu quả về luật pháp, quy hoạch, tài chính, thuế, quản lý hệ thống thông tin… Với sự phát triển của công nghệ thông tin và hệ thống dữ liệu công dân, hệ thống dữ liệu nhà đất, vấn đề quản lý - giám sát đã thuận tiện hơn rất nhiều và có thể tránh tình trạng gian lận, lợi dụng chính sách.

“Trước đây, khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng, thời điểm năm 2013 đã có chương trình 30.000 tỉ đồng giúp cho rất nhiều người có nhà ở và góp phần thúc đẩy thị trường phục hồi. Đây là kinh nghiệm rất giá trị để tham khảo và góp phần xây dựng chương trình nhà ở quốc gia trên cơ sở NƠXH” - ông Hoàng góp ý.

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối bất động sản, đầu tiên muốn “chấn chỉnh” NƠXH thì thông tin quy hoạch NƠXH cần cung cấp đầy đủ lên cổng thông tin trực tuyến, mời chào đấu thầu công khai để tìm nhà đầu tư có năng lực.

Thứ hai là tạo ra cơ chế mời gọi doanh nghiệp làm NƠXH nhiều hơn và có quy định về áp mức giá trần cho loại hình NƠXH. Điều này nhằm đảm bảo giá bán vừa túi tiền nhóm người thu nhập thấp và giám sát chặt chẽ quy trình bán hàng.

“Quan sát các dự án NƠXH, tôi thấy đều có giá bán trên 30 triệu đồng/m2 thay vì giá NƠXH (15-20 triệu đồng/m2). Có thể thấy chi phí doanh nghiệp bỏ ra để làm NƠXH cũng không khác gì phân khúc trung cấp, hoặc là xã hội đã chấp nhận mức giá 30 triệu đồng/m2 như một điều hiển nhiên” - ông Việt phân tích.

Báo cáo thị trường bất động sản quý II-2021, Bộ Xây dựng lưu ý các địa phương cần chú ý nội dung báo chí phản ánh tại một số tỉnh, TP như TP.HCM, Hà Nội… xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin bất động sản, nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh CĐT rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc NƠXH. 

Xem thêm: lmth.7677001-ioh-ax-o-ahn-ev-y-uhc-gnad-taux-ed-3/nas-gnod-tab/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“3 đề xuất đáng chú ý về nhà ở xã hội”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools