Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong vừa được ân xá vào sáng ngày hôm nay theo giờ Hàn Quốc sau khi ngồi tù hơn 30 tháng vì tội danh hối lộ.
Tờ Nikkei đưa tin, vị doanh nhân 53 tuổi, người có chức danh là nhân vật chủ chốt của Samsung, đã bước ra khỏi Trung tâm giam giữ Seoul ở Uiwang, một thành phố nằm ngay phía nam Seoul, vào buổi sáng hôm nay. Ông có nói vài lời ngắn gọn với các phóng viên đang đợi, cúi đầu chào và lên xe rời đi luôn.
Lee đã được đưa vào danh sách 810 tù nhân sẽ được ân xá nhân Ngày Giải phóng của Hàn Quốc. Ủy ban Xem xét Tạm tha gồm chín thành viên do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Kang Sung-kook làm chủ tịch, đã quyết định thả Lee trong một cuộc họp vào thứ Hai.
"Đặc biệt, Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong đã được đưa vào danh sách khi chúng tôi xem xét tới vấn đề nền kinh tế quốc gia và hoàn cảnh kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19", một tuyên bố của Bộ Tư pháp cho biết. "Chúng tôi cũng đã xem xét các yếu tố khác nhau, bao gồm cả tình cảm của công chúng và thái độ của ông ấy trong tù".
Lee đã thụ án 18 tháng, tương đương 60% thời hạn 2,5 năm do tòa án tuyên vì tội hối lộ và tham ô. Tòa án cấp cao Seoul đã ra phán quyết rằng ông Lee biển thủ 8,7 tỷ won (7,4 triệu USD) quỹ công ty để hối lộ cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye vào năm 2015.
Điều gì đang chờ đợi "thái tử"?
Việc ông Lee được trả tự do diễn ra trong bối cảnh Samsung phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., Intel và các đối thủ khác trong ngành công nghiệp chip toàn cầu. Ba công ty đều mong muốn dẫn đầu thị trường khi chất bán dẫn trở nên quan trọng trong bối cảnh xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ.
Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu thị trường chip nhớ toàn cầu, cũng tham vọng trở thành nhà sản xuất chip logic hàng đầu vào năm 2030. Họ có kế hoạch chi 171 nghìn tỷ won để tăng tốc nghiên cứu các công nghệ quy trình bán dẫn tiên tiến và xây dựng một nhà máy chip mới.
Trong khi đó, Xiaomi của Trung Quốc đang có ý định truất ngôi Samsung khỏi vị trí dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Xiaomi gần đây đã vượt qua Apple để trở thành nhà bán smartphone lớn thứ hai thế giới.
"Nhiệm vụ hiện tại của chúng tôi là củng cố vị trí số 2 trên thị trường toàn cầu", người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Xiaomi Lei Jun cho biết hôm thứ Ba. "Chúng tôi đặt mục tiêu trở thành số 1 toàn cầu trong ba năm tới".
Trong khi đó vào hôm thứ 4, Samsung đã công bố dòng sản phẩm điện thoại thông minh có thể gập lại mới của mình, tìm cách làm cho sản phẩm này trở nên hấp dẫn hơn và giá cả phải chăng hơn. Họ cho biết các lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu đã đạt 60 triệu chiếc trong quý II, so với hơn 70 triệu chiếc trong ba tháng trước đó.
Samsung xem xét kế hoạch đầu tư và M&A. Giới quan sát dự đoán công ty sẽ tăng tốc kế hoạch kinh doanh lớn trong tương lai gần. Tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc đang cân nhắc xây nhà máy chip 17 tỷ USD tại Mỹ nhưng chưa chốt địa điểm. Texas, Arizona và New York được xem là ứng cử viên tiềm năng song Samsung vẫn đang thương lượng với chính quyền về các ưu đãi cho nhà máy.
Quyết định xây nhà máy chip tại Mỹ vô cùng cấp thiết vì các đối thủ của Samsung đều đang nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất giữa khủng hoảng chip toàn cầu. Chẳng hạn, TSMC - nhà thầu sản xuất chip lớn nhất thế giới - tuyên bố đầu tư 100 tỷ USD trong ba năm tiếp theo. Nhà máy 12 tỷ USD tại Arizona của TSMC dự kiến sản xuất đại trà từ năm 2024. Ngoài ra, còn có tin đồn công ty Đài Loan sẽ xây thêm nhà máy tại Đức và Nhật Bản.
Trong khi đó, Intel thông báo đầu tư 20 tỷ USD để tăng công suất tại Mỹ và quay lại thị trường gia công chip. Intel được cho là đang xem xét mua lại hãng sản xuất chip GlobalFoundries.
Với việc ông Lee ra tù, Samsung được kỳ vọng sẽ hoàn thiện chiến lược M&A. Trong cuộc họp từ xa tháng trước, công ty nhấn mạnh sẽ theo đổi thương vụ M&A "ý nghĩa" trong vòng 3 năm và đang xem xét các lĩnh vực như AI, 5G và xe hơi tự động. Vụ thâu tóm lớn cuối cùng của Samsung diễn ra năm 2016 khi họ mua lại Harman International Industries với giá 8 tỷ USD.
Về vấn đề được trả tự do, tờ Nikkei nhận định, trường hợp của Lee khác xa so với cha của mình, cố chủ tịch Lee Kun-hee. Ông Lee đã nhận được hai lệnh ân xá của tổng thống. Vụ thứ hai, vào năm 2009, xảy ra sau khi ông bị ba năm tù treo vì tội tham ô và trốn thuế.
Chung Mong-koo, hiện là chủ tịch danh dự của Hyundai Motor, vào năm 2007 đã bị kết án ba năm tù vì tội tham ô và vi phạm tín nhiệm. Tuy nhiên, sau đó một thẩm phán tòa phúc thẩm đã đình chỉ án tù này với lý lẽ rằng ông Chung quá quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia.
Chủ tịch SK Chey Tae-won, người đang thụ án bốn năm vì tội tham ô, đã được bà Park khi còn tại vị ân xá vào năm 2015 trong một sự khoan hồng của Ngày Giải phóng nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư của tập đoàn.
Các lệnh ân xá nhấn kể trên cho thấy phần nào sự đối xử khoan hồng mà các nhà lãnh đạo Hàn Quốc dành cho các chaebol có ảnh hưởng tới đất nước. Suy nghĩ của các chính trị gia cấp cao là tốt hơn hết nên để các nhà quản lý doanh nghiệp hàng đầu ra tù để họ có thể đóng góp cho nền kinh tế.
Nguồn: Nikkei
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị