Trong khoảng vài tháng gần đây, Trung Nguyễn – founder của Sky Mavis – startup đang sở hữu game blockchain Axie Infinity đã trở thành ngôi sao sáng trên thị trường khởi nghiệp Việt. Tất cả là tại đồng token AXS của Axie Infinity tăng giá đột biến liên tục, đẩy vốn hóa Axie Infinity tăng với tốc độ ‘tên lửa’ lên 1 tỷ USD và đến hơn 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, như ông bà ta hay nói, ‘thuyền to thì sóng lớn’, ngay lập tức truyền thông cùng cơ quan thuế lên tiếng: tại sao vốn hóa vài tỷ USD, nhận được nhiều tiền đầu tư, thu tiền của người chơi cao như thế lại đóng thuế 0 đồng?! Cơ quan thuế cũng cho biết họ sẽ lên kế hoạch thanh kiểm tra đột xuất.
Nhằm hiểu rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã trao đổi với Trung Nguyễn – founder của Sky Mavis – Axie Infinity, cùng một vài cá nhân và tổ chức có liên quan đến giới khởi nghiệp, mảng blockchain cũng như Crypto.
Theo founder Trung Nguyễn: "Sky Mavis thành lập tại Singapore và doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ là công ty gia công cho doanh nghiệp ở Singapore. Năm trước, công ty nhỏ ở Việt Nam đã quyết toán xong xuôi. Năm ngoái, cả công ty ở Singapore và Việt Nam đều lỗ. Hơn nữa, vốn hóa trên thị trường tiền ảo của Axie Infinity, không liên quan gì đến công ty đặt tại Việt Nam.
Năm nay thì công ty gia công tại Việt Nam chưa quyết toán, nhưng dự đoán chắc chắn sẽ không lời. Nếu doanh nghiệp không có lời thì không thể nộp thuế!".
Còn theo chia sẻ của một founder startup về game blockchain giấu tên, vừa IDO Token Play, thì doanh nghiệp của họ cũng đăng ký kinh doanh bên Singapore, bởi tương lai họ sẽ hoạt động ở thị trường thế giới chứ không phải tại Việt Nam – do thị trường Việt Nam mảng này mới sơ khai, người chơi game chưa quan tâm. Nói chung, theo startup này, nếu đã lên kế hoạch kinh doanh toàn cầu, thì trước mắt nên đặt công ty tại Singapore.
Theo đó, nếu công ty của anh tại Singapore phát sinh nguồn thu vào tài khoản, thì Chính phủ Singapore sẽ đánh thuế. Hơn nữa, ở Singapore đã có luật cụ thể cho mảng blockchain.
Tại Việt Nam, chỉ có số ít người tham gia chơi game blockchain, thị trường toàn cầu mới lớn. Việt Nam vẫn chưa thật sự có luật định cho lĩnh vực này, nên nếu đăng ký tại Việt Nam chắc không thể được miễn thuế, thuế đánh vào startup công nghệ còn phải “xin tới – xin lui”.
Tại Việt Nam, startup có thể đăng ký dự án khởi nghiệp kiểu ứng dụng công nghệ blockchain vào một số ngành như nông nghiệp – tài chính, nhưng mảng Crypto thì không thể, vì vẫn chưa được luật pháp cho phép và quy định cụ thể.
Công ty gia công và nhân sự tại Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm viết phần mềm, vận hành, còn hoạt động chủ yếu ở bên Singapore. Công ty gia công phần mềm này sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có lợi nhuận) và thu nhập cá nhân cho nhân sự tại Việt Nam.
"Mảng Crypto này ở các nước trên thế giới chưa ai sờ đến thuế cả. Tất nhiên, công ty kiểu này có thể đăng ký thành lập tại Việt Nam nhưng chẳng để làm gì.
Vốn hóa trên sàn tiền ảo lớn chẳng liên quan gì đến doanh thu hoặc lợi nhuận của startup, lắm khi vốn hóa đồng token vài tỷ đô, nhưng có thể doanh thu chẳng có gì và thậm chí còn lỗ", founder này kết luận.
Vì vấn đề Việt Nam chưa có những điều luật cụ thể về mảng Crypto hay game blockchain, nên nếu tỷ lệ startup công nghệ Việt đăng ký kinh doanh tại nước ngoài – tiêu biểu là Singapore vào khoảng 50%, thì mảng game blockchain là 100%.
Về vấn đề này, góc nhìn của chị Nicole Nguyen – Co-founder KryptoVietnam và Co-founder Duelist King còn rộng hơn.
Chị Nicole Nguyen – Co-founder KryptoVietnam và Co-founder Duelist King
Theo Nicole, hệ sinh thái blockchain tại Việt Nam đã và đang phát triển mạnh từ trước cơn bão mang tên Axie Inifinity. Bởi Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi cho mảng này như: có lực lượng lập trình viên chất lượng và chi phí hợp lý, thị trường Crypto nói chung phát triển và dân số trẻ thành thạo công nghệ.
Tuy nhiên cần xem lại định nghĩa "công ty Việt Nam" vì founder người Việt khá nhiều nhưng dự án thì có thể đăng ký ở nước khác như Singapore, Mỹ, Hongkong…
Ngoài ra, tiềm năng của thị trường không chỉ tới từ Crypto mà còn từ ứng dụng blockchain trong khá nhiều mảng như giáo dục, nông nghiệp, tuy mới chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm.
"Việc các doanh nghiệp đăng ký tại đâu thì có 2 yếu tố đẩy và kéo. Yếu tố đẩy về nội tại thì chắc chắn có liên quan về môi trường, thuế, tính minh bạch. Yếu tố kéo liên quan tới khẩu vị nhà đầu tư - họ ưu tiên các doanh nghiệp đặt tại Hongkong, Singapore…
Vì đa phần các quỹ cũng có mặt tại đó, hệ sinh thái phát triển, đầy đủ các người chơi ở mảng ươm tạo/tăng tốc/hỗ trợ doanh nghiệp, dễ trao đổi gặp gỡ. Bên cạnh đó, các nước này cũng có quy định rõ ràng về kiểm toán, minh bạch về quy trình giấy tờ.
Do vậy việc quan tâm không thôi cũng sẽ không giải quyết được vấn đề nếu không có cả 2 yếu tố kéo và đẩy này. Chúng ta có thể từng bước tạo sandbox, nhằm tạo điều kiện cho các startup đặt tại nước ngoài chuyển dịch dần hoặc đưa một phần hoạt động kinh doanh về nước, tạo điều kiện kinh doanh tránh đánh thuế hai lần.
Mặt khác, chúng ta cũng nên chú trọng xây dựng hệ sinh thái trong nước, xem xét ưu đãi cho nhà đầu tư, tạo điều kiện về việc điều chuyển vốn nhất là ngoại tệ. Có như vậy mới có thể có sự chuyển dịch đáng kể được", chị Nicole Nguyen đề xuất.
Cuối cùng, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch – Trưởng văn phòng đại diện VECOM tại TP.HCM cũng góp lời: "Chúng ta không nên nhắc đến thuế ở đây, nếu không có thể xảy ra một vụ việc như Nguyễn Hà Đông (Flappy Bird) thứ hai, có thể sẽ mất hết nhân tài ra khỏi Việt Nam.
Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp trong ngành này đều đang đăng ký kinh doanh tại Singapore, không phát sinh doanh thu tại Việt Nam, nên không thể thu thuế Thu nhập doanh nghiệp được!".
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị