Trong cái đêm mà câu chuyện "bác sĩ Khoa" được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên Facebook, tôi tận dụng tối đa lý tính để hiểu xem điều gì đã khiến một thông tin vô lý như vậy được lan truyền.
Các yếu tố cảm xúc gắn với bối cảnh thực tiễn xã hội ở thời điểm đó được tận dụng tối đa để đẩy câu chuyện lên cao trào.
Các kịch bản được dàn dựng khéo léo đến mức nó có thể vượt qua được trực quan lý tính nhạy cảm của nhiều người có ảnh hưởng để khiến nó được giúp sức lan truyền rộng hơn.
Rõ ràng câu chuyện "bác sĩ Khoa" vô tình đóng vai trò là một thí nghiệm về tin giả trong môi trường truyền thông xã hội.
Nó cho thấy vấn đề hết sức nghiêm trọng về mức độ tác động của tin giả đối với xã hội: ngay cả những nhà báo nhiều năm làm nghề cũng có thể bị đánh lừa một cách dễ dàng thì người dân sẽ còn bị dẫn dắt tới đâu.
Trong mấy năm nay, trên nhiều diễn đàn khoa học và truyền thông, tôi có nhấn mạnh đến các bài toán quản trị và xử lý tin giả, trong đó nhấn mạnh đến việc "trị căn thay vì trị chứng".
Có vẻ hiện nay các cơ quan chức năng cũng đang lúng túng trong việc xử lý với các tin giả dạng này, và phạt đang là một hình thức được áp dụng phổ biến để xử lý các tin giả.
Tuy nhiên, việc này không thể ngăn chặn được các tin giả một cách hữu hiệu, mà về lâu dài cần nhìn sâu xa vào khía cạnh tâm lý và nhu cầu cần được thỏa dụng về mặt thông tin của người dân.
Ở bất cứ nơi đâu, tin giả chỉ có thể hoành hành được trong các môi trường và không gian thiếu vắng thông tin thật. Khi người dân cần các thông tin về dịch, họ cần được đáp ứng đầy đủ, trọn vẹn và không méo lệch các thông tin.
Việc này cần vai trò của truyền thông chính thống. Nếu công việc này được thực hiện chậm trễ, hoặc nếu được căn chỉnh theo một định hướng nào đó, đám đông sẽ đủ thông minh để nhận ra và điều hướng sự tìm kiếm của họ đến các nguồn khác, kể cả nguồn phi chính tắc.
Lúc đó dư luận sẽ phân mảnh và khó kiểm soát, và thực ra thông tin tưởng chừng "định hướng" được lại mang tác dụng phụ và làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Do đó các tin tức chính thống và đầy đủ cần được các cơ quan truyền thông chính thống phủ lấp kịp thời, để nhu cầu thông tin của người dân được thỏa dụng, lúc đó tin giả không còn đất sống.
Mặt khác, cần yêu cầu mạng xã hội (như Facebook) có trách nhiệm xử lý các tin giả và có chế tài cho việc này. Vấn đề này ở châu Âu đã có tiền lệ pháp lý.
Đơn cử tại Đức, nếu tin giả được báo cáo cho nhà mạng mà sau 24 giờ không xử lý, nhà mạng có thể bị phạt tới 500.000 euro mỗi tin giả. Những kẻ tung tin giả, theo chế định ở nhiều luật khác nhau, tùy thuộc vào tính chất và mức độ sẽ bị nghiêm trị.
Về lâu dài, khi mỗi cá nhân đều sở hữu một thiết bị di động cầm tay thông minh như điện thoại hay máy tính bảng, vai trò của ngành giáo dục rất quan trọng trong việc trang bị cho mỗi cá nhân những kỹ năng và kiến thức để ứng xử với tin tức trên không gian truyền thông.
Ngành giáo dục cần đưa bộ môn truyền thông vào dạy cho học sinh từ cuối cấp I, trang bị tư duy phản biện và hoài nghi khoa học, hướng dẫn cách chọn lọc tin tức, phân biệt tin tức khả tín và tin giả…
Khi mỗi cá nhân tự lọc được thông tin, sức đề kháng và miễn dịch trước các tin giả càng lớn, hệ lụy cho xã hội sẽ được giảm thiểu nếu tương lai có các "bác sĩ Khoa" khác xuất hiện. Và luôn nhớ: trên mảnh đất được tưới tắm bởi những bông hoa của sự thật thì những ngọn cỏ giả dối không còn đất sống.
TTO - Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM nhận định nhóm đứng sau vụ việc gây ồn ào trên mạng xã hội vừa qua được thành lập với sự tham gia của một số tài khoản giả nhưng hoàn toàn có tương tác thật. Nhóm này có hệ thống và 'sống thật' trên mạng.
Xem thêm: mth.74142537031801202-taht-us-auc-aoh-gnob-gnuhn-iob-mat-iout-coud-tad-hnam-nert/nv.ertiout