Khi tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 tăng lên, một số quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao như Israel và Pháp đã áp dụng biện pháp nới lỏng hạn chế đối với những người đã tiêm vaccine nhằm khuyến khích những người còn lại thực hiện tiêm phòng. Trong khi đó, một số nước như Singapore cũng đang lên kế hoạch cho việc này.
Theo kênh Channel News Asia, các nước nói trên không trực tiếp dùng các biện pháp chế tài để ép buộc người dân phải đi tiêm. Thay vào đó, họ nới lỏng các hạn chế với người đã tiêm và siết chặt hơn đối với người không tiêm. Biện pháp này vừa khuyến khích vừa buộc dân phải đi tiêm nếu không muốn bị cản trở trong đi lại, sinh hoạt, công việc.
Một lọ vaccine COVID-19 của hãng Moderna. Ảnh: REUTERS
Việc nới lỏng bao gồm giảm hoặc loại bỏ các quy định về sức khỏe cộng đồng nhất định đối với những người được tiêm chủng, chẳng hạn như đeo khẩu trang ở một số địa điểm công cộng. Các nước này cũng cho phép những người đã tiêm được tiếp cận các sự kiện, không gian hoặc hoạt động cụ thể như nhà hàng và phòng tập thể dục.
Ngoài ra, một số quốc gia đã bắt đầu thực hiện hoặc đang xem xét giấy chứng nhận tiêm chủng như một điều kiện tiền đề để loại bỏ một số hạn chế nhất định, chẳng hạn như yêu cầu kiểm dịch đối với khách du lịch đã tiêm chủng.
Vẫn còn nhiều bất cập
Dù các biện pháp nói trên có thể giúp tạo điều kiện cho các hoạt động xã hội được tiếp diễn, nhưng chúng còn gây tranh cãi về mặt đạo đức và xã hội.
Một mặt, việc nới lỏng hạn chế đối với người đã tiêm vaccine có thể được coi là một cách khách quan để phân loại mọi người theo nguy cơ mắc COVID-19, cũng như nguy cơ gây lây nhiễm cho người khác.
Điều này có cơ sở vững chắc về bằng chứng khoa học. Các cuộc khảo sát trên toàn thế giới đã chứng minh những người được tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn nhiều. Họ cũng ít có khả năng bị nhiễm bệnh và lây nhiễm sang người khác.
Do đó, việc ưu tiên cho những người đã tiêm chủng có thể được xem là giải pháp hợp lý, bởi vì họ có nguy cơ bị bệnh nặng thấp hơn đáng kể và ít gây ra rủi ro hơn cho những người khác.
Tuy nhiên, mỗi người có cơ địa khác nhau. Chính vì thế, không phải tất cả mọi người đều được bảo vệ tốt như nhau. Các nghiên cứu gần đây cho thấy biến thể Delta vẫn có khả năng gây lây nhiễm ở cả những người được tiêm chủng đầy đủ, và những người này có thể truyền virus sang người khác.
Vì vậy, mặc dù tiêm chủng nói chung làm giảm nguy cơ đáng kể, nhưng tình trạng tiêm chủng của một cá nhân không nhất thiết là một chỉ số đáng tin cậy về mức độ rủi ro mà họ gây ra cho bản thân hoặc những người khác nếu họ mắc phải COVID-19.
Để giải quyết tình trạng đó, các nước đã buộc người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính để được các sự kiện đông người, nơi việc thực thi các biện pháp như giữ khoảng cách 2 m và đeo khẩu trang vẫn chưa thực sự khả thi.
Tuy nhiên, điều này lại đặt ra một thách thức khác. Kết quả thử nghiệm chỉ đáng tin cậy trong một khoảng thời gian ngắn, nên nhu cầu thử nghiệm lặp lại để tiếp cận các hoạt động và dịch vụ khác nhau có thể là gánh nặng đối với người dân.
Đâu là giải pháp?
Theo các chuyên gia, việc nới lỏng các giới hạn đi lại nên được thực hiện một cách cẩn trọng. Họ nhận định việc gấp gáp mở cửa lại trên diện rộng không giúp các hoạt động xã hội sớm quay lại bình thường, mà người lại có có thể gây ra những tác động không tốt đến nền động kinh tế.
Thay vào đó, các nhà khoa học đề xuất các nước nên kết hợp việc giảm hạn chế đi lại với tăng cường tốc độ tiêm vaccine và các biện pháp khử khuẩn nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch.
Các chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng đã được chứng minh là hạn chế hiệu quả sự lây lan của virus và đặc biệt là ngăn là sự xuất hiện của các ca bệnh nặng. Tuy nhiên, việc xây dựng niềm tin vào vaccine vẫn là trọng tâm để đạt được mức độ miễn dịch cần thiết trong dân chúng.
Dù vaccine được chứng minh là giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện tại, nhưng chỉ tiêm vaccine thôi là chưa đủ. Theo giới chuyên môn, cho đến khi toàn xã hội đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, các biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách giữa các cá nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu.