Cơn sóng thần mang tên Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu xa bờ, nhu cầu thực phẩm của người dân trong tình cảnh này có phần tăng cao. Ngoài các mặt hàng tươi sống, các mặt hàng khô có thể tích trữ trong nhà là sự lựa chọn ưu tiên trong danh sách mua sắm của đại đa số các gia đình.
Ở Thái Lan, nhu cầu về trứng đã tăng vọt trong thời dịch do có nhiều người phải ở nhà làm việc. Ngoài ra, nhiều nhóm từ thiện mua trứng với số lượng lớn trực tiếp từ các trang trại để quyên góp thực phẩm cho những vùng chịu thiệt hại lớn.
Ông Wattanasak Sur-iam, Vụ trưởng Vụ Nội thương nước này cho hay, lợi dụng tình hình, một số nhà cung cấp đang cổ tình đẩy giá bán.
Giá trứng xuất xưởng theo các kích cỡ hỗn hợp đang có giá trung bình là 3 baht (0,09 USD)/quả, tăng từ 2,5-2,7 baht (khoảng 0,07-0,08 USD) trong tháng 1.
Tại Thái Lan, tích trữ là hành vi vi phạm Mục 29 của Đạo luật về Giá hàng hóa và Dịch vụ. Người vi phạm có thể đối mặt với án phạt 7 năm tù giam, bị phạt tiền lên đến 140.000 baht (khoảng 4.200 USD) hoặc cả hai.
Ông Wattanasak cho biết nếu người dân phát hiện có hiện tượng tích trữ, tăng giá cần thông báo ngay cho đường dây nóng của Vụ hoặc liên hệ tới các cán bộ phụ trách thương mại địa phương. Các cơ quan quản lý sẽ tiến hành điều tra và xử lý theo quy định.
Kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 4/2020, 4 hiệp hội trứng gà Thái Lan đã đồng ý duy trì giá bán trứng các loại ở mức trần 3 baht (0,09 USD)/quả. Cục cũng yêu cầu các hộ sản xuất trứng đảm bảo giá xuất chuồng để ổn định giá bán lẻ.
Với Việt Nam, sau khi Hà Nội và Tp.HCM thực hiện chỉ thị 16, mặt hàng trứng gà cũng tăng mạnh, luôn nằm trong danh sách "cháy hàng".
Ở Hà Nội, ghi nhận thời điểm tháng 7/2021, ở các chợ, giá trứng gà công nghiệp được bán với giá 3.400 - 3.500 đồng/quả, trứng gà ta 4.800 - 5.500 đồng/quả. Trước đó, trứng gà công nghiệp giá chỉ dao động 2.800 - 3.000 đồng/quả, gà ta là 4.000 đồng/quả.
Tại các siêu thị lớn, giá trứng gà ta dao động 4.800 - 5.500 đồng/quả, trứng gà công nghiệp từ 2.800 - 3.3000 đồng/quả. Nói chung, giá trứng tại các siêu thị khá bình ổn, tuy nhiên, từ nhu cầu tích trữ tăng cao của người dân nên một số siêu thị giới hạn cho khách chỉ mua 1 - 3 vỉ trứng/lần.
Tại Tp.HCM, khoảng tháng 7, hiện tượng tăng giá trứng cũng xuất hiện ở một số chợ nhỏ lẻ. Nhưng ở các siêu thị thì giá bình ổn.
Thời điểm đó, ông Phan Thanh Hùng - Phó Giám đốc CTCP Ba Huân chuyên cung cấp trứng chủ yếu cho các siêu thị tại đây cho biết, lượng hàng cung cấp của công ty cho siêu thị vẫn ổn định, khoảng 1 triệu quả trứng/ngày và khẳng định: "Hiện giá bán trứng ở các siêu thị vẫn ổn định, không hề có chuyện tăng giá. Việc giá bị đẩy lên cao ở tại chợ, điểm bán tự phát có thể là do tiểu thương lợi dụng kéo giá lên".
Cũng cung cấp trung bình mỗi ngày 800.000 đến 1 triệu quả trứng cho thị trường Tp.HCM, ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc CTCP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cam kết, giá trứng bán ra tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm không có dấu hiệu tăng giá hay đầu cơ trứng trong bối cảnh Covid-19 này.
Ngày 14/7, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản 1499/QLTT-NVTH thông tin đường dây nóng của Cục và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, đường dây nóng phản ánh hành vi thu lợi bất chính trong dịch bệnh: Cục Quản lý thị trường TP: 028.39321014 và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP: 028.39322491 sẽ tiếp nhận phản ánh của người dân về hành vi thu lời bất chính trong dịch bệnh 24/24.
Số điện thoại cũng sẽ được niêm yết tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng... Sau khi được tiếp nhận, các phản ánh của người dân sẽ lập tức được chuyển tới các đội trưởng đội quản lý thị trường nơi phát sinh vụ việc để xử lý.
Min (Tổng hợp từ Zing/Café F/Kinh Tế Đô Thị)