Bộ Tài chính vừa có ý kiến về đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH cho phép người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình ESP (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài) được mua bảo hiểm COVID-19.
Theo Bộ Tài chính, pháp luật kinh doanh bảo hiểm không quy định hạn chế việc doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí về bảo hiểm sức khỏe, trong đó bao gồm cả sản phẩm cho bệnh dịch COVID-19 và được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm không triển khai sản phẩm bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Vì việc triển khai bảo hiểm này trong giai đoạn đang tiêm chủng sẽ dễ bị xuyên tạc, hiểu nhầm tiêm vaccine phòng chống COVID-19 không an toàn, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Bộ Tài chính muốn ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động đi làm việc nước ngoài. Ảnh: V.LONG
Với đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án. Trong đó, phương án 1 tiếp tục không triển khai bảo hiểm liên quan đến dịch COVID-19.
“Phương án này có thể dẫn đến hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong việc kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, phù hợp với chủ trương của Đảng về xử lý tình huống trong giai đoạn cấp bách hiện nay…”- Bộ Tài chính cho hay.
Phương án 2, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm bán bảo hiểm bệnh dịch COVID-19 cho người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TBXH, nếu người lao động bị nhiễm bệnh trong thời gian cách ly sau khi nhập cảnh mà không có bảo hiểm, trong điều kiện chưa có thu nhập, người lao động sẽ gặp khó khăn để thanh toán chi phí này.
Do vậy, trường hợp cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm cho dịch bệnh COVID-19 đối với người đi xuất khẩu lao động sẽ là một trong các giải pháp góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Theo phương án này, đối tượng tham gia bảo hiểm chỉ giới hạn đối với người đi xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng theo báo cáo của Bộ LĐTBXH số lượng người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc không nhiều (khoảng 5.000 người), do đó trường hợp triển khai bảo hiểm sẽ không đảm bảo nguyên tắc số đông bù số ít trong bảo hiểm.
“Vì vậy việc triển khai bảo hiểm cho dịch bệnh COVID-19 cần lựa chọn đối tượng và thời gian thích hợp để vừa góp phần thực hiện các giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng, vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm…”- Bộ Tài chính cho hay.
Mặt khác, Bộ Tài chính cho rằng theo ý kiến của Bộ Tư pháp, ngoài giải pháp mua bảo hiểm cho người lao động còn có các giải pháp khác như hộ chiếu vắc xin, hiệp định tương hỗ...
Vì vậy Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ, tổng hợp báo cáo Thủ tướng thực hiện theo phương án 1. Song song đó, giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, làm rõ hơn và đánh giá ưu nhược điểm của các giải pháp cho người lao động Việt Nam xuất khẩu lao động ra nước ngoài như hộ chiếu vắc xin, hiệp định tương hỗ... trên cơ sở đó có đề xuất giải pháp phù hợp.
“Ngoài ra, đề nghị Bộ Y tế bổ sung đối tượng lao động xuất khẩu vào đối tượng ưu tiên tiêm phòng COVID-19 và làm việc với các nước để được công nhận hộ chiếu vaccine đối với lao động xuất khẩu của Việt Nam...”- Bộ Tài chính nêu ý kiến.