Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công có công văn gửi 31 cơ quan Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố về việc thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 nhằm chuẩn bị bị tài liệu báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sắp tới.
Theo đó, Bộ này đề nghị các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương báo cáo tình hình triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách; các địa phương báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương mình trong tháng 8 và 8 tháng năm 2021.
Trong đó, lưu ý thực hiện một số nội dung như đánh giá, cập nhật các kết quả triển khai nhiệm vụ trong tháng, các kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực phụ trách nhất là các nhiệm vụ liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19.
Các tồn tại, hạn chế, vướng mắc và các vấn đề cần lưu ý; nguyên nhân của các kết quả đạt được và các tồn tại, hạn chế; dự báo tình hình ngành, lĩnh vực phụ trách, dự kiến các mục tiêu, chỉ tiêu trong các tháng còn lại năm 2021; đề xuất, kiến nghị các giải pháp cần thực hiện trong quý II/2021 và các nội dung cần xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021.
Yêu cầu phải nêu cụ thể về các dự án chưa giải ngân, các vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm của từng dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Theo số liệu của tổng cục Thống kê, vốn NSNN giải ngân tính đến 31/7/2021 đạt 169,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% kế hoạch, giảm 40,67% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh một số Bộ và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn từ nguồn NSNN cao, vẫn còn 7 Bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 2 Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2021 ước tính đạt 38,3 nghìn tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 210,8 nghìn tỷ đồng, bao gồm 35,2 nghìn tỷ đồng vốn Trung ương quản lý và 175 nghìn tỷ đồng vốn địa phương quản lý.
Với sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 và Chỉ thị số 15 nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Trong thời giãn thực hiện giãn cách xã hội, nhiều dự án, công trình phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động trong phòng chống dịch bệnh cũng như phải thực hiện giãn cách trên công trường. Đây là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong tháng 7/2021.
Đặc biệt, kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN được giao của TP.HCM trong năm 2021 đạt 35.7 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch vốn của cả nước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, vốn đầu tư thực hiện của TP.HCM tháng 7/2021 ước đạt 3,2% so với kế hoạch năm 2021, giảm 67,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thu Huyền