Các hãng bay gần như ‘ngủ đông’ trông chờ giải cứu
V.Dũng
(KTSG Online) - Nhu cầu sụt giảm, số chuyến bay khai thác chỉ đếm trên đầu ngón tay đã khiến cho các hãng hàng không, nhất là các hãng nhỏ gần như “ngủ đông” trong tháng 7 vừa qua. Dù không bay nhưng các chi phí cố định vẫn phải thanh toán sẽ khiến cho tình trạng tài chính của các hãng hàng không ngày một trở nên căng kéo và bắt đầu kiến nghị những giải pháp hỗ trợ.
Tình hình khai thác chuyến bay của nhiều hãng hàng không giảm sâu trong tháng 7. Ảnh minh họa: TTXVN |
Đội bay “xếp cánh” nằm chờ
Với tình hình khai thác hạn chế như hiện nay các hãng bay cũng đối diện với tình trạng khó khăn không kém giai đoạn tháng 4-2020 (giai đoạn ảm đạm nhất trong lịch sử hàng không Việt Nam khi dịch bùng phát). Phần lớn đội bay của các hãng cũng một lần nữa “xếp cánh” nằm chờ tại các cảng hàng không.
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không cho thấy, tháng 7 vừa qua cả sáu hãng hàng không Việt thực hiện 3.772 chuyến bay, chỉ nhỉnh hơn 145 chuyến so với thời điểm tháng 4-2020. Đáng chú ý, các hãng bay nhỏ như Vietravel Airlines, Pacific Airlines… tỷ lệ khai thác cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cụ thể, tháng vừa qua Vietravel Airlines chỉ thực hiện đúng 3 chuyến bay. Tân binh của ngành hàng không Việt ghi nhận lượng chuyến bay giảm 86,4% so với tháng trước đó và là tháng ảm đạm nhất của hãng kể từ khi vận hành.
Trong khi đó, Pacific Airlines cũng chỉ khai thác 37 chuyến bay trong tháng 7, giảm 76,4% so với tháng trước và giảm 97,6% so với cùng kỳ. Hãng bay thành viên của Vietnam Airlines Group này hiện có tới 17 trong tổng số 18 máy bay trong đội bay đang nằm sân, không khai thác do vắng khách vì dịch bệnh.
Đối với các hãng bay lớn, Vietnam Airlines là hãng bay thực hiện nhiều chuyến bay nhất trong tháng 7, nhưng chỉ ở mức 1.522 chuyến, giảm 79% so với tháng trước và giảm 84,8% so với cùng kỳ. Xếp sau là Bamboo Airways với 1.071 chuyến bay, giảm 14,3% so với tháng trước và giảm 56,7% so với cùng kỳ.
Vietjet Air thực hiện 676 chuyến bay trong tháng 7, giảm 48,8% so với tháng trước và giảm 91,9% so với cùng kỳ. Vasco cũng tương tự Pacific Airlines, chỉ thực hiện 52 chuyến bay trong tháng, giảm 4% so với tháng trước và giảm 95,2% so với cùng kỳ.
Ngoài việc khai thác chuyến bay giảm sâu thì tỷ lệ máy bay năm sân của các hãng bay này cũng rất lớn. Theo số liệu từ Planespotter, trong 100 máy bay của Vietnam Airlines, đã có 73 chiếc phải nằm sân ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Con số này của Vietjet Air là 63 trong tổng số 74 chiếc; của Bamboo Airways là 19 trong trong số 29 chiếc.
Việc hạn chế khai thác các đường bay nội địa và quy định phải cách ly tập trung 14 ngày với người đến từ vùng dịch đã làm suy giảm rõ rệt nhu cầu di chuyển hàng không của hành khách. Gần nhất, Bộ GTVT đã cho phép Cục Hàng không căn cứ nhu cầu thực tế, có thể giảm khai thác đường bay TPHCM - Hà Nội xuống dưới 2 chuyến khứ hồi/ngày.
Vẫn đợi giải pháp “cứu tinh”
Dù tình hình khai thác chưa chạm đáy nhưng bối cảnh hiện tại rất khác với giai đoạn tháng 4 năm ngoái khi thực trạng tài chính của hầu hết hãng bay đều bị tổn thương sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh. Tình trạng này kéo dài đang đẩy các hãng bay tới giới hạn chịu đựng và trông chờ vào một chính sách hỗ trợ để cất cánh thoát ra khỏi nguy cơ sụp đổ.
Chia sẻ với KTSG Online mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines cho biết hãng bay bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và cần được hỗ trợ để có khả năng "sống sót" và hoạt động trở lại sau khi Covid-19 được khống chế. Vietravel Airlines đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị được cho vay 1.000 tỉ đồng với lãi suất thấp trong vòng 5 năm. "Chúng tôi mong có thể được vay với lãi suất 4% đến 5%/năm.
Thêm vào đó, hầu hết các ngân hàng đều hạ bậc tín dụng và nhóm nợ qua hệ thống đánh giá tự động cũng như gây khó cho các khoản vay mới với những khách hàng xin được gia hạn, hoãn trả nợ làm doanh nghiệp rất khó khăn. Vì thế, doanh nghiệp khác rất cần được hỗ trợ.
"Tôi cho rằng chính phủ cần ban hành chính sách cho toàn bộ doanh nghiệp hàng không và có giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho các hãng", ông Kỳ nói.
Vietravel Airlines vừa gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng kiến nghị được hỗ trợ. Ảnh: DNCC |
Không chỉ tân binh Vietravel Airlines mà các hãng nay khác đều rơi vào một trạng thái tương tự. Số liệu tại tại hội thảo “giữ cánh” cho hàng không mới đây cho thấy, doanh thu ngành hàng không hiện tại giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020 và gần 100% so với năm 2019. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày. Tính tới tháng 6-2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways) ước tính lên tới 36.000 tỉ đồng, trong đó khoản nợ của Vietnam Airlines là 20.000 tỉ đồng.
Trong buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng và doanh nghiệp gần đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cũng đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng những gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại. Sau thời gian giãn cách chống dịch, các hãng cần nguồn lực để chuẩn bị cho việc mở lại đường bay quốc tế và nội địa. Bởi đó là thời điểm chúng ta cần chuyên gia, thương gia, nhu cầu chữa bệnh, giáo dục, du lịch… và cũng là cơ sở cho hàng không phục hồi nhanh trở lại.
Cụ thể, với đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cả VietJet Air và Bamboo Airways mong muốn được cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn từ 4.000 - 5.000 tỉ đồng, thời hạn giống như khoản tín dụng đã cho Vietnam Airlines vay.
Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị có gói tín dụng ưu đãi, mức lãi suất giảm khoảng 4% so với mức lãi suất vay thương mại, thời hạn 3-5 năm để các hãng duy trì được nguồn lực.
Theo TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, ngay từ khi có dịch, ngành hàng không đã có nhiều giải pháp tự cứu lấy mình. Doanh nghiệp bắt đầu nhìn nhận thực chất và chuyển đổi hình thức kinh doanh sao cho tối ưu nhất. Khó khăn hay rủi ro tiềm ẩn đối với doanh nghiệp đều được báo cáo tới Chính phủ, nhưng vấn đề vốn vẫn đang rất nan giải. Với tình hình kinh doanh trên, doanh nghiệp sẽ không có đủ tiền để chi trả nợ ngắn hạn từ ngân hàng, từ các nhà cung cấp và quan trọng là trả lương cho hàng nghìn người lao động.
Tuy nhiên TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lại cho rằng, vấn đề quan trọng bây giờ là cần có hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cùng với các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đảm bảo tính thanh khoản. Đây là cơ sở cho khả năng phục hồi và phát triển trong tương lai. Còn các hãng hàng không muốn được giải cứu, họ phải phải chứng minh có khả năng để phục hồi trả nợ, phải có tài sản đảm bảo. Đến cả Vietnam Airlines vay từ gói cứu trợ cũng phải có tài sản đảm bảo.
“Hiện các tổ chức tín dụng không thiếu vốn, nhưng các doanh nghiệp bắt buộc phải có tài sản đảm bảo theo quy định của Nhà nước, nên rất khó tiếp cận. Do đó, cần đề xuất Chính phủ trình một nghị quyết lên Quốc hội để có một giải pháp toàn diện”, TS. Nguyễn Quốc Hùng khuyến nghị.
Xem thêm: lmth.-uuc-iaig-ohc-gnort-gnod-ugn-uhn-nag-yab-gnah-cac/104913/nv.semitnogiaseht.www