Người dân Đà Nẵng ra chợ mua sắm thực phẩm tích trữ cho tuần phong tỏa nghiêm ngặt sắp tới - Ảnh: TẤN LỰC
Rút kinh nghiệm từ những lúng túng ban đầu khi thực hiện phong tỏa các phường tại quận Sơn Trà, lần này Đà Nẵng quyết xây dựng quy trình cung ứng thông thoáng từ ngoài TP vào tới khu dân cư.
Quy trình 5 bước từ nhà cung ứng đến hộ dân
Ông Nguyễn Văn Quảng - bí thư Thành ủy Đà Nẵng - vừa yêu cầu UBND TP và các sở ngành, địa phương xây dựng quy trình cung ứng lương thực, thực phẩm chặt chẽ cho người dân.
Quy trình được xây dựng theo 5 bước, từ cung ứng hàng hóa bên ngoài vào thành phố đến nhà cung ứng tổng; vận chuyển đến quận, huyện, phường, xã; từ phường, xã đến khu dân cư và từ khu dân cư đến người dân.
Theo ông Quảng, rút kinh nghiệm từ quận Sơn Trà, TP phải tìm nhà cung ứng có năng lực và có kho dự trữ bảo đảm, có hệ thống bán lẻ hoặc liên kết tốt với hệ thống bán lẻ, bảo đảm vận chuyển kịp thời đến các phường, xã.
Các địa phương cũng phải xây dựng lực lượng cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, hỗ trợ những đối tượng yếu thế, công nhân nghèo.
Ông Quảng cũng chỉ đạo Công an thành phố và Sở GTVT rà soát, cấp giấy lưu thông cho phương tiện chở trang thiết bị, hàng hóa, lương thực, thực phẩm từ địa phương đến thành phố.
Ông Lê Trung Chinh - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nói tinh thần giãn cách lần này là ai ở đâu ở yên đấy, mọi người dân phải ở nhà, nếu ra khỏi nhà sẽ bị xử lý nghiêm. Để làm tốt điều này, mỗi tổ dân phố phải thành lập một đội cung ứng, bảo đảm lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Đối với những bộ phận làm nhiệm vụ không liên quan đến công tác phòng chống dịch, các cơ quan, đơn vị yêu cầu ở nhà và tham gia tích cực cùng với khu dân cư trong việc theo dõi, giám sát và cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân.
Người dân quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, đi mua thịt dự trữ tại điểm bán hàng bình ổn sáng 13-8 - Ảnh: TẤN LỰC
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 13-8, bà Lê Thị Kim Phương - giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, -cho biết cơ quan này đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch cung ứng hàng hóa chi tiết để trình Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP phê duyệt trong cuộc họp tối cùng ngày.
Về cơ bản, kế hoạch sẽ bám sát các chỉ đạo của lãnh đạo TP và bổ sung một số điểm mới dựa trên góp ý của các sở ngành và quận huyện.
Ghi nhận thực tế của Tuổi Trẻ Online 2 ngày qua cho thấy đông đảo người dân Đà Nẵng đã đổ xô đi mua sắm thực phẩm tích trữ dự phòng cho tuần tới. Do nhu cầu quá lớn, hàng hóa tại các chợ, siêu thị đã có tình trạng thiếu hụt cục bộ.
Một số mặt hàng rau củ quả, thịt cá tại các chợ đã có dấu hiệu lợi dụng tăng giá ảnh hưởng đến người dân. Việc người dân ra chợ và siêu thị quá đông tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi không đáp ứng được nguyên tắc giãn cách.
Thực tế qua thời gian phong tỏa tại quận Sơn Trà, một số người dân phản ảnh việc cung cấp thực phẩm cho người dân có lúc, có nơi còn chậm trễ. Trong đó nguyên nhân chính là khâu cung ứng và phân phối không đồng bộ, nhịp nhàng.
Việc tổ chức phương tiện và lực lượng nhận hàng, phân phối, giao hàng từ nhà cung cấp đến tay người dân bị đứt đoạn, qua nhiều chặng khiến thời gian kéo dài. Công tác tiếp nhận chưa khoa học khiến các nhà cung ứng quá tải về đơn hàng.
Do đó, để không đứt gãy chuỗi cung ứng, phục vụ thực phẩm trơn tru đến tay mọi người dân toàn TP sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ mà Đà Nẵng cần có kế hoạch bài bản giải quyết lúc này.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.
TTO - Sở Công thương TP Đà Nẵng và các doanh nghiệp cung ứng đã tổ chức một số điểm bán hàng bình ổn cho người dân tại các nơi có chợ bị phong tỏa. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân lúc này.
Xem thêm: mth.57524424131801202-iot-naut-gnort-oas-ar-mahp-cuht-gnu-gnuc-ib-nauhc-gnan-ad/nv.ertiout