Ngành logistics trong nước vốn chỉ có quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải chịu thiệt hại lớn do đại dịch COVID-19 cần tái cấu trúc hiệu quả.
Logistics nội địa chỉ giành được "miếng bánh" nhỏ
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, logistics là một trong những ngành phải chịu tác động nặng nề của đại dịch. Trong bối cảnh "sinh sau đẻ muộn" còn non trẻ, tiềm lực kinh tế nhỏ, thì logistics Việt Nam rất dễ bị các doanh nghiệp (DN) ngoại thâu tóm.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù là chỉ số hiệu quả logistics (LPI) Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN; Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi; tốc độ tăng trưởng ngành đạt 14-16%; số lượng các DN và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên..., nhưng ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, một trong những điểm yếu của ngành logistics Việt Nam là chi phí còn cao; thiếu sự liên kết giữa các DN dịch vụ với nhau và với các DN sản xuất, kinh doanh, DN xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các DN logistics Việt Nam còn yếu; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa chỉ rõ, Hải Phòng hiện có khoảng 300 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, đa phần là DN vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu trong khi Hải Phòng là địa phương hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm dịch vụ logistics hiện đại.
Mới đây, tại hội thảo gỡ khó cho ngành logistics (ngày 12.8.2021), bà Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Western Pacific, kiêm Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cũng thẳng thắn nêu rõ: Một trong những thách thức hiện nay của ngành là thị phần logistics của Việt Nam đang ngày càng bị thu nhỏ, phải chia sẻ thị phần cho các tập đoàn đa quốc gia.
Việt Nam không có đội tàu, vì tất cả các đội tàu đều đang được chi phối bởi các tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài. Việt Nam chưa tham gia vào thị trường đội tàu quốc tế nên việc tăng, giảm trong tổng chi phí logistics liên quan đến các cước phí vận chuyển của tàu rất cao.
"Chỉ cần có một quốc gia hay một chính phủ can thiệp vào đội tàu, thị phần giao thương hàng hóa của Việt Nam sẽ lập tức gặp khó khăn” - bà Phạm Thị Bích Huệ thẳng thắn nêu rõ.
Tái cấu trúc để tăng trưởng trong bão dịch COVID-19
Theo ông Đào Trọng Khoa, đại dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng thế giới bị đứt gãy, ngành dịch vụ logistics Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, khoảng 75%-80% DN thuộc VLA bị ảnh hưởng cả về hoạt động kinh doanh lẫn nguồn thu.
Trong khi đó, quy hoạch cơ sở hạ tầng logistics ở Việt Nam còn mang tính rời rạc và thường tập trung vào các phương thức đơn lẻ như quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch hệ thống cảng, quy hoạch mạng lưới ICD (cảng cạn – PV)… Quy hoạch kết nối các đầu mối logistics hay quy hoạch vận tải đa phương thức cũng đang rất hạn chế. Ví dụ như, Việt Nam chưa có quy hoạch nào kết nối giữa đường bộ và đường thuỷ trong khi đó, đây là hai phương thức chủ đạo trong vận chuyển hàng hoá.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, từ đầu năm 2021, phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỉ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Trong đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ.
Đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với DN sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh đàm phán và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics…
Theo bà Phạm Thị Bích Huệ, mặc dù chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch, nhưng logistics cũng là một ngành thích nghi rất nhanh nếu được tái cấu trúc một cách hiệu quả. Nếu các doanh nghiệp nghiêm túc chuyển hướng phục vụ cho thị trường tiêu thụ nội địa thông qua thương mại điện tử thì các chỉ số sẽ có sự tăng trưởng.
Xem thêm: odl.245149-aid-ion-gnourt-iht-oav-curt-uac-iat-man-teiv-scitsigol-hnagn/et-hnik/nv.gnodoal