Giống như việc làm vỡ gương hay bằng qua đường với một con mèo đen, khái niệm thứ 6 ngày 13 gắn liền với những điều xui xẻo tới mức mà những người tin vào điều đó còn chẳng biết giải thích vì sao. Thậm chí, còn có cả một cái tên để mô tả nỗi sợ hãi phi lý này. Nó được gọi là Parakevidekatriaphobia.
Mặc dù thứ 6 ngày 13 nghe có vẻ hiếm gặp nhưng theo Dương lịch, ngày 13 của mỗi tháng có khả năng rơi vào thứ 6 nhiều hơn hết thảy các ngày khác trong tuần. Ở nhiều nước, thứ 6 ngày 13 cũng chẳng có gì là xui xẻo, chẳng hạn như Hy Lạp hay các quốc gia nói Tây Ban Nha. Thay vào đó, họ nghĩ ngày 13 rơi vào thứ 3 mới là điều tệ hại. Ở Italy, ngày tồi tệ chính là thứ 6 ngày 17.
Giống như nhiều điều mê tín dị đoan khác, tồn tại suốt chiều dài lịch sử ở nhiều nền văn hóa, rất khó để xác định chính xác nguồn gốc của Thứ 6 ngày 13. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết là cả thứ 6 và số 13 đều được coi là không may mắn tại mộ số nền văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử của nó.
Trong cuốn sách "Nguồn gốc phi thường của những thứ hàng ngày", Charles Panati đã lần theo khái niệm về những điều bị nguyền rủa trong Thần thoại Bắc Âu. Loki, vị thần của sự nghịch ngợm, phá phách, đã phá hủy một bữa tiệc ở Valhalla bằng cách nâng số vị thần tham gia lên 13 người. Bị Loki lừa gạt, vị thần bị mù Hodr đã bắn chết em trai của thần ánh sáng – người đại diện cho niềm vui và lòng tốt.
Panati giải thích sự mê tín đó bắt nguồn từ Bán đảo Scandinavia trước khi lan rộng ra khắp châu Âu, trở nên phổ biến dọc Địa Trung Hải vào đầu kỷ nguyên Cơ đốc giáo. Chính từ đây, sự "đen đủi" đáng lo ngại của các con số tiếp tục được củng cố thông qua câu chuyện về "Bữa ăn cuối cùng".
Bức tranh mô tả lại Bữa ăn cuối cùng (The Last Supper).
Trong Bữa ăn cuối cùng (The Last Supper), vị khách thứ 13 chính là Judas Iscariot - môn đồ đã phản bội Chúa Giê-su, dẫn đến việc ngài bị đóng đinh trên cây Thánh giá vào vào Thứ Sáu tuần Thánh (Good Friday).
Trong Kinh thánh truyền thống, khái niệm về sự thiếu may mắn của ngày thứ 6 còn xuất hiện từ trước ngày Chúa Giê-su bị đóng đinh. Thứ 6 được cho là ngày Adam và Eva ăn trái cấm, ngày Noah ra khơi trong trận Đại hồng thủy.
Sau đó, xảy ra sự kiện hàng trăm Hiệp sĩ Đền Thánh (Knights Templar) bị bắt vào ngày 13/10/1307 và nhiều trong số đó đã bị hành quyết. Cuốn "Mật mã Da Vinci" của Dan Brown đã phổ biến lý thuyết sai lầm rằng đây chính là điểm khởi đầu của sự mê tín xung quanh Thứ 6 ngày 13.
Tuy nhiên, phải tới tận Thế kỷ 19, thứ 6 ngày 13 mới đồng nghĩa với sự xui xẻo. Steve Roud giải thích trong cuốn sách "The Penguin Guide to the Superstitions of Britain and Ireland" rằng sự kết hợp của thứ 6 với con số 13 được ra đời dưới thời Nữ hoàng Victoria. Tuy nhiên, vào năm 1907, cuốn sách "Thứ 6 ngày 13" của Thomas W. Lawson mới gây sự chú ý lớn.
Vào những năm 1980, Thứ 6 ngày 13 thu hút thêm nhiều sự quan tâm với sự ra mắt của loạt phim cùng tên, mô tả về những vụ giết người của tên sát nhân đeo mặt nạ khúc côn cầu. Năm 2003, sự ra đời của cuốn sách "Mật mã Da Vinci" khiến nhiều người lầm tưởng rằng thứ 6 ngày 13/10/1307 là khởi nguồn của cụm từ này.
Với một loạt những câu chuyện không may mắn được lưu truyền, rất nhiều người đã tin thứ 6 ngày 13 là sự kiện xui xẻo. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn, chúng ta sẽ thấy thứ 6 ngày 13 nhiều khi là chỉ báo cho sự may mắn.
Ví dụ, trong thời kỳ ngoại giáo, thứ 6 được xem là ngày độc đáo với mối liên hệ với các nữ thần. Friday (thứ 6) theo tiếng Anh cổ nghĩa là "ngày của Frigg". Đây chính là Nữ hoàng của Asgard và cũng là nữ thần bầu trời quyền năng trong thần thoại Bắc Âu. Frigg (còn được gọi là Frigga) gắn liền với tình yêu, hôn nhân và tình mẫu tử.
Thứ 6 ngày 13 đã từng là ngày may mắn ở một số nền văn hóa.
Theo truyền thuyết, nữ thần Frigg bảo vệ ngôi nhà và gia đình, duy trì trật tự xã hội, ban tặng khả năng sinh sản…. Mặt khác, Freyja, nữ thần tình yêu, sinh sản và chiến tranh, người mà nữ thần Frigg kết giao, cũng có những sức mạnh to lớn. Những nữ thần này được tôn thờ rộng rãi khắp châu Âu và vì niềm tin đó, thứ 6 được xem là ngày may mắn cho hôn nhân của người Bắc Âu và người Teutonic.
Trong khi đó, con số 13 từ lâu đã được các nền văn hóa tiền Cơ đốc giáo tôn thời. Họ coi đây là con số quan trọng bởi mối liên hệ của nó giữa chu kỳ âm dương. Venus of Laussel, tác phẩm nghệ thuật 25.000 năm tuổi chạm khắc trên đá vôi, vẽ hình một phụ nữ đang ôm bụng bầu và cầm trên tay còn lại một chiếc sừng hình lưỡi liềm có 13 khía. Nhiều học giả tin rằng bức tượng đại diện cho một nữ thần sinh nở trong nghi lễ của họ. Con số 13 gắn liền đến tham chiếu âm lịch hoặc chu kỳ kinh nguyệt. Dù hiểu theo nghĩa nào, đây cũng đều là biểu tượng cho sức mạnh của nữ giới.
Tuy nhiên khi Cơ đốc giáo phát triển mạnh vào thời Trung cổ, những người đứng đầu tiến hành bài trừ ngoại giáo. Họ cấm cản việc thờ bái nhiều vị thần, trong đó có các nữ thần. Những gì liên quan đến thứ 6 và số 13, bao gồm các giá trị mà chúng đại diện, cũng đều bị coi là không phù hợp.
Thực tế, tín ngưỡng của một dân tộc là điều khó có thể xóa bỏ nhưng sự kiên trì của các nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo cùng những chiến dịch của họ đã có tác dụng. Họ coi các nữ thần và những phụ nữ tôn thờ họ là phù thủy. Thứ 6 và con số 13 cũng chịu chung số phận khi bị gắn với những điều không may.
Nữ ca sĩ Taylor Swift biểu diễn với con số may mắn 13 trên tay.
Đến ngày nay, thứ 6 ngày 13 vẫn ám ảnh tâm trí nhiều người phương Tây. Kết hợp với sự giao lưu văn hóa trong kỷ nguyên công nghệ, những điều này lan truyền nhanh trên toàn thế giới, khiến nhiều người tin vào sự đen đủi của nó dù họ không còn cực đoan như trong quá khứ.
Tuy nhiên, có một biểu tượng đang khiến mọi sự thay đổi. Nữ ca sĩ Taylor Swift coi con số 13 là may mắn của mình. Thủa mới vào nghề, cô thường biểu diễn với con số 13 được viết trên tay.
"Tôi sinh ra vào ngày 13, tôi bước sang tuổi 13 vào thứ 6 ngày 13. Album của tôi đạt giải vàng sau 13 tuần. Bài hát số 1 đầu tiên của tôi có phần giới thiệu dài 13 giây. Mỗi khi tôi giành một giải thưởng, tôi thường ngồi ở ghế thứ 13, hàng thứ 13…. Về cơ bản, bất cứ khi nào con số 13 xuất hiện trong cuộc đời tôi, nó về cơ bản là điều tốt", Taylor Swift chia sẻ.
Tham khảo: CNN
Xem thêm: nhc.67130918131801202-us-hcil-nihn-iac-auq-31-yagn-6-uht-auc-nit-em-yad-iud-ned-us-am-iaig/nv.fefac