Theo quan sát của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), khói từ các đám cháy rừng lớn ở vùng Siberia của Nga đã lan tới Bắc Cực. Đây là "lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận sự kiện này".
Cũng theo NASA, đám cháy rừng khổng lồ tại vùng Siberia lớn hơn tất cả các đám cháy rừng khác hiện đang cháy trên thế giới cộng lại!
NASA đã công bố một bức ảnh chụp hôm thứ Bảy (7/8) từ một trong những vệ tinh của cơ quan này cho thấy một đám khói khổng lồ trải dài hơn 4.800 km, từ vùng Yakutia ở phía đông bắc của Siberia đến Bắc Cực. Theo hồ sơ của họ, đây là lần đầu tiên điều này xảy ra.
Cháy rừng khủng khiếp ở Siberia đang thải ra hàng trăm triệu tấn CO2 vào khí quyển.
Thông thường, cháy rừng xảy ra vào mùa hè hàng năm ở khu vực rừng rậm Siberia - gọi là rừng taiga - nhưng năm 2021 này, cháy rừng tại đây đặc biệt tồi tệ.
Năm 2020, các vụ cháy rừng ở Siberia được chính quyền Nga mô tả là "rất nghiêm trọng" và ước tính đã gây ra tương đương 450 triệu tấn carbon dioxide (CO2) được thải ra trong cả mùa; nhưng trong năm 2021, các trận cháy rừng đã thải ra một lượng tương đương hơn 505 triệu tấn CO2 vào khí quyển, và mùa cháy rừng vẫn chưa kết thúc.
NASA ước tính đám khói từ đám cháy rừng có kích thước đo được hơn 3.200 km từ đông sang tây và 4.000 km từ bắc xuống nam.
Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin, đám khói có thể được nhìn thấy trên bầu trời phía trên Ulaanbaatar ở Mông Cổ, cách đó hơn 2.000 km.
Khí hậu khắc nghiệt tại Siberia
Khu vực Yakutia, hay Cộng hòa Sakha, nơi chủ yếu diễn ra các trận cháy rừng ở Siberia là một trong những vùng xa xôi nhất của Nga.
Thành phố thủ đô Yakutsk đã ghi nhận một trong những nhiệt độ lạnh nhất trên Trái Đất vào tháng 2/1891, là âm 64,4 độ C; nhưng khu vực này đã chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục trong mùa đông này.
Bức ảnh chụp từ trên không này được chụp vào ngày 27 tháng 7 năm 2021, cho thấy một khu rừng bị đốt cháy tại Gorny Ulus, phía tây Yakutsk, ở Siberia. Ảnh: Dimitar Dilkoff / AFP qua Getty Images
Thời báo Siberia đưa tin vào giữa tháng 7/2021 rằng cư dân Yakutsk đang hít phải khói từ hơn 300 đám cháy rừng riêng biệt, nhưng chỉ có khoảng một nửa số đám cháy rừng được xử lý bởi các nhân viên cứu hỏa - bao gồm cả lính dù do quân đội Nga gửi tới - bởi vì các phần đám cháy còn lại được cho là quá nguy hiểm để lính cứu hỏa tiếp cận.
Các đám cháy rừng đã phát triển về quy mô kể từ đó và đã hủy hoại khoảng 161.300 km vuông rừng kể từ đầu năm 2021.
Viện theo dõi thời tiết Rosgidromet của Nga ngày 9/8 báo cáo rằng tình hình trong khu vực "tiếp tục xấu đi", với khoảng 34.000 km vuông rừng hiện đang bị cháy.
Nguyên nhân cháy rừng
Theo hãng tin Agence France-Presse, các nhà bảo vệ môi trường đổ lỗi cho chính quyền Nga vì đã để những khu rừng lớn bị cháy hàng năm khi họ tuân theo đạo luật rằng: Cho phép chính quyền không can thiệp nếu chi phí can thiệp lớn hơn chi phí thiệt hại mà các trận cháy rừng gây ra; hoặc các trận cháy rừng không ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực có dân cư sinh sống (thì chính quyền không phải can thiệp).
Alexei Yaroshenko, một chuyên gia lâm nghiệp của tổ chức Hòa bình xanh Nga, nói với Washington Post (Mỹ) rằng, các đám cháy ở Siberia trong mùa này còn lớn hơn đám cháy rừng ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Mỹ và Canada cộng lại!
Ông liên hệ các trận cháy rừng ngày càng trầm trọng với tác động của biến đổi khí hậu, cũng như "sự suy giảm liên tục của quản lý rừng nhà nước."
Ông nói, truyền thông Nga hiếm khi đưa tin về các vụ cháy rừng ở Siberia và vì vậy nhiều người không biết chúng gây ra bao nhiêu thiệt hại.
"Trong nhiều năm, các quan chức và các nhà lãnh đạo đã nói rằng hỏa hoạn là bình thường, rằng rừng taiga luôn cháy và không cần phải đặt ra vấn đề về điều này. Mọi người đã quen với điều đó", Yaroshenko nói.
Bài viết sử dụng nguồn: Livescience
Trang Ly
Pháp luật & Bạn đọc