Hôm đó là đêm 1/3/1932, ít phút trước, Charles Lindbergh đang ngồi trong phòng đọc sách thì nghe thấy tiếng động lạ, tưởng kệ bếp bị vỡ nên không đi kiểm tra.
Sau khi đọc nội dung bức thư, Charles tìm kiếm con ở quanh nhà và cả các khu vực xung quanh. Khi không thấy, ông đành gọi cảnh sát.
Charles Lindbergh là biểu tượng hàng không của Mỹ sau khi một mình thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên năm 1927 ở tuổi 25. Ông bay thẳng từ New York đến Paris, vượt hành trình 5.800 km trong 33,5 giờ với chiếc máy bay một động cơ Spirit of St. Louis. Người Mỹ ca ngợi Charles là "anh hùng" hay "siêu nhân đời thực". Vì vậy, vụ bắt cóc con trai anh trở thành tâm điểm chú ý và được truyền thông gọi là "tội ác thế kỷ".
Bức thư đòi tiền chuộc được viết bằng tiếng Anh, có nhiều lỗi chính tả, thậm chí sai cả về cấu trúc ngữ pháp và được cho là của một người gốc Đức. Ở góc phía dưới, góc bên phải bức thư có vẽ hai hình tròn được lồng vào nhau. Giữa hai vòng tròn được tô màu đỏ, có ba lỗ bấm trên bức thư.
Cảnh sát không tìm thấy bất kỳ dấu vân tay trên phong thư đòi tiền chuộc và chiếc thang. Họ tin rằng tên bắt cóc đã đeo găng tay và bọc đế giày, nhằm tránh để lại manh mối. Hắn đòi 50.000 USD và nói rằng 2-4 ngày sau sẽ thông báo địa điểm chuyển tiền.
Vài phút sau khi cảnh sát có mặt tại hiện trường, các đài phát thanh và cả các tờ báo địa phương đã dồn dập đưa tin. Hàng trăm người đã đổ xô đến bên ngoài nhà của Charles ở New Jersey, vô tình phá hủy mọi dấu chân của kẻ bắt cóc. Ngay sáng hôm sau, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover yêu cầu cơ quan điều tra liên bang, lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quan và sở di trú liên bang hỗ trợ truy tìm thủ phạm.
Sở Cảnh sát New Jersey đã treo thưởng tới 25.000 USD, gia đình đại tá Charles chi thêm 50.000 USD cho người tìm ra thủ phạm. Charles nói với cảnh sát rằng cậu bé được đặt vào nôi lúc 19h30. "Chúng tôi sau đó vẫn thấy nó, bà vú còn chăm nó rất cẩn thận. Khi vợ tôi trở lại lúc 20h30, thằng bé đã biến mất", ông nói.
Ngày 6/3/1932, một lá thư đòi tiền chuộc mới được gửi từ Brooklyn đến nhà Charles, tăng tiền chuộc lên 70.000 USD nhưng cảnh sát cũng không phát hiện manh mối mới.
Trong khi cảnh sát New Jersey đang phối hợp với gia đình Charles điều tra vụ án, ông giáo già John Condon 72 tuổi, nhân vật nổi tiếng ở vùng Bronx, đã viết một lá thư cho một tờ báo địa phương ngỏ ý muốn tình nguyện làm trung gian giữa bọn bắt cóc với gia đình Charles.
Ba ngày sau, ông Condon nhận được thư từ những người tự xưng là kẻ bắt cóc, yêu cầu làm trung gian giữa họ và gia đình Charles. Người cha đang tuyệt vọng đã đồng ý để Condon thực hiện theo yêu cầu trong thư. Ông đã đặt một quảng cáo rao vặt trên một tờ báo khác và sắp xếp một cuộc gặp với một trong những kẻ bắt cóc tại nghĩa trang Woodlawn ở khu vực Bronx. Vì cuộc gặp mặt diễn ra vào buổi tối, ông không thể nhìn rõ mặt thủ phạm.
Hắn tự xưng là "John" và tuyên bố là thành viên của một băng đảng người Scandinavi. Hắn nói đứa trẻ đang ở trên một chiếc thuyền ngoài khơi và sẽ trả con tin khi lấy được tiền chuộc.
Khi ông Condon tỏ ý nghi ngờ, hắn hứa gửi lại bộ đồ ngủ của cậu bé như một bằng chứng nhận dạng của đứa trẻ. Đúng như lời hứa, hôm 16/3/1932, Condon nhận được một bộ đồ ngủ của trẻ em qua đường bưu điện. Charles khẳng định đó là đồ của Augustus, con trai ông.
Tiền chuộc bao gồm giấy bạc có ấn vàng, đây được xem là một điều có lợi cho cảnh sát điều tra vì loại tiền giấy này sắp bị thu hồi và cấm lưu thông. Nếu tiêu số tiền, thủ phạm có thể dễ bị lần dấu vết hơn. Khoản tiền chuộc đặt trong một hộp thủ công, được thiết kế đặc biệt để có thể dễ dàng nhận diện trong tương lai. Các tờ tiền không được đánh dấu, nhưng số serie của mỗi tờ đều đã được ghi lại để có thể theo dõi.
Condon đã gặp gã tự xưng là "John" vào ngày 2/4/1932 để trao tiền. Hắn thông báo con tin đang được hai người phụ nữ chăm sóc nhưng không cung cấp thêm thông tin nào.
Ngày 12/5/1932, một tài xế vô tình phát hiện thi thể bé Augustus tại khu rừng bên ngoài Trenton, New Jersey, cách nhà đại tá Charles khoảng 20 km. Kết quả giám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân đã chết khoảng 2 tháng. Bác sĩ kết luận nguyên nhân tử vong do cú đánh vào đầu nhưng không dấu vết nào của hung thủ được tìm thấy tại hiện trường.
Không còn manh mối nào khác, cảnh sát bắt đầu theo dõi số serie của những đồng tiền chuộc mà Condon đã giao cho kẻ bắt cóc. Một cuốn sách nhỏ có chứa các số serie trên các đồng tiền đã được cung cấp cho các doanh nghiệp và ngân hàng ở New York.
Tháng 9/1934, họ xác định được nghi phạm là thợ mộc Richard Hauptmann, người Đức nhập cư. Khi Richard bị bắt tại New York, cảnh sát phát hiện số tiền hơn 14.000 USD với số serie trùng khớp với số tiền chuộc đã đưa cho bọn bắt cóc. Tuy nhiên, hắn bác bỏ cáo buộc gây vụ bắt cóc, khai tiền do một người bạn để lại và người này đã qua đời vào tháng 3/1934 sau khi trở về Đức.
Richard khai tình cờ phát hiện chiếc hộp chứa khoản tiền của bạn nên dùng đã sử dụng do người này còn nợ hắn một khoản tiền.
Nhưng các bằng chứng của cảnh sát đều chống lại hắn. Thứ nhất, cảnh sát tìm thấy một cuốn sổ tay chứa bản phác thảo chiếc thang giống chiếc đã được tìm thấy tại gia đình Charles. Thứ hai, số điện thoại của ông Condon cùng địa chỉ của ông được viết rõ ràng lên tường nhà hắn và cuối cùng, cảnh sát thu được những thanh thang trong xưởng gỗ cũ của Richard. Các chuyên gia cũng khẳng định đó là loại gỗ làm ra chiếc thang được tìm thấy tại hiện trường.
Phiên tòa xét xử Richard bắt đầu hôm 3/1/1935. Đến ngày 13/2/1935, bồi thẩm đoàn tuyên phạt hắn phạm tội Giết người cấp độ 1 và bị tử hình bằng ghế điện vào ngày 3/4 năm sau tại nhà tù tiểu bang New Jersey ở Flemington.
Truyền thông Mỹ khi đó gọi Richard là "người bị căm ghét nhất thế giới," và vụ án trở thành vụ bắt cóc rúng động nước Mỹ đầu thế kỷ 20.
Hoàng Phong (Theo FBI, Crime Museum)
Xem thêm: lmth.9269334-ioig-eht-tahn-uht-mac-ib-coc-tab-ek/ten.sserpxenv