Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đó là ý kiến của TS Trần Nam Dũng - phó hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trần Nam Dũng nói: Thực tế tuyển sinh ở nước ta lâu nay hầu như chỉ dựa vào điểm số (điểm thi THPT, điểm học bạ, điểm đánh giá năng lực...). Việc tuyển sinh chỉ dựa vào điểm số là phiến diện.
Theo thuyết đa thông minh của Howard Garner, có đến tám loại hình thông minh gồm: logic - toán học, vận động, không gian thị giác, ngôn ngữ, âm nhạc, tương tác giao tiếp, tự nhiên, nội tâm.
Các bài thi, cho dù được thiết kế hoàn hảo đến mấy, cũng thường chỉ đánh giá được 1, 2 trong số các loại hình thông minh nói trên mà thôi. Như vậy, thường là chúng ta sẽ đề cao sự nổi trội về logic - toán học, về ngôn ngữ là chính.
Và hiển nhiên, sẽ bỏ sót những bạn học sinh có khả năng nổi trội theo các loại hình thông minh khác. Và điều đáng ngại hơn cả là chúng ta sẽ tạo nên một môi trường phát triển lệch về một hai cực cho các em học sinh, sinh viên.
"Trường học còn phải có chỗ cho các hoạt động văn nghệ, thể thao, các hoạt động tập thể, công tác xã hội, tranh biện... Không cần phải tham gia và giỏi ở tất cả các hoạt động, nhưng phải có sự hài hòa.
TS Trần Nam Dũng
* Nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ đâu, theo ông?
- Theo tôi có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân chủ quan là các trường làm việc theo quán tính, theo lối mòn với phương châm "An toàn là trên hết".
"Năm ngoái làm thế nào thì năm nay làm vậy cho lành". Hơn nữa dường như các trường cũng không có nhu cầu phải thay đổi vì thứ tự đã ổn định.
Nguyên nhân khách quan (và cũng là chủ quan) là cơ chế quản lý nhà nước quá nhiêu khê, quá nhiều quy định trói buộc khiến ai cũng sợ đổi mới. Tôi có tham gia quản lý giáo dục nên tôi biết đổi mới khó khăn lắm, nhiều rào cản lắm.
TS TRẦN NAM DŨNG
* Nhiều người cho rằng giáo dục phổ thông đang đào tạo học sinh phải giỏi toàn diện tất cả các môn và việc đánh giá hoàn toàn dựa vào điểm số. Quan điểm của ông ra sao?
- Giáo dục toàn diện không có nghĩa là đào tạo ra các "siêu nhân" giỏi toàn diện các môn. Điều này là không tưởng và không cần thiết. Như đã nói ở trên, có đến tám loại hình thông minh và sự phát triển mỗi loại hình này ở mỗi loại mỗi khác.
Không ai bắt con cá phải giỏi leo cây và bắt con khỉ thi lặn. Bản thân tôi khi học ở phổ thông chỉ nổi trội ở các môn khoa học tự nhiên, còn các môn xã hội chỉ ở mức qua môn.
Nhưng tôi không coi môn nào là môn phụ. Lịch sử, địa lý, văn học tôi đều thích, chỉ là không giỏi. Tôi dành nhiều đam mê cho toán, lý hơn.
Nhưng thực tế như vậy vẫn là chưa đủ. Trường học còn phải có chỗ cho các hoạt động văn nghệ, thể thao, các hoạt động tập thể, công tác xã hội, tranh biện... Không cần phải tham gia và giỏi ở tất cả các hoạt động, nhưng phải có sự hài hòa.
* Theo ông, các trường chuyên hay trường đại học có nên tuyển thẳng một học sinh vì thành tích thể thao hay văn nghệ nổi trội?
- Giả sử tôi là hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin chẳng hạn, tôi sẽ sẵn sàng nhận ngay những bạn như Nguyễn Anh Khôi, Vũ Cát Tường, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Ánh Viên, Sơn Tùng MTP... vào học.
Tôi đảm bảo các bạn ấy sẽ theo được, thậm chí còn học tốt. Tôi chơi thân với nhiều bạn trẻ giỏi văn nghệ, thể thao; tôi thấy họ rất thông minh, sáng láng, hiểu và nắm bắt vấn đề rất nhanh.
* Nhiều quốc gia phát triển họ tuyển sinh đại học bằng nhiều hình thức rất đa dạng để chọn được những người nổi trội về một mặt nào đó chứ không chỉ dựa vào điểm số. Triết lý tuyển sinh này có những ưu điểm gì?
- Cách đây hai năm, Lê Quang Nẫm - học trò của tôi ở Trường Phổ thông năng khiếu, nay là giáo sư Đại học Indiana - đến thăm tôi.
Trong trao đổi, cậu ấy kể chuyện lúc học bên Mỹ, cậu rất ngạc nhiên khi trong trường có những bạn học rất yếu về toán, kiểu "không hiểu sao bạn đó lại có thể đậu vào trường".
Thế nhưng khi thi thì mấy bạn vẫn qua môn bình thường. Sau đó khi tham gia vào một số hoạt động khác, Nẫm mới thấy các bạn đó thật tuyệt. Người thì hát rất hay, người thì thuyết trình về chính trị tuyệt vời như Hilary Clinton đấu với Donald Trump. Bạn thì rất giỏi thể thao...
Có lẽ triết lý tuyển sinh của Mỹ là như vậy. Họ chọn những người nổi trội về một mặt nào đó rồi trộn chung vào một cộng đồng chứ không chọn cả một đội toàn những ông giỏi toán như Nẫm (nhưng lại lóng ngóng khi ra sân bóng và rụt rè khi bạn gái đến mời nhảy).
Trong trường của họ sẽ có những bạn xuất sắc về toán, có bạn giỏi lý, có bạn có khả năng tổ chức, có bạn giỏi đá bóng, rồi bóng rổ, cờ vua, có bạn giỏi văn nghệ, có bạn viết văn hay...
Tự chủ càng nhiều càng tốt
* Như vậy, theo ông, Bộ GD-ĐT cần có chính sách gì? Các trường phổ thông và đại học cần thay đổi ra sao và chọn cách thức tuyển sinh thế nào cho phù hợp?
- Tôi nghĩ chính sách quan trọng nhất mà Bộ GD-ĐT có thể làm là cho các trường tự chủ càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt.
Thay vì quản lý tập trung, hãy để thị trường kiểm chứng và đào thải. Vừa bao cấp vừa quản lý bằng các hệ thống văn bản, quy định, quy chế, các trường không lớn được và cứ "bổn cũ soạn lại" suốt.
Tôi thấy rất lạ là dù từ năm 2020 Bộ GD-ĐT đã tuyên bố kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn nhiệm vụ "2 trong 1" nữa mà các trường vẫn còn phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi này quá nhiều, không đề xuất được những phương án tốt hơn để tuyển sinh.
Rõ ràng là sức ì rất lớn. Nhất thiết phải thay đổi, cho dù lúc đầu sẽ không tránh khỏi những vấp váp, trục trặc.
Theo bạn, việc tuyển sinh của các trường đại học hiện nay có quá phụ thuộc vào điểm số và bỏ qua những tố chất khác của người học hay không và tuyển sinh nên cải tiến như thế nào? Mời bạn gửi ý kiến của mình đến địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn.
TTO - Tôi hiện có con đang học lớp 3 và đọc qua thông tư 28, tôi kỳ vọng sẽ thay đổi nhiều điều về giáo dục tiểu học.
Xem thêm: mth.36054148041801202-os-meid-oav-aud-ihc-hnis-neyut-iod-yaht-nac/nv.ertiout