TTO - 'Khi bệnh nhân khỏe, bộ đội đưa về tận nhà, nhưng khi bệnh nhân xấu số, không qua khỏi, người lính cũng muốn đưa tro cốt họ về tận nhà để người thân phần nào bớt đau buồn' - tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM chia sẻ.
Những ngày qua, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ quân đội tại TP.HCM trực tiếp đưa từng hũ tro cốt người dân tử vong do COVID-19 đến giao tận nhà cho người thân, hay những gói quà được bộ đội đưa vào tận các hẻm phong tỏa khiến bức tranh chống dịch thêm phần chia sẻ, bớt phần bi thương.
Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, trung tướng Nguyễn Văn Nam - tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM - xúc động nói: "Dịch bệnh COVID-19 buộc bộ đội phải thay màu áo xanh người lính bằng màu áo xanh bảo hộ y tế. Nhưng dù khoác lên màu áo nào, bản chất, lương tâm người lính vẫn lo chăm sóc, phục vụ cho dân. Không chỉ nhiệm vụ, đây còn là trách nhiệm từ trái tim mỗi người lính".
* Hiện nay, lực lượng vũ trang TP đã có mặt tại những nơi nào của trận địa chống dịch, thưa ông?
- Từ sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP tập trung toàn bộ lực lượng, nguồn lực cho chống dịch, bộ đội tham gia trực tiếp tuần tra kiểm soát, truy vết, tầm soát, tổ chức phong tỏa, cách ly, chữa trị, tiêm phòng cho người dân. Hàng loạt khu phong tỏa, cách ly, bệnh viện dã chiến cấp phường xã, quận huyện và TP đang được quân đội quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn và phục vụ, thăm khám, chữa trị cho người dân.
Ở đó, những người lính hằng ngày đang lo cơm nước, vận chuyển thiết yếu cho người bệnh. Quân đội cũng tiếp nhận nguồn lực từ Bộ Quốc phòng, các quân khu, sư đoàn, lữ đoàn của TP và các tỉnh bạn, cũng như vận động quần chúng đóng góp để chăm lo cho người dân với hàng trăm tấn hàng hóa.
Vừa qua, lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia đưa tro cốt người dân tử vong vì COVID-19 về tận nhà. Nếu gia đình không còn người do phải cách ly thì giữ lại lo hương khói, về sau sẽ giao lại cho các gia đình.
Bộ đội đưa tro cốt người dân không may qua đời vì COVID-19 về với người thân - VIDEO: LÊ PHAN
* Nghĩa cử đưa tro cốt đồng bào mất vì COVID-19 về tận nhà những ngày qua khiến rất nhiều người xúc động. Từ đâu mà lực lượng vũ trang có đề xuất và thực hiện việc này?
- Những ngày trực tiếp thăm khám, chữa trị, bộ đội thấy bệnh nhân COVID-19 khỏe mạnh trở lại, được về nhà rất hạnh phúc. Khi bệnh nhân khỏe, bộ đội đưa về tận nhà, nhưng khi bệnh nhân xấu số, không qua khỏi, người lính cũng muốn đưa tro cốt họ về tận nhà để người thân phần nào bớt đau buồn. Nghĩa cử nhỏ này mong ấm lòng những người đã mất và giảm đau thương cho những người còn sống.
Bộ tư lệnh TP quán triệt anh em phải làm việc này hết sức trân trọng, kỹ lưỡng, chu đáo, chu toàn. Tro cốt người dân được đưa từ nơi hỏa táng về nhà tang lễ TP làm lễ truy điệu, sau đó ban chỉ huy quân sự các địa phương tiếp nhận, đưa về tổ chức truy điệu đàng hoàng, rồi đưa từng hũ tro cốt giao lại cho gia đình lo hương khói.
Đưa hài cốt về từng nhà dân cũng để thấy rõ được hoàn cảnh người nhà họ thế nào để tiếp tục tìm cách chăm lo cho người sống. Người mất đã mất rồi nhưng người sống còn khó khăn cũng cần được chia sẻ, hỗ trợ.
Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để bộ đội tham gia lo hậu sự cho bệnh nhân từ đầu, bao gồm tẫn liệm, đưa đi hỏa táng, nhận và đưa tro cốt người bệnh về gia đình. Lực lượng, phương tiện sẽ được huy động để lttàm hết sức nghiêm túc, tận tình, chu đáo. Quan điểm của quân đội không làm vì tiền, chỉ lấy sức, lấy lực của mình mà lo cho dân.
* Lực lượng quân đội tham gia chống dịch trên địa bàn TP.HCM hiện được bố trí như thế nào, thưa ông?
- Toàn TP hiện có khoảng 30.000 quân tham gia chống dịch. Ngoài sở chỉ huy chính đặt tại trụ sở Bộ tư lệnh TP, còn có 3 sở chỉ huy khác ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Một sở chỉ huy đặt ở ĐH Quốc gia TP.HCM, một đặt ở khu tái định cư An Khánh (TP Thủ Đức) và một ở Bệnh viện dã chiến số 4 (Bình Chánh).
Tại các bệnh viện, khu cách ly phân bổ theo nguyên tắc 1 người lính phục vụ 2 người dân. Tại từng điểm có ban chỉ huy để tuyên truyền, giáo dục chiến sĩ tuân thủ biện pháp chống dịch. Bộ đội ở đây làm việc, sinh hoạt, ngủ nghỉ, giao ban, hội ý theo nhóm, nếu có người chẳng may nhiễm bệnh thì chỉ một nhóm nhỏ cách ly.
* Như ông vừa nói, giữa tứ bề là "địch COVID-19" vô hình, chắc hẳn cũng sẽ có những chiến sĩ bị lây nhiễm?
- Đến nay đã có khoảng 300/30.000 chiến sĩ tham gia chống dịch bị nhiễm bệnh. Chiến sĩ đang phục vụ ở các bệnh viện, khu cách ly khi bị bệnh ở lại ngay tại chỗ, còn những chiến sĩ thuộc đội tuần tra, bảo vệ chốt... thì đưa vào một khu tập trung.
Nhưng bộ đội không phải bệnh là nghỉ, chỉ có anh em bệnh nặng mới đưa về chăm sóc riêng, còn những anh em đủ sức khỏe vẫn ở cùng để lo chăm sóc cho người dân, để có điều kiện hiểu và gần dân hơn, đến khi hết bệnh lại về tiếp tục chiến đấu.
Khi có chiến sĩ bị bệnh, Bộ tư lệnh cũng phải chăm lo thuốc men, hằng ngày có thư gửi động viên. Ngoài ra còn phải đến thăm hỏi, động viên gia đình các chiến sĩ để anh em yên tâm.
* Lâu nay hình ảnh màu áo lính xuất hiện nhiều khi giúp dân phòng chống thiên tai, bão lũ và cuộc đời binh nghiệp của ông hẳn cũng đã trải qua nhiều lần như vậy. Ông thấy cuộc chiến chống dịch lần này có gì khác và khó khăn?
- Đây là giai đoạn dịch bệnh cực kỳ khó khăn, vất vả cho cả TP. Nếu như bão lụt, thiên tai chỉ ảnh hưởng một số khu vực, ảnh hưởng một số đối tượng thì dịch bệnh lại ảnh hưởng cả TP, toàn bộ người dân.
Bão lụt đều được dự báo về thời gian đổ bộ, cấp độ nguy hiểm trước nhiều ngày để lên kế hoạch phòng chống. Nhưng dịch COVID-19, nhất là chủng Delta, lây lan nhanh khó đoán định.
Bộ đội tham gia một cuộc chiến cứ xung phong, lao vào mà kẻ địch vô hình, nguy hiểm bủa vây tứ bề. Chiến thuật "đánh" cũng vô vàn khó khăn.
Do đó, lo lắng, suy tư của chỉ huy là cho bộ đội có sức khỏe, đảm bảo bảo vệ, phục vụ người dân. Vì thế mong người dân, chiến sĩ lúc nào cũng cảnh giác cao độ để duy trì sức khỏe, chiến đấu lâu dài.
* Bộ tư lệnh đã chuẩn bị lực lượng như thế nào cho "trận chiến" có thể còn kéo dài?
- Lực lượng vũ trang TP xác định tập trung mọi nguồn lực, duy trì mọi lực lượng ở trạng thái sức khỏe tốt nhất và nhận thức tốt nhất, đồng tâm đồng lực, đồng lòng cùng TP chống dịch, tham gia tất cả mặt trận, với tinh thần, thái độ, trách nhiệm cao nhất.
Trong các hội nghị tôi có phát biểu, lực lượng vũ trang TP dù có hy sinh tính mạng cũng quyết tâm bảo vệ sức khỏe, sự bình an của người dân.
Do vậy, lực lượng luôn phải duy trì, quản lý chặt chẽ và có lực lượng dự phòng. Huy động lực lượng này đi phải có lực lượng khác điều động lên hướng dẫn, huấn luyện sẵn sàng bổ sung khi cần.
* Dịch bệnh ở TP.HCM và các tỉnh thành xung quanh vẫn đang diễn biến phức tạp. Lực lượng vũ trang của TP có kế hoạch tăng cường vận tải hàng hóa cũng như đưa lực lượng hỗ trợ các tỉnh?
- Tất nhiên rồi, phải xác định TP.HCM và các tỉnh lân cận đều nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nên việc chống dịch phải đồng bộ cả vùng.
TP.HCM hết dịch, mà các tỉnh thành khác còn dịch chắc chắn lực lượng vũ trang của TP cũng phải tăng cường hỗ trợ.
Trên Bộ tư lệnh TP còn Quân khu và Bộ Quốc phòng, khi có chỉ đạo cần hỗ trợ, TP sẵn sàng điều động lực lượng chia lửa chống dịch với các tỉnh.
* Lo cho dân nhiều việc nhưng có việc gì ông còn băn khoăn?
- Hiện tại các bệnh viện, khu cách ly ở TP đang theo dõi, chăm sóc, điều trị hàng chục ngàn ca bệnh. Có bệnh viện, khu cách ly phải tận dụng các chung cư đang xây dựng chưa có dân ở nên điều kiện sinh hoạt của người dân cũng khó khăn. Anh em trong đó cũng làm đủ việc, mang đồ ăn, đồ dùng, điện nước hư cũng phải sửa.
Có khu chỉ có 2-3 thang máy, phục vụ cho cả mười mấy tầng với hàng ngàn người nên khi chiến sĩ đưa đồ ăn hay vận chuyển đồ cho người dân có chậm cũng có bị mắng chửi. Có hôm thang máy hư, anh em phải vác đồ đi bộ mười mấy tầng nhưng cũng có tiếng phàn nàn.
Nhiều chiến sĩ trẻ kể lại phải chịu nuốt nước mắt vào lòng, bị chửi vẫn nghe nhưng phục vụ thì phải phục vụ. Nghe các chiến sĩ ấy nói mình rớt nước mắt.
Sau này nhiều người được về mới thấu hiểu, chia sẻ cho khó khăn, vất vả của lực lượng chống dịch. Tôi cũng cho làm nhiều video clip để người dân chia sẻ, thấu hiểu, tin tưởng bộ đội. Người dân mà lạc quan, yêu đời, thấu hiểu sẽ mau hết bệnh, chứ tức tối, giận hờn thì ảnh hưởng tâm lý bác sĩ, tâm lý anh em chiến sĩ.
Ngày 11-8, Quân khu 7 đã tổ chức sơ kết giai đoạn 1 thực hiện chỉ thị số 660 ngày 21-7-2021 của thường vụ Đảng ủy Quân khu về mở chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Sau 20 ngày các cơ quan, đơn vị trong Quân khu 7 đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo để hỗ trợ, giúp đỡ người dân khó khăn như: Tất cả cho tuyến đầu chống dịch, Gian hàng 0 đồng, Phiên chợ 0 đồng, Cây ATM gạo, Cây ATM khẩu trang, Hũ gạo tình thương, Bữa cơm nghĩa tình, Tủ cơm cháo miễn phí, Tủ đồ dùng thiện nguyện...
Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động toàn lực lượng tiết kiệm chi tiêu, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, chia sẻ khó khăn cho nhân dân trong các khu cách ly, phong tỏa số lượng hàng hóa trị giá gần 270 tỉ đồng.
Nhiều đơn vị đã chủ động nhường doanh trại để thành lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến, tổ chức chăm sóc, phục vụ tận tình, chu đáo, an toàn; phân luồng, tham gia điều tiết, hỗ trợ lực lượng, phương tiện đưa người lao động, học sinh, sinh viên về quê theo nguyện vọng. Cùng với đó giúp nhân dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy, hải sản; phối hợp với địa phương tiếp nhận, đưa tro cốt người mất từ nơi hỏa táng về với gia đình.
Những ngày tác nghiệp giữa thời điểm dịch giã căng thẳng, tôi chứng kiến 3 câu chuyện riêng lẻ nhưng đều có điểm chung là hình ảnh gắn bó khăng khít, đồng cảm giữa người lính và người dân.
Cuối tháng 7, có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 1 - nơi điều trị hàng ngàn bệnh nhân F0 không triệu chứng, tôi được nghe một câu chuyện xúc động. Anh V.T.T. (36 tuổi) đang vừa cách ly vừa điều trị tại đây nghe tin mẹ ruột mất. Nỗi đau đến bất ngờ, anh T. đi từ phòng cách ly xuống sảnh phía dưới, tựa lưng vào trụ nhà, tay lau nước mắt. Anh T. muốn về chịu tang mẹ.
Lúc này, nhận tin báo từ các chiến sĩ trực gác, thượng tá Võ Văn Thọ - Bộ tư lệnh TP.HCM (ban quản lý khu cách ly này) - tròng vội đồ bảo hộ rồi chạy bộ từ phòng chỉ huy xuống tòa nhà anh T. đang ngồi. Ngồi cách nhau hơn 2m, thượng tá Thọ chia sẻ nỗi mất mát của đứa con không thể về nhìn mẹ lần cuối.
Đồng thời, vị chỉ huy này cũng dành cả giờ phân tích lẽ thiệt hơn, rằng nếu anh T. trở về sẽ gây ảnh hưởng dịch bệnh đến nhiều người khác.
Thượng tá Thọ ngỏ ý nếu anh T. cần giúp đỡ, anh em quân đội có thể hỗ trợ anh lập bàn thờ mẹ để anh chịu tang trongv lúc cách ly. Và khi ấy, giữa họ không còn là người quản lý và bệnh nhân, mà là những người dân sẻ chia nỗi đau của nhau giữa thời điểm khó khăn này.
Gần đây nhất, trong toàn bộ hành trình đưa tro cốt của một người dân quận Bình Thạnh về với thân nhân, tôi đã thấy thiếu tá Lê Trung Chánh - chủ nhiệm hậu cần kỹ thuật Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh - luôn dõi mắt, luôn miệng nhắc nhở mọi người cẩn trọng khi nhận tro cốt đồng bào từ nơi hỏa táng. Đến nhà tang lễ thành phố, anh lặng lẽ đốt ba nén nhang, khấn điều gì đó rồi đứng trầm ngâm một lúc bên những hộp đựng tro cốt xếp trên bàn.
Anh nói với tôi đây là lần đầu làm một nhiệm vụ xót xa như vậy trong sự nghiệp quân ngũ. Người chiến sĩ này thương cho những đồng bào không may mắn qua đời vì dịch bệnh khi chẳng có người thân nào bên cạnh.
Chiếc xe giao tro cốt chậm rãi lăn bánh giữa đường phố vắng vẻ về chiều, anh Chánh ngồi phía trước, cả đoạn đường đi cứ ngoái lại dặn tài xế chạy chậm rãi để tro cốt đồng bào không dằn xóc, không đau đớn thêm lần nào nữa.
Có những người dân trụ lại thành phố sau gần 3 tháng dịch bệnh đang dần kiệt sức vì những khó khăn chồng chất, cũng là lúc bộ đội đến với người dân. Sáng 9-8, thượng tá Lê Xuân Hưng - chính trị viên Ban chỉ huy quân sự quận Bình Thạnh - cùng đồng đội ôm theo hộp quà, len lỏi vào một con hẻm sâu hút trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh trao tận tay người dân. Những suất quà gồm: gạo, mì gói, nước tương, nước mắm... giá trị không quá lớn nhưng trong những ngày khó khăn này đó là nghĩa tình, sẻ chia giữa quân - dân. Của cho không bằng cách cho, việc quân đội gõ cửa từng nhà để trao quà cho dân cũng phần nào xoa dịu những khó khăn.
Xem thêm: mth.44852402041801202-hnil-iougn-mit-iart-ut-meihn-hcart-man-nav-neyugn-gnout-gnurt/nv.ertiout