Lãnh đạo Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar (trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại cuộc gặp ở Thiên Tân ngày 28-7 - Ảnh: REUTERS
Tại Afghanistan, Taliban là thế lực đang ngày càng lớn mạnh. Phong trào Hồi giáo này là một tổ chức chính trị và vũ trang đối trọng với chính quyền Afghanistan.
Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations), một tổ chức nghiên cứu về chính sách quốc tế và đối ngoại Mỹ, dẫn lời các chuyên gia nhận định Taliban đang trong giai đoạn mạnh nhất kể từ năm 2001.
Sự lớn mạnh ấy được thể hiện rõ ràng trong những ngày qua khi Taliban chiếm được đa số các vùng trọng yếu và đang tiến sát thủ đô Kabul của Afghanistan.
Về chính trị, Taliban đã thu hút sự chú ý rất lớn tại Thiên Tân khi gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Đa số cho rằng đó là một động thái mang tính biểu tượng dành cho hình ảnh và vai trò của Taliban ngày nay.
Hãng tin Reuters ngày 14-8 nhận định Trung Quốc đang lặng lẽ "chuẩn bị tâm thế" cho người dân chấp nhận sự thật Bắc Kinh có khả năng thừa nhận Taliban như một chính quyền hợp pháp nếu họ giành chiến thắng trước chính phủ hiện tại ở Afghanistan.
Reuters dẫn một bình luận trên mạng xã hội WeChat: "Kể cả khi họ (Taliban) không kiểm soát toàn bộ đất nước, họ vẫn sẽ là một lực lượng quan trọng cần phải tính tới".
Hôm 13-8, tờ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) đăng bài phỏng vấn lãnh đạo đảng đối lập ở Afghanistan, trong đó người này cho rằng "chính phủ chuyển giao phải bao gồm sự hiện diện của Taliban".
Sự trỗi dậy của Taliban đang khiến nhiều ánh mắt hoài nghi đổ dồn sang Mỹ, quốc gia đã rút quân khỏi Afghanistan.
Một số quan điểm chỉ trích Mỹ đang đi sai nước cờ, và việc rút khỏi Afghanistan này sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc thể hiện tầm ảnh hưởng.
Tuy vậy, theo Reuters, Trung Quốc không hoàn toàn thoải mái với tình trạng hiện nay. Một phần vì Trung Quốc cho rằng các lực lượng Hồi giáo nổi dậy gây bất ổn ở Tân Cương được Taliban ủng hộ là mối đe dọa lâu dài.
Nói cách khác, tình thế khó xử của Trung Quốc hiện nay là liệu họ nên ứng xử thế nào với Taliban và Afghanistan, trong đó bảo đảm lợi ích chiến lược và nguyên tắc hành xử.
Trung Quốc có chính sách không can thiệp nội bộ các nước khác. Do đó ít có khả năng Trung Quốc đổ quân sang Afghanistan để "lấp đầy khoảng trống" Mỹ để lại.
Mặt khác, nếu thừa nhận Taliban, đó lại là câu chuyện liên quan tới mối quan hệ giữa Trung Quốc với "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan".
Trong bối cảnh đó, có vẻ Trung Quốc chọn lối đi thực dụng nhất. Sau cuộc gặp ông Vương Nghị, phía Taliban nói họ hy vọng Trung Quốc có thể đóng vai trò kinh tế lớn hơn.
Và theo góc nhìn của giới phân tích Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đưa ra cam kết đầu tư, kinh tế vào một Afghanistan thời hậu chiến, giống như "củ cà rốt" để khuyến khích cả Taliban lẫn chính quyền Afghanistan ngừng giao tranh, tiến hành đạt thỏa thuận chính trị.
Giữ an toàn, an ninh cho khu vực cận Afghanistan là ưu tiên của Trung Quốc. Tháng trước, có 13 người, bao gồm 9 công nhân Trung Quốc, đã thiệt mạng sau vụ tấn công liều chết trên xe buýt ở Pakistan.
Pakistan là nơi Trung Quốc rót tiền xây dựng cơ sở hạ tầng cho sáng kiến Vành đai - Con đường. Vì vậy, giữ hòa bình ở khu vực này hiện là ưu tiên số một, thay vì lao vào cuộc chơi cạnh tranh địa chính trị hoặc "lấp chỗ trống của Mỹ".
TTO - Đại sứ Afghanistan tại Trung Quốc - ông Javid Ahmad Qaem - kêu gọi Bắc Kinh gia tăng áp lực lên Taliban trong bối cảnh lực lượng này đang chiếm nhiều tỉnh lị và siết chặt vòng vây quanh thủ đô Kabul.
Xem thêm: mth.6172115141801202-natsinahgfa-iat-eht-hnit-iov-ux-ohk-couq-gnurt-oas-iv/nv.ertiout