Lắp đặt thiết bị tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận khi Bệnh viện chuẩn bị đi vào hoạt động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng nay 15-8, ĐH Y Hà Nội, đơn vị nhận thử nghiệm lâm sàng vắc xin Arct-154 sẽ khởi động việc tiến hành tiêm mũi 1 vắc xin cho 100 người tình nguyện tại Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng - Trường Đại học Y Hà Nội.
GS.TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng quản lý nhà trường cho biết quy trình tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin được thực hiện theo đề cương do Bộ Y tế phê duyệt ngày 2-8. Trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên được khám sàng lọc và làm các xét nghiệm.
Giai đoạn 1 sẽ được thực hiện trên 100 người tình nguyện khỏe mạnh, phân nhóm ngẫu nhiên theo tỉ lệ 3:1 (75% Arct-154 và 25% giả dược), mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Người tình nguyện sẽ được tiêm 2 mũi văc xin hoặc giả dược cách nhau 28 ngày.
Vắc xin COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA của Acturus đã và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 tại Mỹ, Singapore... Kết quả nhận được rất khả quan, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt yêu cầu và đáp ứng độ an toàn, khả năng dung nạp.
Thông tin ban đầu từ nhà sản xuất cho rằng vắc xin này có hiệu quả với biến chủng Delta. Tại Việt Nam, Arct-154 được thử nghiệm lại giai đoạn 1, 2, 3. Đây là vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA đầu tiên ở Việt Nam. Dự kiến vắc xin này sẽ được sản xuất từ đầu 2022.
Nộp hồ sơ giai đoạn 3a vắc xin Nano Covax
Thông tin từ nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax cho biết báo cáo thử nghiệm giai đoạn 3a vắc xin này đã trình lên Bộ Y tế, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh ngày 14-8. Đầu tuần tới, Hội đồng sẽ kiểm tra quy trình tại các điểm nghiên cứu, sau đó sẽ họp đánh giá giai đoạn 3a.
Tại phiên họp chiều 14-8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo rà soát từng khâu, từng bước đối với từng dự án nghiên cứu, thử nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ngừa COVID-19, xác định các công việc cụ thể cần tiếp tục thúc đẩy, gắn với tiến độ thời gian và đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể.
Mục tiêu giải quyết nhanh nhất các thủ tục, hoàn thành các bước cần thiết để có thể cấp phép có điều kiện vắc xin sớm nhất, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, chủ động có đủ vắc xin cho giai đoạn từ năm 2022.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Bình Dương lấy mẫu lần 2, Đồng Nai tiêm vắc xin cho người từ 79 tuổi trở lên
Ngày 14-8, Bình Dương ghi nhận thêm 2.029 ca COVID-19, nâng tổng ca mắc đã lên tới 41.621 ca. Sau khi lấy mẫu đợt 1 với gần 1,3 triệu dân, Bình Dương đang trở lại lấy mẫu lần 2 để tiếp tục bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Kết quả từ 2-8, qua lấy mẫu test nhanh và PCR cộng đồng cho 257.002 người, có 8.054 trường hợp dương tính. Tại khu công nghiệp, lấy mẫu 80.438 công nhân, có 116 trường hợp dương tính.
Đồng Nai là địa phương có nguy cơ bùng dịch cao, UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Y tế từ 16 đến 30-8 phải tổ chức tiêm xong 157.000 liều vắc xin AstraZeneca, Moderna đã được Bộ Y tế phân bổ đợt 5.
Nhóm đối tượng sẽ được tiêm vắc xin trong đợt này gồm những người từ 79 tuổi trở lên và công nhân ở các doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ". Ngoài ra, sử dụng tiêm nhắc mũi 2 và tiêm bổ sung cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các chức sắc tôn giáo.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Sở Y tế và các ngành liên quan xét nghiệm tầm soát trên diện rộng trong thời gian nhanh nhất ở các khu vực phong tỏa, các doanh nghiệp nằm các địa bàn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Đồng thời, chuẩn bị các đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác điều trị bệnh nhân…
Ngày 14-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 9.710 ca ghi nhận trong nước. Kể từ đầu dịch Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, bình quân 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 14-8 là 5.437 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số trẻ nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ tăng cao, biến thể Delta tiếp tục hoành hành tại các nước
Theo Hãng tin Reuters, số trẻ nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ đã tiến lên kỷ lục đáng báo động với hơn 1.900 trường hợp trong ngày 14-8.
Bộ Y tế Mỹ ghi nhận biến thể Delta là nguyên nhân khiến số ca nhập viện tăng vọt trong những tuần qua. Trẻ em hiện chiếm khoảng 2,4% số ca nhập viện vì COVID-19 của Mỹ.
Tại châu Âu, Nga đã ghi nhận kỷ lục đáng buồn 819 trường hợp tử vong mới vì COVID-19 trong ngày 14-8, nâng tổng số người qua đời vì dịch bệnh tại đây lên 169.683. Có 22.144 ca nhiễm trong ngày 14-8. Như vậy, tổng số ca COVID-19 tại Nga đã lên đến hơn 6,5 triệu.
Số ca nhiễm theo ngày tại Nga đã giảm dần sau khi đạt đỉnh điểm hồi tháng 7 vừa qua. Chính quyền nước này cho biết chính biến thể Delta và tốc độ tiêm chủng chậm chạp là nguyên nhân gây ra đợt bùng dịch mới nhất.
Tại Anh, cơ quan chức năng ngày 14-8 ghi nhận 29.520 ca COVID-19 mới và thêm 93 trường hợp qua đời trong vòng 28 ngày kể từ khi dương tính với SARS-CoV-2.
Trước đó một ngày, Anh công bố 32.700 ca nhiễm mới và 100 trường hợp tử vong.
Cũng theo dữ liệu từ chính phủ Anh, 47,3 triệu người dân đã tiêm mũi vắc xin đầu tiên và 40,4 triệu người đã tiêm đủ hai mũi.
Ở châu Á, Bộ Y tế Philippines ngày 14-8 đã ghi nhận thêm 14.249 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 tại đây lên hơn 1,7 triệu. Trong khi đó, số ca tử vong của quốc gia này đã lên đến 30.070 sau khi cộng thêm 233 trường hợp trong ngày 14-8.
Trong nỗ lực ngăn chặn biến thể Delta, Iran ngày 14-8 cho biết sẽ áp đặt lệnh phong tỏa và cấm đi lại trong vòng một tuần. Iran là quốc gia Trung Đông chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ COVID-19 và đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ 5.
Bộ Y tế Iran đã công bố 29.700 ca nhiễm mới và 466 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 14-8. Theo số liệu chính thức, Iran có tổng cộng 97.208 người đã qua đời vì đại dịch.
NGUYÊN HẠNH
TTO - Một cán bộ phục vụ trong khu cách ly tại huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vừa được phát hiện mắc COVID-19. Đáng nói, trước đó một tuần, người này đã tự ý rời khu cách ly đi về nhà thăm vợ con và tiếp xúc với nhiều người.