Tưởng rằng phải chờ hết giãn cách mới được sản xuất trở lại, nhưng nhờ tiếng nói chuyển đến lãnh đạo TP.HCM tại một cuộc họp mà ngay lập tức các cơ sở sản xuất này được "sáng đèn", miễn là phải đảm bảo phòng dịch.
Một doanh nghiệp sản xuất dây kéo cho quần áo bảo hộ y tế tại TP.HCM đã bị cán bộ phường yêu cầu dừng sản xuất vì nhận định đây không phải là "hàng thiết yếu", dù chủ cơ sở đã giãi bày tính cấp thiết của mặt hàng.
Bức xúc, chủ doanh nghiệp đã phản ảnh đến các cấp với tâm thế không để tồn tại những điều vô lý. Cuộc chống dịch còn chông gai, quần áo bảo hộ còn cấp thiết hơn cả "hàng thiết yếu", không thể ngưng trệ sản xuất chỉ vì... thiếu dây kéo.
Sau đó, lãnh đạo phường đã phải thừa nhận cán bộ thực thi chính sách hiểu chưa thấu đáo quy định, dẫn đến doanh nghiệp phải đình đốn sản xuất tạm thời. Cái sai phải được sửa, địa phương đã hướng dẫn lại kỹ lưỡng cho doanh nghiệp báo cáo các thủ tục online để sợi dây kéo được ra lò.
Còn ở một phường khác của TP Thủ Đức, chủ lò bánh mì bị lập biên bản và yêu cầu ngưng sản xuất để chống dịch.
Điều đáng nói là chủ lò bánh mì khẳng định có nhiều người làm từ thiện nên rất cần bánh mì để lo miếng ăn cho người vô gia cư, bệnh nhân trong bệnh viện, thậm chí cả lực lượng tuyến đầu. Sau khi thông tin từ lò bánh mì này đến tai lãnh đạo TP, phường đã lập tức mời chủ cơ sở đến để hướng dẫn cách thức hoạt động trở lại một cách an toàn.
Trong khi đó, có những doanh nghiệp đang sản xuất khẩu trang y tế và quần áo bảo hộ cũng gặp khó để duy trì hoạt động.
Phần lớn các doanh nghiệp chỉ duy trì khoảng 30% nhân sự so với bình thường do thực hiện "3 tại chỗ" hoặc có người là F0. Ngoài chuyện năng lực sản xuất, cung ứng sụt giảm, việc lưu thông hàng hóa, thành phẩm hay đi lại của nhân viên của những ngành này cũng gặp không ít khó khăn.
Để các doanh nghiệp hàng thiết yếu hoạt động trong điều kiện khẩn cấp hiện nay, rất cần thay đổi quy định về "3 tại chỗ"; không thể đánh đồng một bộ tiêu chí này cho tất cả các doanh nghiệp, nhất là tiêu chí về số lượng người được phép duy trì trong nhà xưởng.
Thứ đến, quy trình xử lý khi có F0 trong nhà xưởng cũng cần ưu tiên xử lý nhanh, kịp thời cho doanh nghiệp thiết yếu, tránh để sản xuất đình đốn kéo dài.
Hơn nữa, các cơ quan thực thi chính sách cũng cần có cái nhìn rộng hơn về hàng thiết yếu. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN đã phải thốt lên rằng hàng thiết yếu không chỉ là một chiếc áo, mà nó còn là cả cái dây kéo, nút áo, cây kim sợi chỉ... mới dệt nên thành phẩm, do đó không thể vin vào lý do hàng "không thiết yếu" để chặn đường, cấm lưu thông.
Hệ quả của việc sản xuất hàng thiết yếu đình đốn, nhất là trang thiết bị y tế và thực phẩm, sẽ tác động không nhỏ đến công tác phòng chống dịch. Do đó, vướng đến đâu cần sớm tháo gỡ đến đó, đừng để doanh nghiệp đang phải còng lưng chống dịch, vắt sức để sản xuất trong điều kiện ngặt nghèo lại phải thấp thỏm lo đóng cửa, lo đi giải quyết lưu thông từng chiếc xe hàng.
TTO - Cục Xuất bản, in và phát hành vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với 35 đơn vị xuất bản và phát hành, do Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì, để lắng nghe những kiến nghị về việc đưa sách vào diện mặt hàng thiết yếu.
Xem thêm: mth.64912357051801202-uey-teiht-gnah-ev-neyuhc/nv.ertiout