Khi Ray Kroc còn nhỏ, cha của ông đã đưa con trai tới gặp một nhà "não tướng học" – người khẳng định có thể dự đoán được tương lai của một cá nhân thông qua hình dạng đầu và các bướu trên đầu. Kết luận người này đưa ra là trong tương lai, Ray Kroc sẽ làm việc trong ngành ẩm thực.
Dù thông qua sức mạnh tâm linh hay nhờ sự may mắn, không thể phủ nhận kết luận này đã hoàn toàn chính xác. Cho tới nay, Ray Kroc vẫn được nhắc tới là người đặt nền móng cho ngành công nghiệp thức ăn nhanh hiện đại và là người gây dựng nên chuỗi thức ăn nhanh McDonald's nổi tiếng thế giới.
Giống như nhiều doanh nhân khác, Kroc bắt đầu làm việc từ rất sớm. Khi mới đang học tiểu học, Kroc từng bán nước chanh tại một quầy hàng nhỏ ngay trước nhà, làm việc tại cửa hàng tạp hóa, sau đó là cửa hàng soda của chú. Tất cả những kinh nghiệm có được khiến cậu nhận ra rằng, thế giới là một “khu chợ lớn” để bán hàng.
Đến tuổi thiếu niên, Kroc không còn kiên nhẫn với việc học nên quyết định bỏ ngang và làm nhân viên bán hàng cho công ty cốc giấy Lily-Tulip. Trẻ tuổi, đầy tham vọng và sẵn sàng làm việc chăm chỉ trong nhiều giờ, Kroc nhanh chóng trở thành nhân viên bán hàng hàng đầu của công ty. Trong thời gian này, Kroc đã gặp một người khách là Bá tước Prince; người phát minh ra loại máy pha chế milkshake (sữa lắc) Multimixer với 5 trục, làm được 5 cốc thay vì chỉ một cốc như thông thường.
Nhận ra tiềm năng của loại sản phẩm đột phá này, ở tuổi 37, Kroc quyết định rời khỏi Lily-Tulip để trở thành người phân phối độc quyền của Multimixer và dành 15 năm tiếp theo để bán Multimixer cho các chủ nhà hàng, quán giải khát khắp đất nước.
Thế nhưng, khi Kroc bước sang tuổi 50, việc kinh doanh bắt đầu ngừng trệ. Đầu những năm 1950, người dân chuyển từ thành thị về những khu ngoại ô. Các quán giải khát vì thế phải đóng cửa. Kroc mất đi rất nhiều khách hàng. Đúng lúc này, Kroc nhận được đơn đặt hàng 8 máy của một nhà hàng nhỏ ở San Bernardino, California. Tò mò, ông quyết định đến tận nơi để xem loại nhà hàng nào mà cần làm đến 40 cốc sữa lắc một lần. Tại đây, ông tìm thấy quầy hamburger nhỏ của 2 anh em Richard và Maurice McDonald.
Ray Kroc là người gây dựng nên chuỗi thức ăn nhanh McDonald's nổi tiếng thế giới. Ảnh: AP
Bước ngoặt với McDonald's
McDonald's không giống với bất cứ một nhà hàng nào Kroc nào từng thấy. Ở đây không có chỗ ngồi trong nhà, khách tự phục vụ và thực đơn chỉ giới hạn ở 5 món: bánh kẹp phô mai, bánh hamburger, khoai tây chiên, đồ uống và sữa lắc. Tất cả được phục vụ bởi một dây chuyền hiệu quả đến ngạc nhiên: từ lúc khách gọi đồ đến khi đồ ăn ra chỉ chưa đầy một phút.
Kroc nhanh chóng tính toán số tiền kiếm được với hàng trăm nhà hàng như thế này trên toàn nước Mỹ. Nhưng khi đề xuất ý tưởng này với hai anh em nhà McDonald, cả hai cho biết họ không hào hứng với việc này. Vì vậy Kroc đề nghị làm người đại diện cho họ. Hai anh em đồng ý và trao quyền độc quyền bán phương pháp của McDonald's cho ông.
Ray Kroc mở nhà hàng McDonald's đầu tiên của mình vào tháng 4/1955 tại khu ngoại ô Des Plaines của Chicago. Ông đã xây dựng hình ảnh một nhà hàng sạch sẽ với phương thức phục vụ tỉ mỉ để làm hình mẫu nhượng quyền thương hiệu McDonald's. Đối với mỗi vụ nhượng quyền, Ray thu được 1,9% và trả cho anh em McDonald 0,5% tổng doanh thu. Trong năm đầu tiên, Kroc đã thực hiện được 18 thương vụ nhượng quyền, nhưng ông bị sốc khi nhận ra rằng tiền kiếm được còn không đủ để trang trải chi phí.
Sau đó, Kroc gặp Harry Sonnenborne, một thiên tài tài chính, người đã chỉ cho ông cách kiếm tiền không phải bằng cách bán bánh hamburger, mà bằng cách bán bất động sản. Theo kế hoạch của Sonnenborne, Kroc thành lập công ty để mua hoặc thuê lại mảnh đất làm địa điểm xây tất cả các nhà hàng McDonald's. Những người nhượng quyền sau đó phải trả cho ông hoặc là tiền thuê đất hàng tháng hoặc là một phần doanh thu bán hàng hàng tháng, tùy thuộc vào khoản nào lớn hơn. Bằng cách sở hữu mảnh đất xây dựng nhà hàng nhượng quyền thay vì bản thân thương hiệu, Kroc chắc chắc sẽ thu được lợi nhuận. Nhờ công thức này, Kroc bắt đầu hướng tới việc hoàn thành mục tiêu mở 1.000 cửa hàng McDonald's.
Ray Kroc (phải) vào năm 1975. Ảnh: Shutterstock. |
Nhưng một vấn đề lại nảy sinh sau đó. Kroc liên tục bất đồng với anh em nhà McDonald khi muốn thay đổi công thức ban đầu. Năm 1961, ông mua lại McDonald's với giá 2,7 triệu USD để có thể tự mình kiểm soát mọi thứ.
Kroc nghĩ rằng thỏa thuận này bao gồm cả nhà hàng McDonald's đầu tiên ở California, nhưng thực tế thì không. Điều này khiến Kroc vô cùng tức giận. “Tôi không phải người hay mang thù, nhưng lần này tôi sẽ cho họ biết tay", Kroc đã nói như vậy với một nhân viên lâu năm của mình. Và ông đã thực sự làm như vậy. Mất đi quyền sở hữu cái tên McDonald's, dưới áp lực của Kroc, hai anh em Richard và Maurice buộc phải đổi tên nhà hàng của mình thành The Big M. Ngay sau đó, Kroc mở một nhà hàng McDonald's gần đó và khiến The Big M cuối cùng phải đóng cửa.
Gây dựng đế chế
Nắm trong tay toàn quyền sở hữu và điều hành thương hiệu McDonald's, Kroc được tự do làm những gì mà ông thấy phù hợp. Đến năm 1965, ông khai trương hơn 700 nhà hàng ở 44 tiểu bang. Tháng 4 năm đó, McDonald's trở thành công ty thức ăn nhanh đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu của McDonald's được phát hành với giá 22 USD/cổ phiếu và nhanh chóng tăng lên 49 USD/cổ phiếu chỉ trong vòng vài tuần, đưa ông chủ của chuỗi nhà hàng Ray Kroc trở thành triệu phú. Đến cuối thập niên, Kroc thậm chí còn vượt qua được mục tiêu đặt ra ban đầu khi có tới gần 1.500 nhà hàng McDonald's được mở ra trên toàn thế giới.
Giống như nhiều doanh nhân có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, Ray Kroc không phải là người tạo ra cái mới. Thực tế, khi Kroc bước chân vào ngành thực phẩm, đồ ăn tiện lợi đã xuất hiện dưới rất nhiều hình thức, từ các nhà hàng tới các quầy bán đồ ăn bên đường. Nhưng chính Kroc mới là người có khả năng nắm bắt những vấn đề phức tạp nhất quanh khái niệm thức ăn nhanh và cung cấp nó tới người tiêu dùng bằng những phương thức tốt nhất.Vào những năm 1970, McDonald's là công ty cung cấp thực phẩm lớn nhất ở Mỹ và giữ được danh hiệu này suốt 2 thập kỷ sau đó. Khi Kroc qua đời ngày 14/1/1984, trung bình cứ 17 giờ lại có một nhà hàng McDonald's mới mọc lên. 10 tháng sau đó, McDonald's bán chiếc burger thứ 50 tỷ của mình.
Bí quyết thành công
Ray Kroc tin rằng thành công của McDonald's nằm ở việc những người nhận nhượng quyền đều phải nghiêm túc tuân theo “Phương pháp McDonald's”. Để đảm bảo điều này, ông đã viết một cuốn sách hướng dẫn dài 75 trang trình bày mọi khía cạnh vận hành một nhà hàng McDonald's, từ công thức chính xác cho một chiếc bánh hamburger tới cả tần suất lau dọn nhà hàng.
Năm 1961, ông thậm chí còn mở cả một trung tâm đào tạo dưới tầng hầm nhà hàng McDonald's ở Elk Grove, bang Illinois, tiền thân của Đại học Hamburger sau này, nơi sinh viên theo học các khóa đào tạo trong ngành hamburgerology với một tiểu ngành là khoai tây chiên.
Đỗ Hiền
NDH