Cuối năm 2019, chị Lan chuyển việc sang làm tại một khách sạn mới khai trương, quy mô khoảng 100 phòng ở Nha Trang. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, đã có quá nửa thời gian nhân viên sales với hơn 10 năm kinh nghiệm này phải ở nhà. Đáng kể nhất là từ tháng 11/2020 đến nay, khách sạn phải đóng cửa như nhiều điểm lưu trú khác tại thành phố biển, chỉ duy trì lượng nhân sự tối thiểu để vận hành. Chị Lan cùng 2 nhân viên sales khác - những người mang lại doanh số hàng tháng tổng cộng hơn một tỷ đồng cho khách sạn lúc bình thường - phải nghỉ không lương.
Nhân viên khách sạn vừa và nhỏ quyết chuyển nghề, chưa hẹn ngày quay lại
Bình thường, mức lương của nhân viên sales khách sạn ở Nha Trang như chị Lan không cao, dao động từ 5 đến hơn 10 triệu đồng. Chủ đầu tư lại vừa mới rót tiền vào xây dựng nên cũng không còn ngân sách để hỗ trợ. Chỉ những khách sạn nào đã hoạt động lâu năm mới trả lương cầm cự cho nhân viên.
Đồng nghiệp của chị Lan trong tình huống này đã phải nhảy việc sang chỗ khác bán bất động sản hoặc kinh doanh online kiếm sống. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn khá chật vật, khi được hỏi, hầu hết mọi người đều chưa có ý định sẽ quay lại với ngành nếu dịch bệnh kết thúc. Họ cho rằng, Covid-19 chưa thể hết, sẽ còn có nhiều đợt bùng phát nữa nên khả năng phải xây lại từ đầu rất cao, không có triển vọng.
Cũng nằm trong số những người chuyển việc này, Trung Anh - quản lý một villa tư nhân ở Hội An đã phải bỏ việc được gần 1 năm nay và ra Hà Nội sinh sống. Tại Hà Nội, Trung Anh vào làm ở chỗ người quen trong lĩnh vực marketing. Dẫu vậy, đợt giãn cách này cũng khiến thu nhập của anh bị ảnh hưởng đáng kể.
“Lúc trước villa mình quản lý nằm trên bãi biển An Bàng và khách đến ở khoảng 80% từ châu Âu. Thế nhưng kể từ khi bùng dịch Covid bùng phát, lượng khách chủ lực bị mất đi, khách nội địa cũng không đủ để cứu vãn nên hiện tại chủ của mình đang cho thuê lại”, Trung Anh cho biết.
Theo đại diện Savills Hotel, năm ngoái đã là một năm khó khăn đối với ngành khách sạn - du lịch khi phần lớn cơ sở lưu trú đều có kết quả hoạt động kinh doanh sụt giảm đáng kể và một số phải quyết định đóng cửa tạm thời. Một số khách sạn có quy mô nhỏ đối mặt với áp lực tài chính buộc phải rao bán. Tình trạng năm nay thậm chí còn khó khăn hơn.
Nhân viên khách sạn lớn vẫn có lương nhưng không tránh được tâm lý âu lo
Chị Bắc, một nhân viên đã có thâm niên 30 năm ở vị trí giám sát tại một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất Hà Nội cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ rơi vào hoàn cảnh như hiện nay. Thời điểm khách sạn làm ăn được, khách quốc tế đến nườm nượp và kéo theo đó cũng là đời sống nhân viên rất cao, lúc nào vẻ ngoài cũng tự tin, tỏa sáng.
Thế nhưng, khi dịch bệnh ập đến, các đoàn khách quốc tế cũng hạn hẹp dần làm những nhân viên lâu năm như chị hụt hẫng. Dù làm việc cho doanh nghiệp lớn và may mắn hơn nhiều người trong ngành là hiện tại vẫn được đi làm 1/3 số ngày trong tháng nhưng chị Bắc cùng các đồng nghiệp vẫn không hết âu lo. Dù mọi người thường xuyên dặn nhau là lạc quan cố gắng cầm cự nhưng thành thực mà nói trong lúc này, không khí ảm đạm vẫn bao trùm lên hầu hết những khách sạn ở Hà Nội.
Người quen của chị Bắc làm việc cho một khách sạn trên phố cổ mới đây đã phải nghỉ để về quê sinh sống. Khách sạn trên đó cũng rao bán khá nhiều, chưa kể một số doanh nghiệp còn đi thuê mặt bằng thì sự tổn thất lại càng lớn hơn. Do đặc thù của ngành khách sạn, càng cao cấp thì lại càng phải nâng niu đồ dùng, dù không có khách ở thì vẫn phải có buồng phòng dọn dẹp và bật điều hòa 24/24 nếu không sẽ bị giảm chất lượng đi nhiều. Mà trong lúc đó, doanh thu không đủ bù chi phí.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa ước đạt chưa đầy 2,9 triệu lượt khách, tiếp tục giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020, doanh thu giảm hơn một nửa. Nếu chỉ tính riêng tháng 5 thì lượng khách cũng giảm tới 53,3% so với cùng kỳ.
Trong lúc này, những nhân viên kỳ cựu và may mắn đi làm ở doanh nghiệp lớn như chị Bắc cũng tạm coi như là lúc được nghỉ ngơi dài hạn sau nhiều tháng năm cống hiến bất kể ca trực đêm ngày. Với chị, dù sao thì mọi thứ rồi cũng sẽ đâu vào đó, chỉ có là mất nhiều thời gian, đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn hơn.
Một ông chủ của khu lưu trú villa 9 phòng tại Hội An cũng suy nghĩ tương tự như chị Bắc. Anh có đất của gia đình và xây dựng trên đó, tổng số tiền đầu tư lên đến 10 tỷ đồng và cũng chỉ vừa mới hoạt động được hơn 1 năm. Tuy nhiên, chỉ thị 16 giãn cách toàn thành phố Hội An cũng khiến cơ sở kinh doanh của anh thiệt hại nặng nề. Do số phòng quá ít, anh không thể cho thuê lại để làm khu cách ly được. Lúc này, anh không còn cách nào khác đành phải chờ đợi dịch bệnh ổn định và tiếp tục kinh doanh như cũ.
Phương Kim
NDH