Ai qua Long Hải (Vũng Tàu) trên trục đường Dinh Cô sát biển có lẽ đều bị thu hút bởi một toà lâu đài cổ mang kiến trúc Pháp sừng sững trên ngọn đồi cây xanh bao phủ - Một vẻ đẹp tinh xảo, thơ mộng nhưng không kém phần âm u, lạnh lẽo. Đó vốn là biệt thự nghỉ dưỡng của thương nhân người Hoa Hui Bôn Hoa (Hứa Bổn Hòa, thường gọi chú Hỏa).
Ngọn đồi có diện tích hơn 6.000m2 thì phần lớn là khuôn viên của toà lâu đài. Trước đây, chẳng ai rõ ngọn đồi có tên là gì, sau này khi công trình hình thành, người địa phương gọi “đồi chú Hoả” hoặc “lâu đài chú Hoả” là đủ hiểu đang nói đến chuyện gì...
Giai thoại “con ma nhà họ Hứa”
Theo tài liệu địa phương, chú Hoả là một trong tứ đại phú hào Sài Thành đầu thế kỷ XX, sở hữu gia sản 30.000 căn nhà cùng nhiều bất động sản lớn, công trình phước thiện cho cộng đồng.
Trong đó có toà biệt thự này, được chú Hoả cho xây dựng làm khu nghỉ dưỡng gia đình. Thời điểm những năm 1850 - 1950, tầm cỡ biệt thự chú Hoả được ví với lâu đài vì diện tích rộng lớn, kiến trúc Pháp mang đậm nét nghệ thuật.
Thương nhân gốc Hoa tên Hui Bôn Hoa (1845 - 1901)
Lâu đài chú Hoả có quy mô 2 tầng với khoảng 100 cửa sổ lớn nhỏ, có view nhìn thẳng ra biển Long Hải
Ở vị trí đắc địa, kiến trúc nguy nga, diện tích đồ sộ nhưng đến nay, biệt thự chú Hoả vẫn bị bỏ hoang vì những lời đồn đại về những hiện tượng bí ẩn. Câu chuyện người dân Vũng Tàu lưu truyền rằng: Vào khoảng thập niên 60, gia đình chú Hoả sang Pháp định cư.
Chú Hoả có một cô con gái phát bệnh phong cùi nên đã đưa cô đến toà lâu đài ở Long Hải. Thời điểm đó, phong cùi là bệnh chưa có thuốc chữa. Sau một thời gian dưỡng bệnh ở biệt thự, con gái chú Hoả qua đời, có người kể rằng cả người làm trong biệt thự cũng chết một cách bí ẩn.
Từ ngày đó, nhiều lời đồn hoang đường được thêu dệt xoay quanh ngôi biệt thự, từ những hình ảnh rùng rợn, tiếng vọng lạ, hiện tượng bất thường… Tiếng đồn bán tín bán nghi vang xa khiến cho bà con sợ hãi, không dám bén mảng đến khu biệt thự hàng chục năm sau đó. Khu đồi rơi vào cảnh hoang tàn là vì thế.
Ba lần được cải tạo làm khách sạn, một lần trở thành bối cảnh phim
Ngoài giai thoại “con ma nhà họ Hứa”, lâu đài chú Hoả còn có nhiều lời đồn thất thiệt bắt nguồn từ những cột mốc lịch sử có thật. Bà Lê Thị Long - một phụ nữ người Sài Gòn từng thuê lại toà biệt thự của nhà chú Hoả sau khi gia đình sang Pháp định cư với mục đích trưng dụng làm khách sạn hạng sang.
Khi chiến tranh nổ ra, việc kinh doanh đổ bể, bà Long cho một người đàn ông thuê lại, tiếp tục kinh doanh khách sạn. Dù có cố gắng vận hành nhưng đến năm 1965, người này cũng không thể tiếp tục tiếp quản. Toà nhà xuống cấp dần từ đó.
Năm 1972, toà lâu đài được đội ngũ quay phim của đạo diễn Lê Hoàng Hoa cùng mượn làm bối cảnh bộ phim “Con ma nhà họ Hứa” với nội dung được lấy cảm hứng chính từ giai thoại về nơi đây. Tình tiết ly kỳ, cảnh quay chân thực tạo dựng cho bộ phim nội dung rùng rợn, gây tiếng vang và doanh thu lớn trong thời kỳ đó.
Dù vậy, bộ phim vô tình gây ra tâm lý sợ hãi, xa lánh cho người dân với toà lâu đài một thời gian dài sau đó, đã hoang vắng lại càng trở nên heo hút, ám ảnh hơn.
Một bài báo viết về bộ phim “Con ma nhà họ Hứa” của đạo diện Lê Hoàng Hoa năm đó
Đợt cải tạo lần cuối cùng là vào năm 1986, Công ty Du lịch Đồng Nai tiếp nhận khu đồi biệt thự của chú Hoả, tu sửa và đầu tư mạnh tay, đổi tên thành Khách sạn Palace. Toà biệt thự được cải tạo thành 18 phòng ngủ, 1 nhà hàng, 1 nhà bếp, 1 sân tennis. Mặc dù sở hữu vị trí đẹp, kiến trúc cao cấp nhưng Khách sạn Palace vẫn vắng khách, chẳng bao lâu thì phá sản.
Kể từ những sự kiện trên, người dân có cái nhìn sợ sệt, e dè với toà biệt thự chú Hoả, cùng với những câu chuyện chưa có căn cứ được truyền miệng qua nhiều năm. Gần nửa thế kỷ trôi qua, không mấy ai có ý định sang lại hay kinh doanh tại đây.
Ngày nay
Thập niên 2010s, lâu đài chú Hoả vẫn nằm im lìm giữa lòng Long Hải phát triển nhộn nhịp, toà nhà ngày càng xuống cấp, phủ rêu phong. Bên trong ngổn ngang xi măng, gạch vữa, các dụng cụ xây dựng, lối vào toà biệt thự theo hàng rào tường đá được chặn lại. Tuy nhiên, người dân không còn quá sợ hãi nơi này, trái lại còn có người ra vào để ngó nghiêng, thậm chí là nghỉ lại.
Biệt thự chú Hoả trước năm 2015
Toà biệt thự đang tu sửa thì bị tạm dừng, sau này giàn giáo cũng được tháo bỏ
Cùng với sự phát triển của công nghệ và sự bùng nổ của YouTube, một đợt có nhiều YouTuber gan dạ tìm tới để khám phá, nhằm tìm ra chân tướng về toà lâu đài. Nhiều người dân sống xung quanh khu vực này chia sẻ họ vẫn sinh hoạt bình thường, không bị ảnh hưởng bởi những lời đồn về lâu đài chú Hoả.
YouTuber Lê Hoàng Nam (Challenge Me - Hãy Thách Thức Tôi) khám phá biệt thự chú Hoả năm 2015
Bên trong lâu đài chú Hoả thời điểm 2017 còn hoang tàn, cũ nát
Một giai đoạn sau 2012, khu đồi chú Hoả vài lần được sửa sang lại nhưng đều đang làm dở thì dừng đột ngột không rõ lý do, nhiều nguyên liệu và dụng cụ vẫn còn được để lại. Năm 2020, YouTuber Cảnh Tê đăng tải video khám phá bên trong khu đồi cho biết hiện toà nhà vẫn ngừng xây dựng nhưng bên trong đã được dọn dẹp một phần, còn có người sinh sống bên trong (?).
Ảnh chụp màn hình bên trong toà biệt thự chính từ video khám phá của YouTuber Cảnh Tê năm 2020, có thể thấy toà biệt thự đã được sửa sang, sơn lại một phần, nhưng tới thời điểm quay vẫn đang bị bỏ dở. YouTuber này phát hiện nhiều vết chân người ở các tầng - phỏng đoán rằng nhiều người thường xuyên ra vào đây. Bên trong còn có khu trải chiếu và để quần áo của người sinh sống tại đây (?)
Đến tận thời điểm hiện nay, tính xác thực của những lời đồn và giai thoại “con ma nhà họ Hứa” đều chưa được kiểm chứng, nhưng đã từng gây ra tâm lý sợ hãi, ám ảnh suốt hàng chục năm về một công trình nguy nga, tuyệt đẹp.
Lưu ý: Việc khám phá toà lâu đài chú Hoả là hành động tự phát của một bộ phận YouTuber và người dân hiếu kỳ. Khu biệt thự lâu năm đã bị xuống cấp trầm trọng, ẩn chứa nhiều nguy hiểm, không khuyến khích độc giả vào bên trong.
Vừa Đi Vừa Sợ - Chuyên đề vén màn những địa điểm rùng rợn, bí hiểm từ ngóc ngách Việt Nam cho tới cửa ngõ địa cầu. Bạn chỉ có thể đọc vào nửa đêm, giờ khác mất thiêng!
Từ di tích đồ sộ cho đến hang cùng ngõ hẻm, từ sự kiện lịch sử cho đến những chuyện truyền miệng dù chưa thể khám phá tận mắt thì bây giờ có chúng tôi đi cùng bạn, kể cùng bạn.
Vừa Đi Vừa Sợ, vì những giấc mơ đẹp.