Hạ dự trữ bắt buộc trong xu thế thắt chặt tiền tệ
Phạm Long
(KTSG) - Trung tuần vừa qua, ngân hàng Agribank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Dự trữ bắt buộc là công cụ mạnh của chính sách tiền tệ và có thể coi quyết định này là động thái nới lỏng tiền tệ của nhà điều hành, đặt trong bối cảnh ngân hàng trung ương nhiều quốc gia lớn đang có xu hướng thắt chặt tiền tệ trở lại .
Tổng lượng tiền gửi bằng tiền đồng của Aribank tại thời điểm 31-6-2021 lên tới hơn 1,3 triệu tỉ đồng.Ảnh: N.K |
Một chính sách tiền tệ linh hoạt
Theo Vneconomy, Agribank được NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc do đặc thù cho vay tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) chiếm tỷ trọng lớn và lĩnh vực này đang bị đình trệ vì tác động từ dịch bệnh. Việc giảm dự trữ bắt buộc sẽ tạo điều kiện để Agribank bổ sung nguồn lực mới cho các hoạt động tín dụng, đồng thời cũng giúp tiết giảm chi phí dự trữ bắt buộc, qua đó góp phần giảm chi phí vốn cho ngân hàng này.
Song việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vẫn là động thái nới lỏng tiền tệ của nhà điều hành, đặc biệt Agribank là ngân hàng có lượng tiền gửi hàng đầu trong hệ thống ngân hàng nên số dự trữ bắt buộc tính trên tổng lượng tiền gửi cũng không hề nhỏ. Theo báo cáo tài chính quí 2-2021 của Agribank, tài khoản tiền gửi thanh toán và quỹ dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng của ngân hàng tại thời điểm 31-6-2021 đạt tới hơn 80.000 tỉ đồng, trong khi tổng lượng tiền gửi bằng tiền đồng lên tới hơn 1,3 triệu tỉ đồng.
Hạ dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với tiền được bơm ra thị trường, trong khi tín dụng vẫn đang bị giới hạn tăng trưởng, thì điều này có thể thúc đẩy giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ chí phí vốn cho nền kinh tế bước qua đại dịch. |
Dự trữ bắt buộc được coi là công cụ mạnh trong chính sách tiền tệ và NHNN rất ít khi sử dụng công cụ này. Lần gần nhất NHNN giảm dự trữ bắt buộc là vào cuối năm 2019 cho nhóm ngân hàng tham gia hỗ trợ, cơ cấu lại các ngân hàng khác, bao gồm BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Vậy đây là một động thái nới lỏng tiền tệ, song chúng ta cần đặt trong bối cảnh vĩ mô và mục tiêu, thực trạng điều hành tiền tệ để có góc nhìn tổng quan về chính sách tiền tệ vốn linh hoạt này.
Thứ nhất, bối cảnh vĩ mô thuận lợi: Trong khi mục tiêu hàng đầu của NHNN vẫn là kiềm chế lạm phát thì trải qua bảy tháng đầu năm, lạm phát tiền tệ và lạm phát toàn phần đều tương đối thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI lũy kế bảy tháng đầu năm chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Còn lạm phát cơ bản tháng 7 giảm so với tháng trước và lũy kế bảy tháng đầu năm chỉ tăng 0,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cộng hưởng với việc tỷ giá tương đối ổn định kể từ đầu năm đã hạn chế đáng kể lạm phát nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh cán cân thương mại liên tục nhập siêu những tháng qua và giá hàng hóa thế giới phục hồi mạnh kể từ đầu năm. Đây là tiền đề quan trọng để NHNN tiếp tục triển khai nới lỏng tiền tệ.
Thứ hai, NHNN đang kiểm soát tăng trưởng tín dụng khá chặt chẽ. Nhu cầu tín dụng có dấu hiệu tăng mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quí 1-2021, đặc biệt trong các lĩnh vực như chứng khoán hay bất động sản. Nhiều ngân hàng đã báo cạn room tín dụng ngay từ quí 2.
Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được nới sau đó hầu như chưa đủ bù đắp nhu cầu của nền kinh tế. Điều này cho thấy NHNN vẫn đang kiểm soát tăng trưởng tín dụng khá chặt chẽ, theo từng quí, bơm tiền nhưng không chạy theo tăng trưởng tín dụng. Điều này là hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh từ cuối quí 2 khiến nhiều vùng kinh tế trọng điểm phải đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế, gia tăng nguy cơ nợ xấu.
Vậy nên đã có sự nới lỏng tiền tệ, nhưng trong bối cảnh vĩ mô ổn định, lạm phát tiền tệ và lạm phát toàn phần thấp. Cộng với việc tín dụng đang được kiểm soát chặt chẽ thì bộ khung chính sách tiền tệ không hoàn toàn nới lỏng, mà linh hoạt giữa nới lỏng và kiểm soát.
Hạ dự trữ bắt buộc đồng nghĩa với tiền được bơm ra thị trường, trong khi tín dụng vẫn đang bị giới hạn tăng trưởng, thì điều này có thể thúc đẩy giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ chí phí vốn cho nền kinh tế bước qua đại dịch.
Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ toàn cầu
Trong ngắn hạn, cán cân thương mại thâm hụt sẽ là áp lực cho lạm phát và chính sách tiền tệ giai đoạn nửa cuối năm. |
Hãng tin Bloomberg liên tục đưa tin về các động thái thắt chặt tiền tệ của nhiều nước trên thế giới. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - ngân hàng trung ương có tác động lớn tới chính sách tiền tệ Việt Nam, cũng đang thảo luận về việc giảm dần quy mô nới lỏng định lượng, hiện đang là 120 tỉ đô la Mỹ/tháng.
Các quan chức Fed cũng có những quan điểm về việc Fed có thể tăng lãi suất trong năm 2023, thay vì không đổi lãi suất đến hết 2023 tại các cuộc họp Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) trước đó. Điều này xảy ra trong bối cảnh dữ liệu việc làm và tăng trưởng kinh tế Mỹ thời gian qua khá ấn tượng, trong khi lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh. BOE - Ngân hàng trung ương của Anh, cũng đang thảo luận về việc giảm lượng trái phiếu nắm giữ trên bảng cân đối; trong khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đang cho thấy động thái tăng lãi suất.
Đáng chú ý là dịch bệnh vẫn tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, song các động thái thắt chặt vẫn đang được đưa ra, nhiều khả năng để kiềm chế lạm phát trước khi nó đi quá xa, vượt tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương.
Trước tình hình dịch bệnh còn nhiều căng thẳng, trong khi bối cảnh vĩ mô ổn định, NHNN vẫn dành những dư địa tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Song có thể thấy, xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu là tất yếu trong tương lai. Trong trung hạn, khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, thương mại toàn cầu được khơi thông thì áp lực lên lạm phát sẽ lớn hơn. Trong ngắn hạn, cán cân thương mại thâm hụt sẽ là áp lực cho lạm phát và chính sách tiền tệ giai đoạn nửa cuối năm.
Xem thêm: lmth.et-neit-tahc-taht-eht-ux-gnort-coub-tab-urt-ud-ah/303913/nv.semitnogiaseht.www