Các doanh nghiệp linh hoạt nhiều hình thức sản xuất, cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, để "sống chung" và chiến thắng dịch COVID-19, công nhân cần được tiêm vaccine.
Linh hoạt, mở rộng quy mô cung ứng hàng hóa
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, mô hình “siêu thị mini di động” là một phần trong chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người dân TPHCM trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 căng thẳng hiện nay.
Sở Công Thương TPHCM cũng phát động chương trình “Đưa thực phẩm, nông sản trực tiếp từ nhà máy, nông trại đến người tiêu dùng” thông qua tổ chức kết nối các đơn vị cung ứng, các tỉnh thành. Từ đó, TPHCM thực hiện những chuyến xe đưa hàng hóa thực phẩm với chất lượng đảm bảo, giá cả bình ổn đến người dân tại từng địa bàn dân cư.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng phát huy sáng kiến, sử dụng hệ thống bưu cục, phương tiện vận chuyển, nhân lực của các công ty bưu chính; chuyển đổi công năng tạm thời của chuỗi các cửa hàng bán lẻ thành các điểm bán lương thực thực phẩm… để duy trì chuỗi cung ứng một cách an toàn, hiệu quả.
Tại các tỉnh phía Bắc, vụ thu hoạch rau quả mùa hè cũng đang vào thời kỳ cao điểm. Chỉ tính riêng mặt hàng na, nhãn, xoài của các tỉnh Sơn La, Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên... cũng lên đến hàng trăm nghìn tấn.
Hầu hết các tỉnh đã đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng công nghệ. Tại tỉnh Hải Dương, vào một số thời gian cao điểm, chương trình đã tổ chức hơn 1.000 điểm bán/ngày.
Bảo vệ nguồn "công nhân sạch"
Ông Nguyễn Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) - cho biết, trong hệ thống sản xuất của ngành gỗ, các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” (3T) đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để giữ gìn nguồn “công nhân sạch", nguồn công nhân không bị nhiễm COVID-19 là nguồn tài nguyên quý giá trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay.
Tuy nhiên, chi phí cho 3T rất cao, các doanh nghiệp không thể kéo dài. Vì vậy, một số doanh nghiệp đã phải cho dừng sản xuất bởi chi phí quá cao, dù trong nhà máy chưa xuất hiện F0.
Chủ tịch BIFA Nguyễn Phúc cho rằng, về lâu dài cần có nguồn vaccine cho công nhân tại các nhà máy, công xưởng, bởi hiện nay đang là giai đoạn gấp rút phải hoàn tất các đơn hàng để giao cho đối tác nhập khẩu đồ gỗ tại Mỹ, Châu Âu.
Do vậy, BIFA kiến nghị lực lượng y tế tổ chức tiêm vaccine tại các nhà máy. Nếu tiêm tập trung thì phải tách giờ tiêm riêng biệt, đảm bảo giãn cách để ngăn virus nhiễm vào nguồn “công nhân sạch" của doanh nghiệp.
Hàng loạt hiệp hội như: Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Dệt May Việt Nam (Vitas), Da giày - Túi xách Việt Nam (Lafaso), Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản (Vasep)... đều bày tỏ quan điểm cần sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Y tế, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, tiêm vaccine cho công nhân, bởi đây là phương pháp bảo đảm và bền vững nhất trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để ổn định sản xuất theo tinh thần "sống chung và chiến thắng dịch bệnh".