“May mắn nhất bây giờ là cơ thể người mẹ vẫn giữ được đứa con đến lúc “mổ chương trình”, tức đủ tháng đủ ngày chào đời. Còn nếu sản phụ đột ngột trở nặng, không thể tự thở, cái bầu sẽ chính là gánh nặng khủng khiếp. Giữ lại thì con và mẹ đều suy hô hấp, nhưng lấy ra thì tỉ lệ chỉ 5 ăn - 5 thua. Sự thật ấy chúng tôi không bao giờ muốn thấy, nhưng nó đang xảy ra…” - hộ sinh Lê Thị Thuý Nga, mô tả thêm về công việc áp lực 300% khi BV Hùng Vương được Bộ Y tế phân tầng thành tuyến điều trị sản phụ F0 lớn nhất tại TP.HCM.
10h sáng ngày 12/8, sản phụ K.Y tiếp tục rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Đây đã là ngày thứ 5 bệnh nhân đặt nội khí quản, thế nhưng, những dãy số hiển thị trên màn hình thì vẫn chưa cho thấy một tín hiệu tích cực.
“Xong chưa???” - bác sĩ Thanh Vy nhắc. “Cố gắng thêm nữa đi. SpO2 rơi xuống 65 rồi…”
“Em đang cố đây” - đôi tay nữ hộ sinh vẫn thoăn thoắt bóp bóng thở trên mũi bệnh nhân, nhưng dường như nó đã không còn kịp chạy đua với con số giảm dần.
“Không vào cái gì cả. Cái máy này lỗi rồi. Đổi máy đi. Đổi máy khác đi…” - vị bác sĩ nói lớn trong bộ đồ bảo hộ. Quanh căn phòng cấp cứu, gần 10 nhân viên y tế đã lấp đầy.
Mãi 30 phút sau, chiếc máy thở mới được lắp vào, SpO2 của bệnh nhân mới nhích dần từ 65 lên 89, rồi 92, ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
Sản phụ K.Y đã là ca F0 thứ 2 trong ngày 12/8 rơi vào tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” như thế. Tuy nhiên trước đó, ngày 5/8, dù dương tính với Covid-19 nhưng sản phụ khi nhập viện vẫn rất khỏe mạnh.
Buổi chiều 7/8, sau hơn 1 tiếng đồng hồ mổ đẻ, sản phụ vẫn kịp tỉnh để nhìn đứa con cất tiếng khóc chào đời trước khi nó được đưa ra khỏi khoa sản. Vậy mà, đến đêm cùng ngày thì chị tức ngực, rồi rơi vào hôn mê sâu, bác sĩ bắt buộc phải cho thở máy.
“Covid-19 nó đến nhanh lắm! Có lúc buổi sáng bệnh nhân vẫn bình thường, ăn uống, vận động được, đến tối thì phổi trắng xóa, chuyển qua bàn mổ thì đã ngưng tim rồi đi luôn…” - bác sĩ Thanh Vy vừa giải thích, vừa chỉ tay về chiếc máy thở đang được chuyển vào.
Chiếc máy thở hiệu suất cao ấy, sáng nay vẫn đang dùng cho một BN nguy kịch hơn. May mắn đến 10h thì bệnh nhân đã được một bệnh viện tầng 5 (tháp 5 tầng điều trị Covid-19) đồng ý tiếp nhận, bác sĩ mới tức tốc lắp đặt để cấp cứu cho sản phụ K.Y.
“Mình không có cách nào để biết trước tình hình sao?” - tôi băn khoăn.
“Bình thường bề ngoài họ không có một triệu chứng gì cả. Chỉ có chụp X-quang, nhưng sản phụ thì rất khó khăn. Thậm chí cho là có chụp được đi, hình buổi sáng vẫn tương đối đẹp thì tối nhìn lại có khi phổi đã nát hết rồi. Không ai nói trước được điều gì” - BS Thanh Vy trả lời.
Cùng phòng bệnh với sản phụ K.Y, một bệnh nhân khác liên tục gọi bác sĩ khi nhìn thấy chỉ số của mình tụt trên màn hình điện tử, chiếc bóng phập phồng trên mũi khiến cô như một con cá mắc cạn.
“Chị đừng nói nữa! Nhìn theo em này” - y tá vừa bóp bóng, vừa chỉ tay mô tả hành động. “Hít thật sâu vào rồi thở ra. Thấy không? Nó lên rồi kìa. Chị may mắn mà, người cùng phòng chị bất tỉnh sắp chuyển đi rồi ấy… Chị phải cố gắng tự thở. Có tụi em ở đây.…”, giọng cô y tá ngọt dịu như người mẹ ru con ngủ.
Một lúc sau, bệnh nhân chịu nằm nghiêng chiếc bụng bầu sang một bên và tập thở, chỉ số mới bắt đầu tăng lên 90.
Ngày 21/7, Bệnh viện Hùng Vương được Sở Y tế TP.HCM phân tầng điều trị từ tầng 1 tới tầng 4 trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19. Ngay lập tức, bệnh viện đã chuyển đổi công năng, trở thành nơi điều trị sản phụ F0 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường.
Dù trước đó 3 tháng, BV Hùng Vương đã tham gia tiếp nhận nhiều sản phụ có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, đồng thời trên công bố của y khoa thế giới cho biết trẻ em & phụ nữ mang thai có tỷ lệ nhiễm thấp. Thế nhưng, khi dịch Covid-19 bùng lên tại TP.HCM, mọi thứ ập đến với các cơ sở y tế điều trị sản phụ Covid-19 vẫn rất đột ngột.
“Chúng tôi không phải đón từng ca nữa mà là một loạt, lấp đầy cả khoa sản chỉ trong một ngày” - TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết nhớ lại.
Đến hiện tại, bệnh viện đã điều trị cho hơn 600 sản phụ. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận trên 180 trường hợp, mổ lấy thai 7-10 bé, chuyển viện lên tầng trên và xuống tầng dưới 30 ca. Bên cạnh đó, việc điều trị sản phụ F0 - một cơ thể mang 2 sinh mệnh, đó là một áp lực gấp trăm ngàn lần đặt lên vai nhân viên y tế.
Bởi trong điều kiện đời sống bình thường, khi mang thai thì việc hô hấp vốn khó khăn. Khi mắc thêm Covid-19, nó lại càng trở nên nặng nề. Lúc đó, thai trong bụng như một khối nặng khổng lồ đè lên thành ống khí, gây tắc nghẽn lưu thông khiến nó ảnh hưởng trực tiếp đến cả tính mạng của cả mẹ và bé.
Nhiều trường hợp sản phụ trở nặng, tổn thương phổi dẫn đến thiếu hụt oxy bất ngờ đặt bác sĩ vào bài toán hóc búa: Làm sao để giữ cơ hội sống cho 2 mẹ con?
“Đối với sản phụ có triệu chứng nhẹ, chúng tôi cần giúp bệnh nhân thở tự nhiên, duy trì cho đứa trẻ ở trong bụng mẹ càng lâu càng tốt. Thế nhưng, với trường hợp nặng, chúng tôi phải cân đo đong đếm từng ngày, nếu trẻ từ 28 tuần tuổi trở lên thì bắt buộc lấy ra. Đó quả thật là một bài toán…” - Bác sĩ Thanh Vy chia sẻ.
“Nhưng 28 tuần tuổi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe trẻ sơ sinh không, thưa các bác sĩ?” - tôi đặt câu hỏi.
“Lúc đó 5 ăn - 5 thua. Nhưng bắt buộc phải làm” - TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết nhấn mạnh thêm. “Bởi nếu giữ thai trong bụng quá lâu trong tình trạng thiếu oxy sẽ không chỉ khiến thai chết lưu, còn gây cản trở hồi sức cho bà mẹ khi trở nặng. Muốn can thiệp chuyên sâu để cứu mẹ như chạy ECMO thì không còn cách nào giải quyết bào thai đó trước. Cứu là chúng tôi có được cả 2, mất là có thể mất tất cả. Nó khắc nghiệt như thế đấy…”.
Tính đến ngày 13/8, Bệnh viện Hùng Vương đã ghi nhận 3 trường hợp sản phụ F0 tử vong. Đây là một con số vô cùng đáng tiếc. “Đối với ngành sản 1 năm chỉ cần 1-2 ca đã là khó chấp nhận rồi, nhưng bây giờ chỉ mới 2 tuần đã là 3 người, chưa kể nhiều trường hợp nguy kịch trước mặt mà chúng tôi vẫn không làm được gì thêm” - vị Giám đốc bệnh viện ngậm ngùi.
15h, một sản phụ tên Vân tiếp tục là ca thứ 3 được BV Hùng Vương xin điều chuyển lên tầng điều trị Covid-19 thứ 5. Bệnh nhân đã hôn mê hơn 1 tuần, hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở. Suốt thời điểm này, y tá phải túc trực 24/24, bơm thức ăn lỏng vào ống thông thực quản.
Ở trong một phòng bệnh khác thì một bệnh nhân nữa liên tục khóc. Chị chắp 2 tay cầu xin mình có thể thở. Y tá đứng bóp bóng, miệng không ngừng động viên: “Phải cố gắng lên. Chị đừng nói nữa, chỉ thở thôi. Chỉ thở thôi…”.
Người phụ nữ khóc được hơn 10 phút, rồi thiếp đi trong tiếng máy thở đều đều.
Bác sĩ Thanh Vy chia sẻ: Tham gia điều trị cho sản phụ F0, đó là một áp lực vô cùng nặng nề. Với bệnh nhân, nhiều trường hợp không còn dựa vào máy móc nữa mà còn cả ý chí. Vì vậy, bác sĩ có thể đứng nguyên đêm để bóp bóng, thậm chí lắng nghe, an ủi và dỗ dành bệnh nhân như người thân trong gia đình.
“Hạnh phúc nhất đối với tụi em lúc này anh biết là gì không?” - vị bác sĩ đặt câu hỏi cho tôi.
“Là gì?”
“Là khi 1 sản phụ vài tuần trước còn thở máy, nay có đủ điều kiện để xuất viện. Là khoảnh khắc đứa trẻ chào đời, mẹ nó cũng vừa kịp tỉnh lại để nhìn mặt nó trước khi nó được chuyển ra ngoài. Là đứa trẻ ấy, qua khoa Nhi, không phải vào phòng chăm sóc đặc biệt chỉ vì nhiễm Covid-19” - Vy mỉm cười, tôi đoán vậy qua ánh mắt lấp đầy hy vọng sau lớp kính dày. Trong tất cả sự may mắn cô nói, không có bất cứ điều gì là dành cho đội ngũ y bác sĩ.
Nói như thế, nhưng chính họ, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, túc trực liên tục 8-10 tiếng mỗi ngày trong khu vực lây nhiễm cao, lại chính là lực lượng dễ dàng nhiễm dịch bệnh nhất. Đến ngày 12/8, Bệnh viện Hùng Vương đã ghi nhận 96 trường hợp nhân viên y tế dương tính với Covid-19.
“Một số phải đi cách ly, số còn lại chia lửa cho bệnh viện Cần Giờ, bệnh viện dã chiến số 4, số 6, tham gia điều trị sản phụ thường, sản phụ Covid-19… Lực lượng mỏng nên buộc những người ở lại phải làm việc 200-300% sức lực” - Giám đốc BV Hùng Vương chia sẻ.
16h, bác sĩ Thanh Vy sắp xếp tập hồ sơ bệnh án cuối cùng để hoàn thành kíp trực. Bên trong bộ đồ bảo hộ, mồ hôi đã túa ra như tắm, chiếc khẩu trang hằn những vết đỏ trên làn trắng trẻo.
“Nói là theo ca, nhưng thiếu người thì bác sĩ vẫn sẽ ở lại đến cùng. Hồi sức thiếu người thì bác sĩ sản cũng tham gia, khoa thiếu người thì phải gọi thêm chi viện. Đã mặc bộ đồ này vào rồi ngứa cũng không được gãi, khát không được uống, và cơm có thể ăn 1 buổi trong ngày…” - bác sĩ Thanh Vy kể thêm.
Bên cạnh, hộ sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đang bơm thức ăn cho một bệnh nhân. Ca trực của chị đã kết thúc từ 2 tiếng trước.
Ở phòng điều trị cho sản phụ F0 này, Hạnh là người đầu tiên ôm ấp những đứa trẻ sơ sinh, trước cả khi mẹ chúng nhìn thấy mặt con. Nhưng suốt 2 tháng nay, chị lại không thể ôm con.
Nó cũng chỉ mới 17 tháng tuổi.
Huy Hậu
Trí thức trẻ