Trước những bất cập của mô hình “ba tại chỗ” (3T - ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ, sản xuất tại chỗ), ngày 12-8, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn và đề nghị các tỉnh, TP, doanh nghiệp (DN) tự xây dựng phương án sản xuất và phòng chống dịch COVID-19 phù hợp.
Các doanh nghiệp cho rằng nếu đứt gãy chuỗi sản xuất, mất đơn hàng
thì sẽ không lấy lại được, kể cả thời hậu COVID-19. Ảnh: PM
Cộng đồng doanh nghiệp muốn được cơ quan chức năng cho phép tự mua
test nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế để xét nghiệm cho người lao động. Ảnh: QH
Giảm tần suất xét nghiệm
Trong văn bản mới, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và triển khai phòng chống dịch tại các đơn vị để tránh chồng chéo; không để xảy ra tình trạng nhiều đơn vị chức năng kiểm tra một DN.
Đặc biệt, đối với khó khăn của DN về xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc và định kỳ đối với người lao động (NLĐ). Theo đó tần suất xét nghiệm sàng lọc hằng tuần ít nhất cho 20% NLĐ khi đơn vị chưa có ca mắc COVID-19. Trong trường hợp nếu có ca mắc thì xét nghiệm ít nhất 50% NLĐ bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh.
Cũng trong văn bản này, Bộ Y tế thừa nhận mô hình “3T”, “một cung đường - hai điểm đến” đã áp dụng thành công ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Tuy nhiên, khi áp dụng tại các địa phương ở phía Nam lại chưa thực sự hiệu quả, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Trong đó nguyên nhân chính là do khi thực hiện mô hình “3T” chi phí bỏ ra rất lớn, đồng thời phải đáp ứng nhiều quy định khắt khe, do vậy không nhiều công ty đáp ứng được đành đóng cửa ngưng sản xuất.
Mong ngóng ngày được quay lại sản xuất
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam, cho biết số lượng công ty đủ điều kiện áp dụng “3T” hiện chiếm chưa đến 5% trong tổng các thành viên hiệp hội. Số đơn vị còn lại, tức 95%, không đủ điều kiện đều phải tạm dừng hoạt động.
Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng cho hay trong tổng 265 công ty thì có 117 đơn vị phải tạm ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện “3T”, 17 công ty áp dụng “3T” nhưng xuất hiện các ca dương tính với COVID-19 nên cũng phải dừng sản xuất.
Riêng trong lĩnh vực chế biến thủy sản, số công ty đáp ứng “3T” được tiếp tục hoạt động chiếm đến 72%. Song do thực hiện giãn cách, lượng công nhân làm việc “3T” có hạn nên tổng công suất chế biến thủy sản giảm còn 30%-50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.
Vậy nên trước hướng dẫn mới của Bộ Y tế, nhiều DN rất đồng tình, mong ngóng ngày được quay lại hoạt động sản xuất. Bởi nếu đứt gãy chuỗi sản xuất trong nước và toàn cầu, mất đơn hàng thì sẽ không lấy lại được kể cả thời hậu COVID-19 và đơn hàng sẽ chuyển dịch qua nước khác. Đó là chưa kể hàng chục ngàn công nhân lâm vào cảnh bế tắc, không có việc làm, phát sinh những vấn đề xã hội.
Hơn nữa, mỗi địa phương có đặc điểm, tình hình khác nhau và mỗi ngành nghề, lĩnh vực cũng có đặc điểm khác nhau nên cần dựa trên tình hình thực tế để có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với từng địa phương, từng đơn vị kinh doanh chứ không áp dụng “3T” một cách cứng nhắc, rập khuôn.
Vẫn còn nhiều lo ngại
Trước hướng dẫn mới của Bộ Y tế, các nhà sản xuất, kinh doanh bày tỏ vui mừng, tuy nhiên cũng có công ty lo ngại sẽ bị siết chặt hơn. Bởi khi để địa phương tự hướng dẫn thì trước áp lực, trách nhiệm về phòng chống dịch bệnh…, các địa phương có thể sẽ mạnh tay hơn khiến DN khó mà quay lại sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, trong hướng dẫn mới, Bộ Y tế đề nghị tần suất xét nghiệm sàng lọc COVID-19 đối với NLĐ trong nhà máy giảm còn một tuần/lần. Song ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa), cho rằng điều mà cộng đồng DN muốn được gỡ bây giờ là cơ quan chức năng cho phép tự tìm nguồn mua dụng cụ xét nghiệm và tự xét nghiệm. Tất nhiên DN sẽ lưu vào hồ sơ các chỉ số như tỉ lệ xét nghiệm, kết quả xét nghiệm... để báo cáo hoặc xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra.
“Như vậy, chúng tôi vừa có thể giảm chi phí xét nghiệm vừa có thể chủ động đảm bảo phòng chống dịch cao hơn trong nhà máy. Tôi tin rằng không có công ty nào dám gian dối cả, vì chính họ cũng mong muốn có nguồn “công nhân sạch”, tức không mắc COVID-19 để ổn định sản xuất” - ông Phúc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cũng cho rằng chính quyền cần giao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DN. Khi Nhà nước đã giao quyền thì họ sẽ phải cố gắng hết sức, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch một cách chặt chẽ, không để xảy ra trường hợp F0 trong nhà máy để sản xuất không bị đứt gãy.
Nhiều công ty khác cũng bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện cho phép tự chịu trách nhiệm bởi hơn ai hết, chính họ hiểu rõ nhất tình hình hiện tại ở nơi sản xuất và cách làm nào là an toàn nhất, hiệu quả cao nhất. Trong đó đa phần các đơn vị sản xuất, kinh doanh mong muốn có thêm những mô hình mới ngoài “3T” như “2T - ăn tại chỗ, làm việc tại chỗ”, “cho phép lập vùng đệm”, “xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu công nghiệp (KCN)” để chăm sóc sức khỏe công nhân tốt hơn và nhanh chóng tách F0 ra khỏi nhà máy khi có ca nhiễm.
“Chính quyền cần trao niềm tin, giao trách nhiệm và hướng dẫn DN làm. Bởi hơn ai hết, chúng tôi biết cách bảo vệ nguồn lực của mình. Chúng tôi phải đảm bảo an toàn thì mới có thể duy trì sản xuất được” - lãnh đạo một DN nhấn mạnh.•
Chiến dịch tạo vùng xanh an toàn Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều công ty tại Bình Dương cho biết đang rất mong ngóng tỉnh này triển khai kế hoạch xây dựng vùng xanh để công nhân có thể đi lại làm việc nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Trước đó, ngày 6-8, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch xây dựng vùng xanh trên bản đồ COVID-19, phấn đấu đưa Bình Dương trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 1-9. Đặc biệt, tỉnh này đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 để mở rộng độ bao phủ toàn dân trên địa bàn nhằm tạo vùng xanh lâu dài. Sau ngày 15-8, sẽ triển khai cho các DN đã đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3T” trong KCN, cụm công nghiệp và các công ty ngoài KCN đang hoạt động. Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế ngoài các quy định về hình thức “3T”, cần bổ sung các hình thức khác cho DN được lựa chọn; bổ sung quy định cho phép NLĐ được về nhà. Các biện pháp đảm bảo an toàn được đưa ra tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại nhà. Đề xuất thí điểm mô hình “2T” Chi hội DN Khu công nghệ cao (SBA) TP.HCM vừa có văn bản đề xuất các cơ quan liên quan cho phép thí điểm phương án “2T”, tức NLĐ được đi làm từ nhà trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến 30-8. Đại diện chi hội cho hay phương án thí điểm này dựa trên khảo sát thực tiễn và đề xuất của hai công ty là Intel Products Việt Nam, Datalogic Việt Nam. Theo đó, NLĐ được thí điểm chỉ được phép đi từ nhà đến nơi làm việc và chiều ngược lại theo xe đưa đón của DN. Đặc biệt, người tham gia thí điểm sẽ phải cài ứng dụng trên điện thoại, trước khi lên hay xuống xe đưa đón phải bật ứng dụng để cơ quan quản lý và DN kiểm soát. Người nhà của công nhân cũng được DN đưa xe lưu động đến test nhanh COVID-19 một tuần/lần… Hiệp hội Các DN KCN TP.HCM (HBA) mới đây cũng kiến nghị TP cho phép xây dựng bệnh viện dã chiến tại các KCN để chủ động phòng chống dịch; tạo điều kiện cho từng DN chủ động xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR (xét nghiệm sinh học phân tử) theo quy trình giám sát sức khỏe NLĐ tại chỗ. |