Trong khi chờ đợi vaccine ngừa COVID-19 được tiêm trên diện rộng, chỉ có giãn cách xã hội mới giảm được mức độ và tốc độ lây nhiễm. Tuy nhiên chính vì vậy, việc lưu thông hàng hóa cần được thực hiện tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Theo bài viết "Đừng để nghẹn vì chốt kiểm soát" trên Kinh tế Sài Gòn, dù được coi là hàng hóa thiết yếu, nhưng việc lưu thông thực phẩm tươi sống nội tỉnh và liên tỉnh bị ảnh hưởng rất nhiều.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ ô tô và lái xe qua chốt kiểm soát ở xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Cảnh tréo ngoe là trong khi nơi này phải bấm bụng đổ bỏ thì nơi khác lại không có hay phải mua với giá đắt hơn bình thường rất nhiều. Quá trình lưu thông và phân phối thực phẩm tươi sống không chỉ bị khó khăn do chỉ được thực hiện trong khung giờ cố định, mà còn từ rất nhiều chốt kiểm soát.
Vấn đề là các chốt kiểm soát do nhiều cấp lập ra, mỗi nơi có cách hiểu và thực hiện khác nhau nên những người làm công tác vận chuyển không biết đâu mà lần. Nhiều điểm đứt gãy nhỏ đang tiềm ẩn nguy cơ tạo nên đứt gãy lớn hơn và cứ thế tăng dần.
Châu Âu chuộng ngao hấp Việt Nam
Ngao hoa hấp cải, ngao xào xả ớt… là món khoái khẩu của không ít người và cũng bất ngờ trở thành món ưa thích của nhiều người dân thuộc Liên minh châu Âu (EU), theo bài viết trên VnExpress.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang EU liên tục tăng trưởng hai con số trong tất cả tháng của quý 2 năm nay. Ngao chiếm tỷ trọng cao nhất, nguyên nhân do đây là những sản phẩm chế biến sẵn, tiện lợi trong mùa dịch bệnh và giá cả phù hợp. Chế biến, xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam lại không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, cơ hội cho nhiều ngành hàng thủy sản vẫn lớn giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên câu chuyện vẫn cần nhắc đến là làm sao thủy sản Việt Nam sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) do vi phạm luật chống khai thác thủy sản bất hợp pháp từ năm 2017.
Hệ quả là sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng, EU từ thị trường số 2 đã tụt xuống vị trí số 4 trong top các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Đến nay đã là 4 năm, chúng ta vẫn chưa thoát được án thẻ vàng và điều không ai mong muốn là màu vàng mãi không chuyển lại được thành màu xanh sẽ sang màu đỏ, tức là đánh mất thị trường xuất khẩu thủy sản sang EU.
Việt Nam phải đua với Indonesia
Trong số các nước Đông Nam Á, Indonesia là nền kinh tế lớn nhất, đồng thời cũng đang được đánh giá là quốc gia có độ cạnh tranh cao nhất với Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh - Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 70 trong khi Indonesia xếp thứ 73, điểm yếu lớn nhất của quốc gia này nằm ở giấy phép và thủ tục.
Quyết liệt khắc phục vấn đề này, theo tờ Đầu tư Tài chính - Sài Gòn Giải phóng, ngày 9/8 mới đây Indonesia đã cho ra mắt trang web có tên là Online Single Submission để thẩm định các yêu cầu về giấy phép đầu tư: dự án trong nhóm rủi ro thấp thì chỉ cần đăng ký, trong nhóm rủi ro trung bình thì chỉ cần tiêu chuẩn quốc gia.
Thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được tăng lên khi có thể thông qua những yêu cầu đang bị kẹt ở cấp địa phương, mà chủ yếu do các thủ tục hành chính theo kiểu "hành là chính".
Theo các chuyên gia, nhận thức được tầm quan trọng và sức nóng của sự cạnh tranh với các nước trong khu vực, cải cách về mặt hành chính cũng như pháp luật vẫn có thể ưu tiên làm song song với việc chống dịch để sớm phục hồi kinh tế Việt Nam.
VTV.vn - Việc sử dụng công nghệ vào công tác phòng, chống dịch cần được các lực lượng chức năng triển khai nhanh và đồng bộ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.26260739061801202-taos-meik-tohc-iv-nehgn-ed-gnud/et-hnik/nv.vtv