Để phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân Đà Nẵng trong 7 ngày phong tỏa, TP.Đà Nẵng sẽ huy động nguồn cung hàng hóa từ các siêu thị lớn (10 đơn vị), cửa hàng tiện lợi (187 đơn vị).
Ngày 16.8, Bộ Công Thương cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng đang thực hiện phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu trong 7 ngày tới, nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương).
Theo dự kiến, khả năng cung ứng trong 7 ngày như sau: gạo 4.500 tấn, mì ăn liền 10 triệu gói, nước mắm 180.000 lít, trứng gà 2.500 quả, thịt heo 650 tấn, thịt gà 600 tấn, thủy hải sản 800 tấn, rau củ quả 1.500 tấn.
Thành phố cũng dự kiến khả năng tiêu thụ định mức toàn thành phố trong 7 ngày như sau: gạo 2.702 tấn, mì ăn liền hơn 4 triệu gói, nước mắm 161.000 lít, trứng gà 2.450 quả, thịt heo 539 tấn, thịt gà 539 tấn, thủy hải sản 390 tấn, rau củ quả 1.473 tấn.
Nguồn cung hàng hóa từ các siêu thị lớn (10 đơn vị), cửa hàng tiện lợi (187 đơn vị) và dự kiến cung ứng theo địa bàn.
Các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng phân phối khác chủ yếu cung ứng 3 mặt hàng chính là thịt, cá, trứng; ưu tiên cung ứng cho các địa bàn ít siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các địa bàn khác theo yêu cầu.
Sở Công Thương liên kết các tỉnh, thành phố để kết nối, cung ứng nguồn hàng củ, quả; làm việc với các nhà cung ứng tổng để điều tiết, tăng lượng hàng cung ứng cho thành phố.
Để bảo đảm việc cung ứng hàng, các mặt hàng thiết yếu được gói sẵn dưới hình thức combo (gồm 2 nhóm hàng: thịt, cá, rau củ quả) và đặt hàng trước thời gian giao hàng theo hình thức thỏa thuận với nhà cung cấp. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu của đơn vị cung ứng được phép hoạt động.
Áp dụng hình thức “3 tại chỗ” phù hợp đối với nhân viên tại các siêu thị, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa
Về phương thức cung ứng, theo Bộ Công Thương, đối với 30.000 hộ dân (thuộc hộ chính sách, nghèo, cận nghèo, không có thu nhập, hoàn cảnh khó khăn) sẽ nhận được lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nguồn điều phối của Sở Công Thương về các quận, huyện (trên cơ sở danh sách do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp).
Với người dân không thuộc các đối tượng trên sẽ đặt hàng thông qua Ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ, thôn. Ban điều hành chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, điều tiết, cung ứng và phân phối hàng hóa đến người dân thuộc địa bàn quản lý; đặt hàng trước ngày giao hàng ít nhất 1 ngày để đơn vị cung ứng có thời gian chuẩn bị; trực tiếp nhận hàng từ đơn vị cung ứng và giao lại cho các hộ dân.
Trên cơ sở đề nghị của UBND các phường, xã, UBND các quận, huyện kết nối với các nhà cung cấp để tổ chức các chuyến xe lưu động đưa hàng bán cho người dân thông qua Ban điều hành.
Tùy vào tình hình dịch tễ, trên cơ sở đề xuất của UBND các quận, huyện, Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố xem xét, quyết định khôi phục lại các chợ truyền thống để bổ sung nguồn cung phục vụ nhân dân.