Binh sĩ Anh rời máy bay vừa hạ cánh xuống Kabul, Afghanistan ngày 15-8 để bảo vệ chiến dịch sơ tán công dân nước ngoài và các quan chức Afghanistan - Ảnh: AFP
Thất bại của chính quyền Kabul trước quân Taliban đã khơi lại những hình ảnh và câu chuyện lịch sử về hệ quả của việc lệ thuộc vào Mỹ.
Đa số giới phân tích đồng ý với quan điểm cho rằng cục diện Afghanistan hiện tại ảnh hưởng đến các cam kết Mỹ đang nỗ lực đưa ra.
Việc Taliban lật đổ chính quyền Kabul diễn ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo châu Á và châu Âu hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thiết lập lại sự hiện diện vững chắc của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt khi Trung Quốc và Nga đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng.
Nhưng quyết định rút quân khỏi Afghanistan của ông Biden đã khiến nhiều người thất vọng.
Thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban đạt được dưới thời tổng thống Donald Trump, trong đó Washington cam kết sẽ rút quân, đổi lại Taliban phải quay lại các cuộc hòa đàm với chính quyền Kabul.
Song, hòa đàm giữa Kabul và Taliban chưa ngã ngũ thì Mỹ đã bắt đầu rút quân. Một số nhà phân tích tỏ ra khó hiểu khi Tổng thống Biden đảo ngược một loạt chính sách của người tiền nhiệm nhưng lại giữ nguyên thỏa thuận với Taliban.
"Khi ông Biden tuyên bố nước Mỹ đã trở lại, nhiều người sẽ nói 'đúng vậy, nước Mỹ đã trở về nhà'", nhà phân tích quân sự người Pháp François Heisbourg nói với báo New York Times.
Theo ông Heisbourg, hầu hết đều tin rằng Mỹ nên rút quân khỏi Afghanistan từ lâu vì tình hình tại đây là không thể cứu vãn. Nhưng về lâu dài, quyết định rút quân của Mỹ và sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan sẽ gây tổn hại cho các cam kết an ninh của Washington.
"Quan điểm 'không thể tin được người Mỹ' sẽ ngày càng cắm rễ sâu vào suy nghĩ của nhiều người vì những gì đã xảy ra ở Afghanistan", ông Heisbourg nêu quan điểm.
Sự nghi ngờ về các cam kết an ninh của Mỹ sẽ ngày càng tăng khi Nga và Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực gây ảnh hưởng, dẫn đến cuộc cạnh tranh bá quyền tại một số khu vực.
Các nhà lãnh đạo châu Âu, cũng như những người khác trên thế giới, đang lo lắng về việc Afghanistan sắp tới sẽ như thế nào.
Họ đặt câu hỏi về những gì sẽ xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái, với các thẩm phán và giới truyền thông dưới sự cai trị mới của Taliban, và quan trọng không kém: liệu có một làn sóng chạy nạn mới sang châu Âu không?
Đối với NATO, câu thần chú luôn là "cùng vào thì cùng ra", theo New York Times. Một khi Mỹ - quốc gia dẫn dắt NATO - quyết định rút quân, quân đội các nước NATO khác cũng bắt đầu nhanh chóng rời đi và chỉ số ít muốn quay trở lại.
Giới lãnh đạo quân sự Anh hồi tuần trước đã chỉ trích động thái rút quân của Mỹ là một sai lầm và tiết lộ London muốn NATO đưa quân trở lại để bảo đảm ổn định ở Afghanistan. Tuy nhiên một số nước, trong đó có Đức, kiên quyết bác bỏ việc đưa quân trở lại.
Theo thông báo mới nhất của Lầu Năm Góc, Mỹ sẽ đưa thêm 1.000 binh sĩ tới Kabul để hỗ trợ chiến dịch sơ tán người nước ngoài và những người đã từng phục vụ chính quyền Afghanistan. Như vậy, Mỹ sẽ có tổng cộng 6.000 lính, tập trung chủ yếu tại sân bay Kabul.
Anh, Mỹ và một số quốc gia trong NATO đã đưa quân, máy bay quân sự đến Afghanistan để bảo vệ chiến dịch sơ tán. Tối 15-8, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đại sứ và tất cả nhân viên ngoại giao Mỹ tại Afghanistan đã được đưa đến nơi an toàn.
Trước tình hình bất ổn tại Afghanistan, nhiều hãng hàng không đã điều chỉnh đường bay để tránh các sự cố ngoài ý muốn.
TTO - Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời dinh tổng thống ở thủ đô Kabul khi các tay súng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, vì sao lại như vậy?
Xem thêm: mth.18711100161801202-yal-gnul-ib-ym-nit-yu-av-hna-hnih-od-pus-lubak/nv.ertiout