Hai bài đăng quảng cáo sản phẩm làm từ giun đất chữa được COVID-19 trên fanpage có hơn 2 triệu người theo dõi của Angela Phương Trinh - Ảnh chụp màn hình
Từ ngày 13-8 đến nay, fanpage Angela Phương Trinh có tích xanh (dấu xác nhận chính chủ của Facebook cung cấp cho các fanpage hoặc các tài khoản cá nhân sau khi đã xác minh) liên tục đăng tải các bài viết có nội dung giới thiệu về các sản phẩm làm từ "địa long" (giun đất) có “khả năng chữa bệnh thần kỳ”, giúp “giữ mạng sống cho mình và cho gia đình” trước COVID-19.
Tên của các loại sản phẩm được trang này giới thiệu gồm có hộp viên uống D., cốm D... Hầu hết các bài đăng đều ghi rõ địa chỉ có thể mua địa long tươi, khô, viên tại fanpage T.V.
“Địa long chính là sự hiệu quả cần thiết đó, còn ai bắt bẻ sao lại sử dụng một thứ chưa được cấp phép chính thức bởi Bộ Y tế thì họ hãy tiếp tục chờ đợi, và trong khi chờ đợi cứ tiếp tục đếm xác nữa.
Ai nói hồi xưa trong rừng khác bây giờ văn minh khác, phải có sự nghiên cứu, bào chế, thử nghiệm, công bố, giấy phép... thì cứ đợi cho đến khi có đủ những điều đó.
Còn ai cần phải gấp rút giữ mạng sống cho mình và cho gia đình mình thì không có thời gian để chờ đợi, phải chấp nhận thiên nhiên hoàn toàn”, fanpage của Angela Phương Trinh viết.
Một số sản phẩm làm từ giun đất do phía T.V. giới thiệu - Ảnh: NVCC
Sau khi những thông tin trên gặp phải sự phản ứng của cộng đồng mạng, ngày 15-8, fanpage Angela Phương Trinh tiếp tục đăng tải nội dung “Cơ sở khoa học để khẳng định địa long chữa được COVID-19”.
Kèm theo đó là kết luận: “Trong đại dịch COVID này, địa long không những hữu ích để phòng và điều trị các bệnh lý do COVID gây ra mà còn đồng thời giúp chữa luôn cả các bệnh nền đã có từ lâu của người nhiễm”.
Khi liên hệ với phía Angela Phương Trinh và xin thông tin của T.V. với lý do muốn mua sản phẩm dùng thử, chúng tôi nhận được thêm những dòng tin nhắn như “Chắc chắn sẽ khỏe em ạ”, “Rất nhiều người dương tính thành âm tính nhờ địa long”.
Trao đổi với phía T.V., chúng tôi gặp một nhân viên bán hàng tên Nga. Người này cho biết hiện tại, 1 hộp D. có thành phần bào chế từ địa long gồm 100 viên, có giá 200.000 đồng.
Tuy nhiên dù có nhu cầu mua số lượng lớn thì “hiện tại nhiều người dùng và giới thiệu cho người thân nên không đủ hàng và cũng đang hết hàng. Nhập về bao nhiêu là cháy hàng bấy nhiêu liền. Mọi người mua rất nhiều nhưng thực ra bên mình chỉ có thể chia sẻ mỗi người 2 gói hoặc 2 hộp thôi chứ không có nhiều”.
Khi được đề cập tới những bài đăng thông tin về các sản phẩm của T.V. trên fanpage Angela Phương Trinh, người này nói thêm:
“Nhiều người được người thân giới thiệu, dùng có hiệu quả rồi cứ lan truyền như vậy. Chị Trinh là người nổi tiếng mà, tụi em làm gì có quan hệ với chị Trinh. Tụi em không nhờ vả ai đăng hết. Chỉ là mọi người dùng thấy hiệu quả nên chia sẻ với lại nó đều có cơ sở...”.
Tìm hiểu thông tin, được biết các loại thuốc trên làm từ dược liệu, chủ yếu điều trị hạ men gan, hoạt huyết hoặc giảm đau xương khớp. Các loại thuốc này không liên quan đến việc điều trị COVID-19.
Chưa có bằng chứng khoa học về sử dụng giun đất điều trị COVID-19
Theo bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đến nay không có bằng chứng khoa học nào về tác dụng của địa long (giun đất) trong điều trị COVID-19, chúng tôi cũng không khuyến cáo bệnh nhân sử dụng.
Gần đây bệnh viện được nhà sản xuất tặng một số sản phẩm có chứa địa long, cùng các loại thực phẩm chức năng có tác dụng nâng cao thể trạng bệnh nhân, nhưng các bác sĩ không bao giờ được quyền khuyến cáo những sản phẩm chưa có bằng chứng khoa học.
Hơn nữa, đông y tác dụng không nhanh nên có trường hợp nhà sản xuất trộn tân dược vào đông y, hoặc người dùng nghe theo mách nước, sử dụng loại không rõ nguồn gốc, bị trộn tân dược..., kết quả bệnh không chữa khỏi lại dẫn đến suy gan hoặc nguy hiểm với sức khỏe.
Một chuyên gia về y học cổ truyền của Bộ Y tế cũng cho rằng giun đất có tác dụng hoạt huyết, không điều trị được cho COVID-19 nói chung.
"Chỉ trường hợp bệnh nhân COVID-19 có cục máu đông mới cần hoạt huyết, nhưng số ấy rất ít trong tổng số bệnh nhân COVID-19 và không phải ai cũng có cục máu đông để chữa trị. Chỉ nên sử dụng các thuốc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và theo từng giai đoạn của bệnh" - chuyên gia này cho biết.
Quảng cáo gian dối có thể bị xử lý hình sự
Hiện nay, lợi dụng dịch bệnh COVID-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã rất tinh vi khi cố tình nghĩ ra nhiều cách thức để lách luật để đưa ra những hình thức quảng cáo sản phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng rằng đó là thuốc trị COVID-19.
Một số hình thức phổ biến như: quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh (1); quảng cáo thuốc không đúng với công dụng được cấp phép (2); quảng cáo các sản phẩm khác không phải là thuốc chữa bệnh, như thuốc chữa bệnh (3)…
Từ đó, họ lợi dụng danh tính của các bác sĩ, nghệ sĩ thông qua hình thức đã trải nghiệm sử dụng hay lời tư vấn, khuyên dùng để đánh lừa người tiêu dùng. Trong mọi trường hợp nói trên thì việc lợi dụng dịch bệnh, cả người sản xuất, kinh doanh và người tiếp tay quảng cáo cho họ đều thiếu chuẩn mực đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật.
Hiện có nhiều quy định để xử phạt các hành vi này, cụ thể: với hành vi quảng cáo sai sự thật (3) thì người có hành vi sẽ bị xử phạt theo khoản 5 điều 51, nghị định 158/2013 với mức phạt từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng; với hành vi quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh (2) thì sẽ bị xử phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 5, điều 67 nghị định 117/2020; với hành vi quảng cáo thuốc không đúng với công dụng được cấp phép thì xử phạt theo điểm b, khoản 4, điều 51 nghị định 158/2013 với mức phạt 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Lưu ý, với tổ chức thì mức phạt gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự về hành vi quảng cáo gian dối, tuy nhiên để xử lý hình sự được thì tội danh này yêu cầu người vi phạm đã phải ít nhất một lần bị xử phạt hành chính về hành vi này.
HOÀNG ĐIỆP ghi
TTO - Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng 1 ca mắc COVID-19 ở quận Đống Đa, Hà Nội có 5.000 F1, đại diện lãnh đạo quận khẳng định đây là tin giả.