Bệnh viện Quân y 4 là một trong năm cơ sở y tế mà ông D. được gia đình đưa tới - Ảnh: ANH HỰU
Sở Y tế tỉnh Bình Dương được yêu cầu xem xét xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân có liên quan. Sau khi xác minh, tùy mức độ vi phạm có thể xử lý bằng hình thức như tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hành nghề, giấy phép hoạt động.
Trước đó, UBND thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã chủ trì cuộc làm việc với các cơ sở y tế liên quan. Đại diện các cơ sở y tế đã nhận thiếu sót, khuyết điểm trong việc để ông N.D. (57 tuổi, quê huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, ở trọ tại phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An) không được tiếp nhận điều trị, đã tử vong.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng cho biết đã yêu cầu thanh tra sở xác minh để có kết luận, xử lý. Đồng thời, sở cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế khác trong địa bàn tỉnh để đôn đốc, không để xảy ra các cơ sở y tế "đùn đẩy bệnh nhân".
Trước đó, vào lúc 20h ngày 13-8, ông D. bị nôn ói, gia đình gọi xe cấp cứu không được đã nhờ người quen lấy xe tải chở ông tới các cơ sở y tế. Tuy nhiên, sau một hồi đi lòng vòng, quá bất lực vì bị tới 5 cơ sở y tế từ chối điều trị, tới 1h sáng 14-8, người thân đưa ông D. trở lại phòng trọ và ông đã tử vong ba tiếng sau đó.
Tại cơ sở y tế đầu tiên là Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An thì cho rằng không nhận bệnh nhân khác do bệnh viện đang được sử dụng làm bệnh viện điều trị COVID-19.
Tại cơ sở y tế thứ hai là Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, test nhanh COVID-19 âm tính và biết bệnh nhân có tiền sử bệnh nặng (ông D. bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ), bác sĩ nói vượt quá khả năng của phòng khám nên nói gia đình đưa ông D. tới bệnh viện tuyến trên.
Tại cơ sở y tế thứ ba là Bệnh viện Quân y 4 thì cho rằng khi đó vừa cấp cứu xong cho một ca F0 diễn biến nặng, vừa chuyển viện lên tuyến trên, chưa khử khuẩn xong nên "sợ lây nhiễm COVID-19 cho bệnh nhân" và đã hướng dẫn người nhà đưa ông D. tới bệnh viện khác.
Tại cơ sở y tế thứ tư là Bệnh viện đa khoa An Phú, thì cho rằng bệnh nhân quá đông, trong đó cũng có cả bệnh nhân COVID-19 nên vị đại diện bệnh viện "không biết ông D. vào giờ nào".
Tại cơ sở y tế thứ năm là Phòng khám Nam Anh (cơ sở y tế cuối cùng mà gia đình đưa ông D. tới) thì xác nhận người nhà ông D. có chở bệnh nhân đến nhưng khi được bảo vệ trả lời bệnh nhân nặng thì phải đưa đi tới bệnh viện vì phòng khám không đủ khả năng.
TTO - Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm nhưng cũng phải có biện pháp hỗ trợ, động viên các nhân viên y tế đang bị quá tải, đó là ý kiến của người đứng đầu ngành y tế Bình Dương liên quan vụ người đàn ông tử vong vì không được tiếp nhận điều trị.