Bệnh viện TPHCM phải nhận người cấp cứu, không yêu cầu có xét nghiệm Covid-19
Minh Duy
(KTSG Online) - Hôm nay (16-8), Sở Y tế TPHCM vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu tất cả các bệnh viện trên địa bàn phải sẳn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu, bao gồm người không mắc Covid-19 và không được yêu cầu người bệnh xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 rồi mới tiếp nhận.
Người dân TPHCM đến một bệnh viện ở Thủ Đức. Sở Y tế thành phố vừa yêu cầu tất cả các bệnh viện phải tiếp nhận người cấp cứu. Ảnh: Lê Vũ |
Theo công văn hỏa tốc do ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM ký và gửi Trung tâm cấp cứu 115 thành phố, các bệnh viện công lập và ngoài công lập, bệnh viện thu dung và điều trị Covid-19 cùng trung tâm y tế thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, sở yêu cầu cổng cấp cứu các bệnh viện mở 24/7.
Bệnh viện bảo đảm trực cấp cứu theo đúng quy định của ngành. Trong đó, nhân viên trực cấp cứu luôn mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ trong suốt ca trực. Bệnh viện không yêu cầu người bệnh phải xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 (SARS-CoV-2) rồi mới tiếp nhận.
Những bệnh viện chuyển đổi công năng một phần theo mô hình bệnh viện tách đôi phải có buồng cấp cứu sàng lọc Covid-19. Trong trường hợp xác định là người mắc Covid-19, chuyển sang khu cách ly, điều trị Covid-19 của bệnh viện, nếu không thì chuyển sang khu điều trị còn lại.
Với những bệnh viện chuyển đổi công năng hoàn toàn thành bệnh viện điều trị Covid-19, nếu người bệnh tự đến hoặc do xe cấp cứu chuyển đến không phải là người mắc Covid-19 hoặc chưa xác định mắc Covid-19, bệnh viện phải bố trí một buồng cấp cứu sàng lọc riêng dành cho người thuộc nhóm này.
Buồng sàng lọc cấp cứu cần đảm bảo đầy đủ các loại thuốc cấp cứu, phương tiện và dụng cụ cấp cứu cơ bản. Sau khi cấp cứu, tùy tình hình người bệnh, bệnh viện liên hệ và chuyển người bệnh đến các bệnh viện có điều trị cho người không mắc Covid-19 .
Trong trường hợp người bệnh tự đến hoặc do xe cấp cứu chuyển đến và đã xác định là đã mắc Covid-19, bệnh viện phải tiếp nhận người bệnh.
Sau khi cấp cứu, nếu xác định trường hợp chuyển viện không đúng tuyến, bệnh viện có thể liên hệ chuyển người bệnh xuống các bệnh viện ở tầng dưới, khi cần có thể liên hệ với tổ điều phối chuyển viện của Sở Y tế TPHCM để được trợ giúp.
Các phòng khám đa khoa phải duy trì buồng khám và cấp cứu sàng lọc. Sau khi sơ cứu, phòng khám chuyển người bệnh đến các bệnh viện phù hợp.
Theo Sở Y tế TPHCM, công văn hỏa tốc trên đưa ra nhằm đảm bảo tất cả người bệnh cần cấp cứu đều được bệnh viện tiếp nhận. Ở địa phương khác, đã có tình trạng người không mắc Covid-19 bị từ chối cấp cứu vì chuyển đến các cơ sở y tế chuyển đổi công năng thành bệnh viện điều trị Covid-19.
Chiến lược điều trị Covid-19 tại TPHCM Thông tin về chiến lược điều trị Covid-19, trong buổi họp báo vào hôm nay (16-8) để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại TPHCM, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết việc điều trị bệnh nhân được chuyển đổi từ 5 tầng xuống 3 tầng như trước đây. Tầng 1 là nơi triển khai gói chăm sóc sức khỏe F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà và tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện, thành phố Thủ Đức, kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh. Tại TPHCM, có 18.120 F0 đang cách ly tại nhà và 153 cơ sở cách ly tập trung F0 tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Tầng 2 là nơi tiếp nhận, thu dung các F0 cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền tại các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị Covid -19 cùng bệnh viện chuyển đổi công năng... Thành phố hiện có 74 bệnh viện điều trị Covid-19 gồm 24 bệnh viện dã chiến, 41 bệnh viện đa khoa và 9 bệnh viện trung ương với tổng số 49.392 giường. Tầng 3 dành cho hồi sức chuyên sâu cho các F0 nặng, nguy kịch tại các bệnh viện tuyến cuối của TPHCM và Bộ Y tế tăng cường cho thành phố. Hiện có 8 bệnh viện hồi sức Covid-19 với tổng số 3.882 giường. |
Mời đọc thêm:
TPHCM cho tiệm bánh mì mở cửa, người giao hàng được đi liên quận từ 16-8
Cấp thuốc, thực phẩm và tư vấn cho F0 ở TPHCM điều trị tại nhà
Doanh nghiệp có ca nhiễm Covid-19 phải xét nghiệm 50% người lao động/tuần