Điều tưởng chừng khó tin ấy đang diễn ra giữa Thủ đô và được chúng tôi ghi nhận tại một dự án xây dựng trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông) và khu trọ ổ chuột gần chợ Đồng Xa, quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Bà Táo hái lá cây xuyến chi để ăn. Thực hiện: Việt Hùng.
Vừa đảo nồi lá cây xuyến chi (rau cứt lợn) xào trong chiếc nồi cơm điện cũ đen ngòm vì hoen gỉ, bà Táo (60 tuổi, bảo vệ ở dự án xây dựng trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội) vừa tha thiết mời phóng viên nếm thử. Mùi rau dại xộc thẳng vào mũi, hăng như tưới thêm xăng. Nhóm chúng tôi ai nấy đều nhăn mặt, miếng rau nghẹn bứ ở cổ họng. Không ai nói được gì khi biết đó là món chay duy nhất bà Táo dùng đưa cơm trong ngày Hà Nội đang giãn cách xã hội.
Bà Táo nói, bà đã ăn như vậy từ cách đây gần một tuần.
“Tôi khám phá ra đấy. Không ngờ ngon đáo để!”.
Món "đặc sản" của bà Táo được chế biến theo công thức luộc sơ, vớt ra rồi xào tỏi. Dù đã nêm nếm đủ loại gia vị, được bà Táo không ngớt khen là "cực phẩm", nhưng chính chồng bà - ông Ca (70 tuổi) - cũng không thể nuốt trôi.
Sáng nay, bà Táo phải đặc biệt nấu riêng một bát canh cho chồng. Nhưng ngay cả cái được coi là món đặc biệt ấy cũng thật sơ sài đến thảm hại: Chỉ là bát canh chua lòm, mặn chát và lõng bõng vài cọng dưa cải muối.
Món đặc sản của bà Táo trong ngày Hà Nội giãn cách xã hội là lá cây xuyến chi xào tỏi.
Từ đầu hôm giãn cách tới giờ (24/7 đến 11/8), có 2 lần con dâu bà Táo “tiếp tế” thịt gà. Đó cũng là hai bữa cơm có thịt duy nhất của cặp vợ chồng già. Thi thoảng, hàng xóm kế bên khu xây dựng thương hại, đem cho ông bà vài quả mướp hoặc bó rau. Có lúc đi hái rau dại ở công trường, bà Táo lượm được ít rau muống, rau lang mọc hoang… Những hôm ấy, bữa cơm đổi vị. Bà Táo nói, đó là lúc hiếm hoi, ông Ca thấy ngon miệng.
“Nhiều hôm, vợ chồng tôi mỗi người gói mì tôm cũng qua bữa. Đói quá thì đi ngủ thật sớm để mà quên cái đói. Dù sao cũng không phải làm gì, ngủ trừ bữa cũng được”.
Không chỉ có bà Táo hái rau dại, cách túp lều của vợ chồng bà chừng vài chục mét, một nhóm công nhân (4 nam, 1 nữ) cũng thường xuyên hái lá cây xuyến chi về ăn. Họ sống bên trong khu biệt thự đang xây dở, xung quanh được quây kín lại bằng tôn. Tất cả đều là công nhân quê Ba Vì bị kẹt lại vì dịch bệnh.
Anh Hà (30 tuổi, chủ cai của nhóm công nhân) chỉ tay vào mấy quả đu đủ non choẹt, chảy đầy nhựa vứt lăn lóc trên nền đất, nói: “Tối qua ngán rau cứt lợn quá, nhân lúc mưa gió, mấy anh em rủ nhau vặt trộm của nhà dân ở kế bên khu xây dựng đấy (cười)”.
Chị Hiền (người phụ nữ duy nhất trong nhóm là vợ anh Hà) khoe với chúng tôi, cả nhóm vẫn còn đủ gạo ăn, chỉ thiếu tiền để đi chợ. Ở góc bếp chỗ chị đứng, ngay cả những gói mì tôm cuối cùng cũng đã hết. Chiếc túi đựng mì chỉ còn lại toàn xác vỏ. Chị Hiền nói, đến mì tôm bây giờ cũng trở thành món xa xỉ.
Sống trong “rừng” biệt thự đang thành hình nhưng điều kiện ăn ở của những người như bà Táo, hay vợ chồng anh Hà lại vô cùng tồi tệ.
Túp lều của vợ chồng bà Táo được chủ thầu dựng lên bằng tôn. Diện tích của nó chỉ vừa đủ kê một tấm phản, chiếc bàn nhỏ và chứa cái thùng xốp đựng đá lạnh. Quần áo, túi nilon được vắt lên khắp nơi. Rác thải ngập ngụa phía trước và sau nơi ở, khiến căn chòi bảo vệ này nhếch nhác hơn cả cái ổ chuột.
Mặc dù có nhà ở La Dương, gần ngay công trường, nhưng vợ chồng bà vẫn mắc kẹt tại đây. “Chủ thầu xây cái chòi này để vợ chồng tôi ở lại, trông coi công trường cả ngày lẫn đêm. Giờ bỏ đi, mất mát gì, chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Những ngôi nhà xây dang dở trở thành nơi ở của công nhân bị mắc kẹt vì dịch bệnh. Mỗi chiếc giường có tới 5-7 người cùng ngủ chung, quần áo vắt la liệt khắp nơi.
Dù điều kiện sống tạm bợ, nhà ở thì chật chội như cái hòm, nóng đến mức muốn rang người, nhưng vợ chồng bà Táo vẫn không cảm thấy khổ. Nếu không có dịch bệnh, họ vẫn sẽ yên tâm sống và làm việc tại đó, hưởng mức lương 4,5 triệu đồng/ tháng/ người.
Chỉ tới khi thành phố ban hành chỉ thị 16, tiền lương tháng bị gián đoạn, vợ chồng bà Táo mới thấm khổ. Cầm cự tới lúc trong ví chỉ còn vỏn vẹn chưa đến 1 triệu đồng, bà Táo hoảng sợ, phải tìm hái rau dại để ăn cho qua bữa.
“Tôi dè xẻn vậy vì không biết, liệu thành phố còn giãn cách thêm nữa không. Với lại chúng tôi già rồi, lỡ đi viện cũng cần có chút tiền”.
Bà Táo nói, số tiền lương hàng tháng, hai ông bà chỉ đủ chi tiêu. Cả hai không có đồng nào tích lũy từ trước. Trong khi đó, lương từ tháng 6, bà vẫn còn chưa nhận được. Khi được hỏi vì sao hai ông bà không nhờ cậy sự giúp đỡ từ con cái, bà Táo nói con dâu bà làm công nhân may, đang thất nghiệp vì Covid-19. Con trai bà vay mượn để mở quán karaoke nhưng kinh doanh thất bát, ôm cục nợ lớn lên tới vài trăm triệu đồng.
“Tôi không muốn phiền con cái, nên mới phải chui rúc chỗ này để đi làm kiếm tiền chứ. Bình thường không có dịch, tôi còn phải cho con trai tiền ấy. Hôm nọ nó cũng lên đây xin tôi tiền, nhưng dịch dã thế này tôi đành chịu”.
Cả ngày bà Táo chỉ quanh quẩn ở công trường, không dám đi đâu kể cả đi chợ mua thực phẩm. Bà bảo mình già rồi, rất sợ nhiễm Covid-19. Hơn nữa, bà Táo là người ở La Dương, phải đi chợ ở đó, không được cấp phiếu để đi chợ gần đây. “Mà La Dương có vài ca F0 rồi nên tôi sợ lắm, có cho tiền tôi cũng không dám về đâu”.
Thê thảm hơn cả cặp vợ chồng già, anh Hà (người đứng mũi chịu sào cho nhóm công nhân) chỉ còn sót lại tờ 1.000đ cuối cùng. Để lo cho anh em, từ cuối tháng 7 đến giờ, anh đã mượn nợ từ người quen, bạn bè ngót nghét hơn chục triệu.
“Hết dịch rồi, vợ chồng tôi phải tích góp cật lực trong 2 tháng mới trả hết”.
Những ngày giãn cách tiếp theo, nếu không vay được tiền, anh Hà dự tính sẽ đem cắm nốt cái điện thoại để đổi lấy 4-5 ngày ăn. “Yên tâm, dù phải bán cả cái quần đùi, tôi cũng sẽ không để anh em công nhân đi theo mình bị đói đâu”, anh Hà cười.
Nghe anh Hà nói vậy, 3 người đàn ông còn lại mặt buồn so. Mấy ngày nay, họ đã cạn sạch tiền trong sim điện thoại. Trước đó, chiếc smartphone rẻ tiền là cứu cánh duy nhất giúp họ kết nối với thế giới internet. Nhưng ngay cả cánh cửa giao tiếp bằng 3G ấy cũng đóng sập vì hết tiền. Mỗi ngày, họ chỉ dám gọi về hỏi thăm vợ con một lần duy nhất bằng điện thoại mượn của anh Hà. Nếu ngay cả chủ cai cũng phải cắm điện thoại, 3 người còn lại không biết phải sống sao.
Chiếc ví của anh Hà (bên phải) chỉ còn 1.000 đồng cuối cùng, trong khi đó, 3 thanh niên quê Thanh Hóa đã không còn 1 nghìn lẻ trong ví.
Cách chỗ “ngụ cư” của bà Táo và nhóm anh Hà hơn chục km, cảnh sống của ba thanh niên đang thuê trọ tại khu ổ chuột gần chợ Đồng Xa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng khổ sở y chang.
Ba người quê Thanh Hóa lên Hà Nội làm điện nước ở chung phòng. Dịch bùng lên, chiếc ví của cả ba thậm chí đã không còn 1 nghìn lẻ.
“2 tháng nay, 3 anh em phải nợ tiền trọ, tiền điện, nước của cô chủ. Đã vậy còn phải ký sổ nợ cô thêm 5 triệu đồng tiền ăn nữa”, Vũ (một trong 3 công nhân đang mắc kẹt tại phòng trọ) chia sẻ. “Điện thoại của 3 đứa cũng hết sạch tiền rồi, may mà hack được mật khẩu wifi của hàng xóm để xài chùa, nếu không thì sẽ bị mù tịt hết thông tin”.
Chị Thủy (chủ một quán cơm chuyên phục vụ công nhân xây dựng ở Dương Nội) đang gồng gánh nuôi cơm ba nhóm thợ xây gần 40 người. Tất cả đều là những người chuyên ăn cơm ký nợ ở quán chị. Từ trước dịch, chủ cai mỗi nhóm đã nợ chị hơn 10 triệu đồng.
“Nếu bây giờ không nuôi nữa, họ cũng bỏ đi và tôi không đòi được nợ. Mà không nuôi cũng không được. Chẳng lẽ mình nhẫn tâm nhìn họ phải chết đói”.
Chỉ thị 16 bao gồm lệnh cấm tất cả quán ăn hoạt động dưới mọi hình thức. Chị Thủy rất sợ việc mình nấu cơm, lén nuôi công nhân nghèo là vi phạm quy định, nên một mực không dám báo cáo với chính quyền. Nhóm công nhân gần 40 người, không ai dám hé cửa ra ngoài vì sợ nhiễm bệnh. Họ là trụ cột lao động của gia đình. Nếu chẳng may có mệnh hệ gì, cả gia đình nghèo sẽ không biết trông cậy vào đâu.
Gần một tháng cáng đáng cho gần 40 người, sức lực tài chính của chị Thủy đã cạn kiệt. Thay vì cung cấp đủ ngày 2 bữa cơm, chị chỉ phục vụ được một bữa duy nhất. Mỗi suất cơm giá 25.000 đồng được chị sắp đầy thịt, cá, rau, củ… vì sợ mọi người đói. Với giá bán đó, chị Thủy nói mình không có lãi.
“Tụi em thương chị Thủy lắm. Với lại nợ chị nhiều rồi giờ không dám ăn nhiều nữa. Mỗi ngày, nhóm 8 người tụi em chỉ ăn 4 suất cơm. Mà cũng chỉ có một bữa ấy thôi, bữa còn lại úp mì tôm ăn tạm”, một công nhân tới chỗ chị Thủy nhận cơm chia sẻ.
Nhìn bề ngoài, chị Thủy không giống người đang khó khăn. Bởi nếu không có dịch bệnh, quán của chị khá đông khách. Nhưng sự thật là từ đầu năm 2020 đến nay, chị đã vay nợ hơn trăm triệu đồng. Nhiều khoản nợ còn là vay nặng lãi, cứ 8 triệu tính thành 10 triệu đồng. Từ khi thành phố tăng thêm thời gian giãn cách, chưa đêm nào chị Thủy ngủ yên giấc vì rất sợ lệnh giãn cách sẽ còn kéo dài thêm.
“Bây giờ nhìn tôi đeo vàng vậy thôi nhưng thực sự trong người không còn tiền. Nói thật là chỉ còn đúng hơn 1 triệu để lo cho gần 40 con người. Tôi xem clip trên mạng, thấy người nghèo được tặng gạo mà tự thương mình. Thực ra tôi còn khổ hơn họ! Vì người ta thấy tôi ở nhà cao cửa rộng thật đấy, nhưng họ đâu biết cái khổ mình phải chịu”.
Khi chúng tôi hỏi, tại sao gần 40 công nhân đang sống nhờ vào chị Thủy không trực tiếp liên hệ với lãnh đạo phường Dương Nội để xin sự giúp đỡ, họ cho biết rất sợ bị chính quyền phạt hoặc đưa đi cách ly tập trung.
Lý do bởi nhiều công nhân ở đây không mang theo giấy tờ tùy thân và không có đăng ký tạm trú. Nếu chẳng may không chứng minh được là lao động bị mắc kẹt, họ sẽ gây phiền phức cho chính mình và cho cả chị Thủy – người đang giúp đỡ họ.
Mặc dù các phương tiện truyền thông đại chúng đều phát đi thông báo thành phố đang có chính sách hỗ trợ cho lao động tự do, nhưng vì nỗi sợ hãi, không ai dám nhờ đến sự can thiệp của chính quyền.
Chịu đựng cuộc sống tạm bợ, khó khăn mọi mặt, nhưng nhiều người lao động lại không dám nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương.
Không sợ hãi giống như nhóm này, nhưng nhóm công nhân của anh Hà cũng chưa tiếp cận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Phần vì không nắm bắt được thông tin do hết tiền vào mạng, phần vì họ quá sợ dịch bệnh nên đã tự đóng cửa khu xây dựng mình đang sống. Nơi họ ở, giờ đây trở thành chỗ biệt lập với thế giới bên ngoài. Nếu không cất công lục tìm, chính quyền địa phương có lẽ cũng khó biết bên trong dãy nhà xây dở được quây kín mít ấy lại đang có người sinh sống.
Ở trong một khu xây dựng khác cũng thuộc phường Dương Nội, nhóm công nhân gần 20 người do anh Nguyễn Văn Tỉnh (30 tuổi, Ninh Bình) làm chủ cai cho biết đã được chính quyền phường đến thu thập thông tin. Tuy nhiên, từ hôm đó cho tới lúc phóng viên đến ghi nhận, nhóm của anh Tỉnh vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
Riêng ba thanh niên trọ tại khu ổ chuột gần chợ Đồng Xa cho biết, chiều 11/8, họ đã nhận được quà cứu trợ từ Công an phường Mai Dịch. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu đợt dịch, họ nhận được quà từ thiện. Tuy nhiên, suất quà 5kg gạo cho 3 người đàn ông không thấm vào đâu trong bối cảnh chiếc ví của họ đã cạn tiền.
Trả lời về phản ánh của những lao động nghèo ở phường Mai Dịch, Trung tá Nguyễn Thế Hiếu (Phó trưởng Công an phường Mai Dịch) cho biết: "Riêng trong chiều 11/8, phường đã trao tặng khoảng 1.000 suất quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có các hoàn cảnh ở khu trọ gần chợ Đồng Xa.
Suất quà nhỏ nhất cũng bao gồm có đầy đủ đồ thiết yếu như: 5kg gạo, dầu ăn, 0,5kg lạc, nước mắm…".
Ông Hiếu cho biết, việc tặng quà này không dựa theo số lượng người trong một phòng thuê trọ, mà dựa theo danh sách và số liệu phường nắm được. Mỗi suất quà là để dành tặng cho một cá nhân. Vì vậy, việc người dân phản ánh chuyện phát 5kg gạo cho 3 người cùng thuê trọ là do họ chưa nắm rõ thông tin.
"Việc phát quà mới được triển khai từ trước hôm 11/8 khoảng 5-6 ngày. Trong phường vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, nên chúng tôi đang tích cực triển khai. Ngay trong chiều nay (12/8), chúng tôi cũng chuẩn bị được 200 suất quà và sẽ đi phát cho người dân, cũng như tiếp tục triển khai công tác giúp đỡ, hỗ trợ cho lao động gặp khó khăn", ông Hiếu thông tin thêm.
Số liệu thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 12/8, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gần 144 tỷ đồng. Trong số này, nhóm lao động tự do là 5.100 người với trên 7,7 tỷ đồng. Theo hướng dẫn của TP Hà Nội, để nhận được hỗ trợ, những người thuộc nhóm lao động tự do phải làm đơn theo mẫu, xuất trình thẻ căn cước công dân. Nếu là lao động tạm trú phải có thêm xác nhận tình trạng cư trú và xác nhận nơi đăng ký thường trú. Giấy tờ nộp lên phường và chờ các cấp xét duyệt trong 8 ngày.
Trương Thu Hường-Việt Hồng-Trang Đình
Tổ Quốc