Doanh nghiệp sẽ tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo kế hoạch số 2715 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 vừa được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký ban hành, UBND TP yêu cầu duy trì, ổn định sản xuất an toàn theo các phương án phù hợp.
5 - 10% DN sản xuất lại
Theo văn bản của UBND TP, sẽ nâng tỉ lệ khoảng 5% đến 10% DN tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch, đồng thời tập trung chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân từ nay đến hết tháng 9; bảo đảm chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa thực phẩm cho hơn 10 triệu dân với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.
Để thực hiện mục tiêu đó, TP tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn theo 1 trong 4 phương án:
1. Tiếp tục thực hiện phương thức "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án "3 tại chỗ theo kíp" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất).
2. Tiếp tục thực hiện phương thức "1 cung đường, 2 địa điểm" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm mở rộng" (DN tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung).
3. Tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm: người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh ("người lao động xanh" được đi lại bằng xe cá nhân giữa "nơi làm việc xanh", "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh"; không dừng đỗ dọc đường, không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, rất cao) và trong các khung giờ phù hợp.
Phương án 4 là kết hợp các phương thức nêu tại các phương án trên.
Theo UBND TP, các DN đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch theo quy định mới sẽ đăng ký với các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức theo quy định để được cho phép hoạt động theo các phương án trên từ sau ngày 15-8.
DN sản xuất được gỡ khó
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phần lớn DN sản xuất trong các khu công nghiệp cho hay 4 phương án của TP đã tháo gỡ điểm nghẽn của DN hiện nay là duy trì "3 tại chỗ" quá lâu, do đó DN sẽ thay đổi mô hình tùy vào điều kiện của từng DN.
Trong đó, nhiều DN sẽ chọn phương án "4 xanh" để cho công nhân được đi và về giữa nhà máy và nơi cư trú, giảm áp lực tâm lý cho người lao động cũng như giảm chi phí cho DN.
Tuy nhiên, vấn đề mà các DN đặt ra là đến chiều 16-8 vẫn chưa có hướng dẫn từ Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) để DN thay đổi mô hình.
Đại diện một DN đang áp dụng "3 tại chỗ" cho hay khi HEPZA chưa có hướng dẫn thì DN vẫn phải tiếp tục duy trì mô hình cũ, trong khi tâm lý công nhân rất mong ngóng để được về nhà.
Ngoài ra, mô hình "4 xanh" cũng cần làm rõ DN được khôi phục bao nhiêu phần trăm nhân sự, hiện với những công nhân ở "vùng đỏ" thì DN vẫn phải áp dụng "3 tại chỗ" hoặc cho nghỉ tạm thời để phòng dịch.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - tổng giám đốc Công ty Bidrico - cho biết DN này sẽ áp dụng linh hoạt các phương án của TP đưa ra để phù hợp với đặc thù của công ty, trong đó sẽ có bộ phận "3 tại chỗ" nhưng cũng có những bộ phận thực hiện "4 xanh".
DN sẽ cho công nhân nghỉ phép luân phiên từ 7 - 10 ngày/tháng, trước khi ra về và vào lại nhà xưởng công nhân sẽ được xét nghiệm và cách ly.
Để giảm tối đa chi phí, ông Hiến cho hay thay vì thuê bệnh viện đến xét nghiệm công nhân, DN đã tự mua bộ kit xét nghiệm, sau đó hợp đồng với y tế địa phương đến lấy mẫu, chi phí giảm rất lớn, tiến tới sẽ luân phiên giữa DN tự lấy mẫu và lực lượng y tế đến lấy mẫu.
TTO - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế để có phương án phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả sản xuất và chống dịch cao nhất.
Xem thêm: mth.42871428071801202-ial-ort-taux-nas-ed-na-gnouhp-4/nv.ertiout