Trong bối cảnh Taliban đã chính thức nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul, hãng tin Al Jazeera nhận định chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với bốn câu hỏi lớn.
Số phận những người Afghanistan từng làm việc cho quân đội hoặc các tổ chức khác của Mỹ?
Vào tháng 7, ông Biden nói khả năng Taliban chiếm đoạt mọi thứ và làm chủ toàn bộ đất nước ngay sau khi Mỹ rút quân là "rất khó xảy ra". Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn trong hai ngày qua đã cho thấy một thực tế hoàn toàn trái ngược với nhận định của ông.
Tình trạng hỗn loạn tại sân bay Kabul ngày 15-8 đã khiến Mỹ cùng ột số chính phủ phương Tây vấp phải nhiều chỉ trích vì đã không có giải pháp hợp lý để sơ tán người dân sau khi rút quân.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: THE WHITE HOUSE
Trong khi Mỹ cố gắng sơ tán công dân của mình, số phận của hàng nghìn người Afghanistan đã nộp đơn xin thị thực đặc biệt ở Mỹ vẫn còn mơ hồ. Một số người cho biết họ đang cân nhắc tiêu hủy các giấy tờ này để tự bảo vệ mình trước Taliban.
Vào cuối tháng 7, Washington thông báo người đầu tiên trong số 2.500 người Afghanistan được chấp thuận đã cùng với gia đình đến Mỹ. Kể từ đó, Mỹ đã nhận khoảng 20.000 đơn xin thị thực đặc biệt từ người dân nước này.
Trong bối cảnh đó, Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật với một số chính phủ và thuyết phục các nước cho phép những người này được tị nạn tạm thời trong thời gian chờ Mỹ hoàn tất xác nhận thông tin và cấp thị thực cho họ, theo hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, một kế hoạch như vậy vẫn còn bấp bênh khi các lực lượng Mỹ phải vật lộn để duy trì trật tự tại sân bay Kabul - nơi các chuyến bay thương mại đã bị đình chỉ. Mỹ đã hủy bỏ một số kế hoạch sơ tán người tị nạn ngày 15-8.
Liệu Mỹ có công nhận chính phủ do Taliban lãnh đạo?
Ngày 15-8, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ chỉ công nhận và làm việc với một chính phủ Afghanistan có thể duy trì các quyền cơ bản của người dân và không chứa chấp những kẻ khủng bố.
Phát biểu trên kênh CNN, ông cho biết Mỹ sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các thành viên Taliban trừ khi họ tôn trọng nhân quyền và kêu gọi cộng đồng quốc tế "làm mọi thứ có thể bằng mọi công cụ sẵn có - kinh tế, ngoại giao, chính trị - để đảm bảo những quyền đó được duy trì".
An ninh quốc gia Mỹ có bị đe dọa?
Tốc độ phát triển của Taliban đã đặt ra những câu hỏi mới về các nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Trong một cuộc họp ngắn với các thượng nghị sĩ ngày 15-8, Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cho biết các quan chức sẽ thay đổi các đánh giá trước đây về tốc độ tái thiết của các băng nhóm ở Afghanistan, theo hãng tin AP.
Cuộc họp giao ban diễn ra ngay sau khi Taliban chiếm giữ căn cứ không quân Bagram và giải thoát cho hàng nghìn tù nhân, bao gồm cả các thành viên cấp cao của nhóm khủng bố al-Qaeda.
Trong một phiên điều trần hồi tháng 6 của Ủy ban Thượng viện, ông Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin ước tính sẽ mất khoảng hai năm để một nhóm như al-Qaeda hoặc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) có thể tái thiết ở Afghanistan và gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ.
Thất bại của tình báo Mỹ?
Vào tháng 6, tờ The Wall Street Journal đưa tin các quan chức tình báo Mỹ đã dự đoán chính phủ Afghanistan có thể thất thủ trong vòng sáu tháng đến một năm sau khi Mỹ rút quân.
Đến ngày 10-8, khi Taliban bắt đầu chiếm các thủ phủ quan trọng ở Afghanistan, các quan chức nói với tờ The Washington Post rằng chính quyền Kabul có thể sụp đổ trong vòng 90 ngày, hoặc nhanh nhất là một tháng.
Tuy nhiên, Taliban chỉ mất thêm năm ngày để tiến vào Kabul, khiến Tổng thống Ashraf Ghani và các quan chức cấp cao Afghanistan bỏ trốn khỏi đất nước.
Theo ông William Maley - một nhà phân tích tình hình Afghanistan và giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Úc, bước tiến nhanh chóng của Taliban đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ trong lĩnh vực đối ngoại.