TTCK đầu tiên ra đời ở đâu?
Thị trường chứng khoán đầu tiên ra đời vào ngày 1/8/1611 tại Amsterdam. Đó là một hành lang đá bao quanh một khoảnh sân hình chữ nhật rộng lớn nơi hàng hóa được giao dịch. Mỗi loại hàng được phân chia vào các khu vực được quy định riêng. Các giao dịch mua bán chứng khoán diễn ra tại một trong các cột trụ phía sau khu vực giao dịch.
Thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới ra đời ở Amsterdam. Cổ phiếu giao dịch ở phía sau của sân trong. Nguồn: Wikimedia Commons
Ý tưởng mua bán cổ phiếu mới mẻ này đã nhanh chóng được nhân rộng trên khắp thế giới và London đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị thế trung tâm tài chính lớn nhất thế giới từ tay Amsterdam. Vào ngày 8/3/1817, người Mỹ mở cửa Thị trường Chứng khoán New York (NYSE).
Sau đó là tới khu vực châu Á. Thị trường chứng khoán đầu tiên trong khu vực ra đời tại Mumbai vào năm 1875. Nhiều năm trước đó, nhân viên môi giới chứng khoán Ấn Độ thường gặp khách dưới bóng cây đa lớn phía trước tòa thị chính và sau này là giao lộ phố Meadows. Tuy nhiên, do số người tham gia môi giới tăng lên cộng thêm trên phố có quá nhiều thương nhân cáu bẳn, họ phải dời về phố Dalal hay còn gọi là Phố Môi Giới (Broker Street), cái tên gắn chặt với thị trường tài chính Ấn Độ (giống như Wall Street ở Mỹ).
Bên dưới là hình ảnh vòng xoay Elphinstone vào năm 1879, nơi người dân tụ tập dưới bóng cây để giao dịch cổ phiếu, vài năm trước khi thị trường chứng khoán đầu tiên của châu Á ra đời ở Mumbai. Sau ngày độc lập, địa danh được đổi tên thành Vòng xoay Horniman. Trong hình có thể thấy đài phun nước nằm chính giữa với xung quanh là vườn tược, phía xa bên trái là cây đa cổ thụ.
Nguồn: Wikimedia Commons
Những sáng tạo của người Nhật
Vài năm sau, phía bên kia của châu lục, tại Tokyo, các nhân viên môi giới chứng khoán Nhật Bản, vốn dễ nhận diện trên phố nhờ trang phục kimono đặc biệt, đã tập hợp lại để thống nhất kế hoạch chi tiết khai trương một thị trường chứng khoán. Đó chính là Thị trường Chứng khoán Tokyo, ra đời vào ngày 15/5/1878. Nhiều thành phố khác ở Nhật Bản đã học theo và mở cửa thị trường chứng khoán của riêng họ, ví dụ như thị trường chứng khoán Osaka.
Nhiều năm sau, mãi đến tận năm 1943, ngay giữa thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ 2, các thị trường này mới được hợp nhất thành Thị trường Chứng khoán Nhật Bản. Thị trường này không tồn tại lâu vì phải đóng cửa ngay khi chiến tranh khép lại và chỉ mở cửa lại vài năm sau đó, cụ thể là năm 1949 với tên gọi là Thị trường Chứng khoán Tokyo. Và đó cũng là tên gọi tồn tại đến tận ngày nay.
Người Nhật vốn rất giỏi sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. Từ năm 1730, hoạt động mua bán gạo bắt đầu mở ra nhiều hướng đi mới và tất cả đều quy tụ về các thị trường chứng khoán. Cũng năm đó, Tướng quân Tokugawa Yoshimune đã cho phép giao dịch tương lai trong hoạt động mua bán gạo tại Thị trường Giao dịch DoJima ở Osaka, thị trường giao dịch tương lai có tổ chức đầu tiên trên thế giới, ý tưởng mua và bán tương lai sau đó được nhân rộng tại các thị trường chứng khoán. Ngày nay, giao dịch tương lai là một mảng kinh doanh rất lớn.
Người Nhật cũng đã phát minh ra biểu đồ cây nến - công cụ phân tích kỹ thuật ngày nay được các giao dịch viên chứng khoán sử dụng rộng rãi. Một giao dịch viên mua bán gạo, Munehisa Homma, đã dùng những biểu đồ nhiều màu sắc này để theo dõi biến động giá gạo, rất lâu sau này, nhiều giao dịch viên chứng khoán đã học và làm theo cách đó.
Một sáng tạo của người Nhật: biểu đồ hình nến. Nguồn: Wikimedia Commons
Người Nhật cũng đi đầu trong việc tạo ra một chỉ số thị trường chứng khoán. Nhằm theo dõi biến động của thị trường, báo Nihon Keizai Shimbun (The Nikkei) phát hành chỉ số Nikkei 225 từ những năm 1950, chỉ số đầu tiên tại châu Á. The Topix, một chỉ số phổ biến không kém ở Nhật, mãi sau này mới được sử dụng, chính thức từ năm 1969. Đó cũng là thời điểm Ngân hàng Hang Seng ở Hong Kong bắt đầu phát hành chỉ số để theo dõi biến động thị trường Hong Kong, sau này được biết đến với tên gọi rất phổ biến là Hang Seng Index.
Các thành phố khác trong khu vực cũng sớm gia nhập câu lạc bộ thị trường chứng khoán. Thị trường Jakarta, thời đó còn được gọi là Batavia, ra đời vào năm 1912. Người Philippines cũng theo gót vài thập kỷ sau đó với hai thị trường chứng khoán, một ở Manila ra đời năm 1927 và một ở gần Makati ra đời muộn hơn vào năm 1963. Người ta giao dịch cùng loại chứng khoán ở hai địa điểm khác nhau, vì vậy, hai thị trường cuối cùng đã sáp nhập thành một vào năm 1992 và đổi tên thành Thị trường Chứng khoán Philippines.
Sau khi cuộc chiến Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, Hàn Quốc thành lập Thị trường Chứng khoán Hàn Quốc (KSE) và tới năm 1997, sàn giao dịch thứ hai, tên là KOSDAQ, ra đời nhằm thu hút các công ty công nghệ mới và doanh nghiệp trẻ. Thực tế cho thấy thị trường này gặt hái thành công rất lớn.
Sàn giao dịch đầu tiên của người Thái ra đời vào tháng 7/1962 tại Bangkok. Ban đầu, không nhiều người quan tâm nên thị trường cũng dần dần bị khai tử. Tuy nhiên, người Thái vẫn muốn thử lại lần nữa nên vào năm 1975, Thị trường Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) mở cửa giao dịch, và lần này họ đã thành công hơn. Hai năm sau tới lượt Singapore mở cửa thị trường chứng khoán.
Phần lớn các sàn giao dịch chứng khoán mới mở ở châu Á này đều rất ồn ào náo nhiệt, đây là các thị trường mở với các môi giới nhận lệnh từ khách hàng qua các mẩu giấy và nhập lệnh bằng miệng cho người nắm giữ chứng khoán. Khi sàn giao dịch trở nên quá ồn, người ta dùng tay để ra dấu và để phân biệt các nhân viên môi giới trong đám đông người ta dùng áo khoác với màu sắc riêng biệt. Ví dụ, giao dịch viên cho HSBC mặc áo khoác sọc đỏ trắng. Về sau, vào những năm 1990, hình thức môi giới này không còn nữa vì được thay thế bởi hệ thống giao dịch qua máy tính với tốc độ nhanh hơn rất nhiều.
Lịch sử phức tạp của TTCK Trung Quốc
Chiến tranh Nha phiến và Hiệp ước Nam Kinh năm 1842 cho phép người Anh và các quốc gia khác đặt chân vào Trung Quốc. Ở Thượng Hải, tại một vùng được gọi là khu vực Thanh toán Quốc tế, và Quảng Châu (trước đây gọi là Tông Can), thương gia ngoại quốc đến giao dịch cao su, than và các mặt hàng khác theo luật của riêng họ. Chứng khoán cũng rất phổ biến và đến tháng 6/1866, một danh mục các cổ phiếu được công bố trên tường.
Hoạt động mua bán tại văn phòng Hải Quan ở Thượng Hải vào năm 1886, thời điểm danh mục cổ phiếu đầu tiên được công khai chào bán trên một bức tường gần đó.
Nguồn: Tòa nhà Hải quan Thượng hải năm 1886, "Thế giới: lịch sử và thực tiễn", Gilbert Frank
Về sau, việc mua bán cổ phiếu phải được thực hiện thông qua môi giới chứng khoán được chỉ định từ trước nhằm đảm bảo không ai được phép bán những mẩu giấy vô giá trị, và vào năm 1891, Hiệp hội Môi giới Chứng khoán Thượng Hải họp mặt lần đầu để thiết lập một thị trường chứng khoán đúng nghĩa. Sự ra đời của Sàn giao dịch Chứng khoán Thượng Hải cũng trùng với thời điểm Sàn giao dịch Chứng khoán Hong Kong đi vào hoạt động.
Ban đầu, chỉ có một vài nhà băng, công ty vận tải, đường thủy và vận hành cảng lên sàn này ở Thượng Hải. Thị trường khá nhỏ, tổng giá trị vốn hóa thị trường chỉ khoảng 23 triệu USD vào năm 1871, bởi vì những công ty lớn cần vốn như đường sắt thường phát hành cổ phần ở London. Thị trường Thượng Hải chủ yếu dành cho các đồn điền cao su và tới mùa thu năm 1910 có tới 47 công ty cao su niêm yết. Cao su vẫn là ngành thống lĩnh thị trường này cho đến những năm 1940.
Giao dịch tại sàn chứng khoán Thượng Hải đã giảm một nửa vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới Thứ 2, sau khi chiến tranh kết thúc, thị trường mở lại một thời gian ngắn rồi lại đóng cửa vào năm 1949. Lần đóng cửa này kéo dài vài thập kỷ sau đó mới mở cửa trở lại.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán ở Hong Kong ra đời cùng thời điểm với thị trường Thượng Hải, vào năm 1891, vẫn duy trì vị thế một nơi giao dịch cổ phiếu năng động. Đến năm 1969, khi Chỉ số Hang Seng được đăng tải hàng ngày trên các tờ nhật báo, thị trường này vươn mình ra biển lớn trở thành một thị trường chứng khoán chính yếu vào những năm 1980 với các công ty bất động sản sản lớn và hãng hàng không lớn nhất thị trường được niêm yết trên sàn này.
Không chỉ các công ty trong nước mới niêm yết ở Hong Kong. Vào những năm 1980, hãng bia Tsingtao là công ty Trung Quốc đầu tiên niêm yết tại Hong Kong. Tiếp sau đó là rất nhiều công ty khác.
Đặng Tiểu Bình, nhà cải cách lớn của Trung Quốc, mở cửa nền kinh tế trong nước giao lưu với thị trường quốc tế vào năm 1978 và đến tháng 12/1990 thị trường chứng khoán Thượng Hải được hoạt động trở lại. Một vài mã chứng khoán Trung Quốc niêm yết ở cả hai thị trường dẫn đến sự phân biệt giữa công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong (Cổ phiếu H) và tại Thượng Hải (Cổ phiếu A).
Tượng con trâu bên ngoài sàn chứng khoán Thâm Quyến (Nguồn: Wikimedia Commons)
Trung Quốc cũng mở cửa sàn giao dịch thứ hai tại thành phố náo nhiệt Thâm Quyến ở phía nam vào năm 1990 nhằm gọi vốn cho các công ty công nghệ địa phương. Sàn giao dịch này cũng sớm gặt hái thành công mặc dù xảy ra một vài trục trặc trong quá trình hoạt động, cụ thể vào năm 1992, các cuộc biểu tình nổ ra do tình trạng thiếu biểu mẫu đăng ký niêm yết cổ phiếu mới.
Thời đó, thị trường Trung Quốc còn nhỏ và chủ yếu dành cho nhà đầu tư mạo hiểm. Sau này, nhà đầu tư nước ngoài muốn nhúng tay vào thị trường này phải đăng ký hạn mức đặc biệt. Qua nhiều năm sau, các thị trường này nở rộ và lớn mạnh, trở thành những thị trường chứng khoán có tính thanh khoản mạnh nhất thế giới. Từ ao làng nhỏ bé, các thị trường chứng khoán châu Á đã phát triển và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết những thị trường tài chính lớn trên thế giới với những biến động riêng đáng lưu tâm.
Quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán châu Á so với Mỹ. Nguồn: Federation of Stock Exchanges