Các 'ông lớn' dầu khí chạy đua đầu tư vào các startup công nghệ sạch
Chánh Tài
(KTSG Online) - Thông qua các đơn vị đầu tư vốn mạo hiểm của mình, các tập đoàn dầu khí trên toàn cầu đang tăng cường rót tiền vào những công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ sạch giữa lúc họ nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch truyền thống và mở rộng mảng kinh doanh carbon thấp, một phần là do sức ép gia tăng của giới đầu tư và các chính phủ về việc cắt giảm khí nhà kính.
Một trạm đổi pin xe điện của startup Ample tại Mỹ. Ảnh: caranddrive.com |
Theo dữ liệu của PitchBook, BP, Shell, TotalEnergies (tên gọi mới của Total) nằm trong số các “ông lớn” dầu khí năng nổ nhất trên toàn cầu trong các thương vụ đầu tư vào công nghệ sạch như xe điện, điện gió và điện mặt trời.
Meghan Sharp, Giám đốc BP Ventures, đơn vị đầu tư mạo hiểm của BP, cho biết BP đã đặt trọng tâm lớn hơn vào mảng đầu tư mạo hiểm kể từ khi vạch kế hoạch giảm sản lượng dầu khí 40% vào năm 2030, trong khi mở rộng mảng kinh doanh carbon thấp.
Bà nói: “Ban lãnh đạo BP thực sự muốn hoạt động đầu tư mạo hiểm giúp chúng tôi thực thi chiến lược mới”.
BP đặt mục tiêu hoàn tất 10 thương vụ đầu tư mạo hiểm trong năm tới, tăng so với 5-7 thương vụ trong năm nay và 3 thương vụ trong năm 2019. Giờ đây, BP dự kiến chi tiêu đầu tư mạo hiểm lên đến 200 triệu mỗi năm, cao gấp đôi so với những năm trước đây.
Các thương vụ đầu tư của BP Ventures trong năm nay bao gồm khoản góp vốn với các nhà đầu tư khác để rót 40 triệu đô la vào startup phát triển năng lượng địa nhiệt Eavor Technologies (Canada) vào hồi đầu năm nay. Địa nhiệt là năng lượng tái tạo được sản xuất từ nhiệt dưới lòng đất. Bộ Năng lượng Mỹ gọi địa nhiệt là “tài nguyên năng lượng sạch quan trọng” vì nó thải ra rất ít khí nhà kính. Tuy nhiên nhìn chung, ngành công nghiệp điện địa nhiệt vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.
Eavor Technologies sẽ sử dụng nguồn mới để thương mại hóa công nghệ độc quyền của mình và mở rộng quy mô dự án đường ống (để dẫn hơi và nước nóng dưới lòng đất). Hồi tháng 1, BP Ventures cùng các nhà đầu tư khác góp 47 triệu đô la vào startup phần mềm xe tự lái Oxbotica (Anh).
Meghan Sharp cho biết BP đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư có thể giúp tập đoàn này đạt được các mục tiêu lớn hơn. Chẳng hạn, năm 2018, BP Ventures đầu tư vào startup trạm sạc xe điện FreeWire Technologies (Mỹ). Năm ngoái, BP bắt đầu triển khai các cổng sạc của FreeWire như là một phần của kế hoạch lắp đặt 70.000 cổng sạc công cộng trên toàn cầu vào năm 2030.
Hồi tháng 6, BP Ventures đầu tư 7 triệu đô la vào startup phát triển cổng sạc xe điện thông minh IoTecha. Công ty khởi nghiệp này sử dụng công nghệ Internet vạn vạt (IOT) để kết nối các cổng sạc xe điện với điện lưới, tối ưu quá quá trình sạc và cho phép thanh toán tự động.
Tập đoàn dầu khí Shell (Anh- Hà Lan) từ chối tiết lộ ngân sách đầu tư mạo hiểm nhưng cho biết so với năm 2017, số thương vụ đầu tư hàng năm đã tăng gấp đôi, lên 20-25 thương vụ mỗi năm, với giá trị đầu tư khoảng 2-5 triệu đô la cho mỗi thương vụ.
Trong những năm gần đây, Shell Ventures, đơn vị đầu tư mạo hiểm của Shell, chuyển trọng tâm từ lĩnh vực dầu khí sáng các lĩnh vực như hydrogen, năng lượng tái tạo và các giải pháp giao thông trong tương lai. Chẳng hạn, năm 2018, Shell Ventures dẫn đầu trong thương vụ đầu tư 31 triệu đô la vào Ample, một startup ở Thung lũng Silicon, chuyên phát triển công nghệ sạc nhanh và đổi pin cho xe điện.
Trong năm nay, Shell Ventures đã rót tiền đầu tư vào một startup về công nghệ sạc pin, một startup phát triển máy bay sử dụng nhiên liệu hydrogen và một công ty logistics cung cấp giải pháp giúp hạn chế tình trạng chạy không có hàng của xe tải, tất cả đều hướng đến mục tiêu giảm nhu cầu dầu.
Hồi cuối tháng 7, TotalEnergies (Pháp) đã ký thỏa thuận mua lại mạng lưới sạc xe điện lớn nhất Singapore, Blue Charge từ Công ty Bolloré Group (Pháp). TotalEnergies cho biết mạng lưới Blue Charge có 1.500 cổng sạc, chiếm 85% tổng số lượng cổng sạc xe điện hiện nay ở đảo quốc Sư tử.
Một số công ty dầu khí Mỹ cũng đang tìm cách tăng đầu tư mạo hiểm. Hồi tháng 2, Tập đoàn năng lượng Chevron, có trụ sở ở bang California, thành lập quỹ với nguồn vốn 300 triệu đô la, chuyên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng carbon thấp.
Các tập đoàn dầu khí đối mặt nhiều thách thức khi theo đuổi mục tiêu lớn tiếp theo trong lĩnh vực năng lượng sạch, đặc biệt là mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt. Theo PitchBook, từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 1.177 thương vụ đầu tư với tổng trị giá 89,4 tỉ đô la trong lĩnh vực năng lượng sạch trên toàn cầu, tăng đáng kể so với con số 56,9 tỉ đô la trong năm 2020.
Để cạnh tranh hiệu quả hơn với các quỹ đầu tư mạo hiểu truyền thống, lãnh đạo của các tập đoàn dầu khí cho biết họ ra quyết định nhanh hơn và nhấn mạnh rằng họ có thể trở thành các khách hàng lớn của các startup công nghệ sạch, chứ không chỉ là nhà đầu tư đơn thuần.
Đối với một số startup công nghệ sạch, việc một công ty dầu khí trở thành nhà đầu tư của họ cũng tạo ra tình thế khó xử. Chris Kemper, người sáng lập Palmetto Clean Technology (Mỹ), một startup phầm mềm đang cung cấp một ứng dụng cho phép các chủ nhà theo dõi mức tiêu thụ năng lượng mặt trời của họ, cho biết ông vấp phải sự phản đối của đội ngũ nhân viên trước khi thuyết phục được họ cho phép Shell đầu tư vào năm ngoái.
Ông nói các nhân viên của công ty ông chất vấn ông những câu hỏi như: “Có đáng ngại hay không khi nhận tiền đầu tư từ một công ty dầu khí đang góp phần gây ra chính vấn đề mà chúng ta cố gắng giải quyết?”.
Lãnh đạo các tập đoàn dầu khí cũng cho biết thường thì họ phải chờ đợi nhiều năm trước khi các startup công nghệ sạch mà họ đầu tư bắt đầu có lợi nhuận và không ít các startup gặp thất bại. Geert van de Wouw, Giám đốc Shell Ventures, cho biết tỷ lệ thất bại 60-70% trong các khoản đầu tư ở các startup không có gì là bất thường.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.hcas-ehgn-gnoc-putrats-cac-oav-ut-uad-aud-yahc-ihk-uad-nol-gno-cac/765913/nv.semitnogiaseht.www