Đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu lương thực, rau quả giúp người dân yên tâm chống dịch, nhưng giá phân bón đang cao một cách vô lý.
Phân bón là vấn đề cốt yếu để đảm bảo sản xuất cây trồng, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, rau quả.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 2,8 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 802,7 triệu USD, giá trung bình 284 USD/tấn, tăng 20,1% về khối lượng, 36,6% về kim ngạch và 13,7% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu tổng hợp từ thị trường của Bộ NNPTNT cho thấy, giá phân bón sản xuất trong nước tính đến ngày 8.8.2021 đã tăng rất cao so với tháng 1.2021, thậm chí có loại tăng hơn 80% trong khi nguồn cung không đứt gãy là điều vô lý. Dẫn đầu tổ công tác đặc biệt của Bộ NNPTNT tại các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Trần Thanh Nam rất bức xúc trước tình trạng này.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) Hoàng Trung, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất phân bón trong nước tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, số lượng phân bón nhập khẩu cũng tăng khoảng 6% trong khi nhu cầu sử dụng không tăng, thậm chí giảm. Như vậy, không có chuyện cung cầu đứt gãy.
Trao đổi với PV Lao Động chiều 17.8, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) – ông Phùng Hà, lý giải: Giá phân bón tăng cao là do các nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón của thế giới tăng rất cao: Lưu huỳnh tăng trên 70% so với thời điểm thấp nhất của năm 2019; amoniac tăng gấp 2 lần, kéo theo đó là những phân bón đơn, như ure, DAP, super lân… tăng giá theo.
Một số doanh nghiệp sản xuất phân đạm urê từ khí cũng cho biết, giá khí chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất.
“Hoàn toàn không có chuyện DN trong nước lợi dụng sản xuất trong nước khó khăn do dịch bệnh để đẩy giá lên cao” – ông Phùng Hà nói.
Lý giải về việc giá phân bón tăng “sốc” trong thời gian vừa qua, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh - cho rằng, giá phân bón tăng là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, do một thời gian dài giá phân bón giảm sâu (suốt nửa đầu của năm 2020), hiện nay nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Theo Bộ NNPTNT, thực tế trong 5 năm gần đây, Việt Nam có thể tự chủ được nguồn phân bón với các loại phân bón chất lượng khá cao sản xuất trong nước, vậy vì sao giá phân bón lại cao bất thường là bài toán cần được các ngành liên quan quan tâm giải đáp, tháo gỡ. Bởi giá phân bón - chi phí đầu vào tăng, trong khi giá thành bán ra hạ, lợi nhuận sản xuất của nông dân hầu như rất thấp, thậm chí thua lỗ.
Xem thêm: odl.440349-nad-gnon-auc-nauhn-iol-teh-na-yl-ov-gnat-nob-nahp-aig/et-hnik/nv.gnodoal