Vì vậy, ngày 16-8, Thủ tướng có công điện yêu cầu không để người dân tự ý rời nơi đang giãn cách, trường hợp người dân cần thiết phải về quê sẽ được tổ chức đưa đón an toàn, chu đáo.
Việc lúc này là các tỉnh cần nhanh chóng lên kế hoạch bài bản đưa người dân có nhu cầu cần thiết từ TP.HCM về chính là sẻ chia trách nhiệm, gánh nặng với TP.HCM vốn đã oằn mình chống chọi với dịch trong nhiều tháng qua.
Số thống kê TP.HCM có 9 - 10 triệu người, nhưng thực tế còn có vài triệu người ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền Trung... xa xứ đến mưu sinh. TP "đóng cửa" chống dịch, họ mất việc làm, nguồn thu nhập bị cắt đứt, gánh nặng tiền trọ, cơm áo, chi phí sinh hoạt... đã nặng nay đè nặng hơn.
Nhiều ngày qua, dù được yêu cầu "ở đâu ở yên đấy", thậm chí lãnh đạo TP.HCM đã mời ở lại, nhưng lúc này, trước mắt người dân xa quê là 4 cái khó: thứ nhất là cái ăn; thứ hai là tiền trọ; thứ ba là tình hình sau 15-9 thế nào, khi đã giãn cách từ cuối tháng 5 đến nay; thứ tư là có được an toàn trước dịch dù TP cam kết họ sẽ được chích ngừa. Bốn cái khó này đã đẩy người xa quê vào thế phải chọn lựa ở hay về.
Người dân và chính quyền TP.HCM đã nỗ lực không để ai thiếu đói. Tiền trọ, khá nan giải, dù chủ trọ có giảm, cho nợ, nhưng đã nợ vài tháng và tiếp tục còn nợ do chưa được đi làm. Còn việc làm, phải tùy vào kết quả chống dịch, trước mắt là thêm một tháng nữa, nhưng học sinh đã phải chuẩn bị 10 tuần học online, chắc gì sản xuất kinh doanh trở lại bình thường để đi làm... Những cân nhắc đó là câu trả lời cho sự kiện hàng ngàn người dù biết nguy hiểm, khó cho công tác chống dịch nhưng vẫn khăn gói về quê sau khi TP.HCM công bố giãn cách đến 15-9.
Chính phủ chỉ đạo "ai ở đâu ở yên đấy" để ngăn người dân về tự phát, có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Điển hình là 400 người đi xe máy từ Đồng Nai về Ninh Thuận đã dương tính. Nhưng dịch vạn biến, chính sách không thể bất biến, mà phải thay đổi cho phù hợp. Dịch bệnh còn kéo dài ở TP, người ở lại dù có được chăm lo thế nào cũng không đủ đầy như khi họ tự kiếm sống, tự lo cho bản thân.
Vì vậy, giai đoạn này, Chính phủ nên có cơ chế để các địa phương tổ chức đón người dân thật sự có nhu cầu của tỉnh mình từ TP.HCM về lại quê hương. Ngoài nguồn lực ngân sách các địa phương, Chính phủ hỗ trợ thêm để các địa phương tổ chức đưa người dân về quê chu đáo nhất, từ y tế, cách ly, ăn uống...
Có như thế, mới hình thành ra "quy trình về quê" bài bản, nhịp nhàng giữa các địa phương, không chỉ an toàn cho người về mà còn phù hợp với yêu cầu chống dịch. Có thế mới huy động được nguồn lực, nhân lực, từ bộ đội, công an, xã phường, doanh nghiệp, cá nhân cùng đưa bà con về quê an toàn.
Không chỉ thế, "quy trình về quê" còn phải được khép kín, tỉnh nhà phải lo cho bà con hội nhập cuộc sống sau khi hoàn tất cách ly, không chỉ cái ăn, còn là học hành cho con cái của họ, việc làm cho người trong tuổi lao động. Thậm chí khi TP.HCM bình yên, hoặc nơi khác an bình, người dân có nhu cầu ra đi kiếm sống, hãy hỗ trợ họ cho đến ngày ra đi.
Không ai có thể dự liệu được dịch bệnh kéo dài đến lúc nào, nhưng có thể thấy rõ rằng nguồn lực ngân sách, nhân lực của TP.HCM đang và nên dành tối đa cho công tác dập dịch. Bởi vậy đừng vì lo sợ mà không tổ chức bài bản, an toàn để người có nhu cầu cấp thiết được về quê. Một "quy trình về quê" chính là đạo lý nghĩa tình, và trách nhiệm của chính quyền với người dân của mình.
TTO - Nếu các địa phương có kế hoạch cụ thể, TP.HCM sẽ tạo điều kiện để dân về quê bằng các kênh chính thức, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe, cũng như để người dân về trật tự, an toàn.
Xem thêm: mth.69753357081801202-euq-ev-hnirt-yuq/nv.ertiout