Tại một doanh nghiệp nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất Ảnh: N.HIỂN
Doanh nghiệp (DN) cũng chia sẻ phải đối diện nhiều bài toán khi mở cửa lại nên cần giải pháp đồng bộ.
Mừng nhưng vẫn phải chờ
Bà Lê Bích Loan - phó trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM - cho hay các DN ở Khu công nghệ cao TP sau một thời gian chọn sản xuất, lưu trú tập trung đã mong muốn thay đổi mô hình này. Trong đó, mô hình thứ 3 của UBND TP đưa ra là "4 xanh" đã tương tự phương án các DN đề xuất là cho người lao động đi và về giữa nơi làm việc - nơi lưu trú "xanh".
Theo bà Loan, điểm mấu chốt của mô hình này là người lao động phải cam kết đi và về đúng như lịch trình, DN quản lý lịch trình di chuyển dựa trên app để đề phòng các rủi ro lây lan dịch bệnh. Dù các DN muốn tái hoạt động khá nhiều, song trên thực tế vẫn đang xem xét, chưa đăng ký.
Trong khi đó, ông Đoàn Võ Khang Duy, phó chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM, cho biết khi TP thông tin về 4 phương án tái sản xuất, có khoảng 10 DN thuộc hội đã liên lạc, tìm hiểu. Tuy vậy, ông Duy nói rằng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ các khu công nghiệp cũng như các quận huyện nên các DN vẫn phải chờ.
Tương tự, một DN tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) đã tìm hiểu để tái sản xuất, song chưa có các tiêu chí cụ thể. Ví dụ yêu cầu công nhân phải đi làm qua "cung đường xanh", song đó là những con đường nào? Công nhân lưu trú ở "vùng xanh" là họ đến lưu trú tập trung tại một nơi an toàn hay được về nhà trong những "vùng xanh"? Rồi nay "xanh" nhưng ngày mai "đỏ" thì sẽ xử lý ra sao? Đầu tư mở lại sản xuất không đơn giản như ngồi gõ văn bản, nên rủi ro lớn không ai dám làm.
"Phải hướng dẫn cụ thể, DN tính được bài toán vận hành, số lượng nhân công lẫn chi phí mới tính đến chuyện tái sản xuất" - vị này nói.
Không thiếu đơn hàng nhưng không dễ mở lại
Với các DN sản xuất thuộc ngành gỗ, theo nhiều DN, hiện đơn hàng không thiếu, thậm chí tăng 40 - 50%. Nhưng ông Bùi Hữu Thêm - phó tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM - cho hay giá nguyên phụ liệu tăng cao, vận chuyển giữa các địa phương khó khăn, chi phí xét nghiệm, vận hành tăng, giá container hiện khoảng 20.000 USD/container, tăng gấp đôi so với trước đây…
Do đó, ông Thêm cho rằng không nhiều DN sẽ mở lại nhà xưởng dù TP đã có 4 phương án vì bài toán hiệu quả. Theo ông Thêm, những DN phải đảm bảo đơn hàng, giữ chuỗi cung ứng mới sản xuất trong thời gian qua, còn những DN đóng cửa đa phần vì chi phí đội lên quá lớn, có F0 trong nhà xưởng... "DN mong muốn công nhân tiêm hết mũi 1, tiến tới mũi 2 mới tính đến chuyện tái sản xuất, còn hiện dù đơn hàng có nhưng DN cũng rất cân nhắc" - ông Thêm nói.
Cần giải pháp đồng bộ
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết thời gian qua các DN thành viên đều khẩn trương triển khai áp dụng phương án "3 tại chỗ" nhưng đã đẩy tổng chi phí tăng gấp nhiều lần, trong khi sản lượng giảm hơn 50%.
Mỗi DN có đặc thù nên việc áp dụng một mô hình sản xuất chung, cứng nhắc sẽ rất khó. Vì vậy, theo bà Chi, với 4 giải pháp mà UBND TP vừa đưa ra để DN lựa chọn áp dụng, nhiều DN hội viên đang nghiên cứu một cách cẩn trọng.
Còn thực tế hiện nay, bà Chi cho biết hầu hết các DN đã chủ động điều chỉnh lại mô hình sản xuất cho phù hợp trên cơ sở vẫn duy trì "3 tại chỗ". Một số DN khác đang cân nhắc chuyển từ phương án "3 tại chỗ" sang phương án "4 xanh".
"Nhưng "cung đường xanh" và "nơi ở xanh" không nằm ở sự quyết định của DN mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành xuyên suốt từ chính quyền địa phương. DN cũng mong mỏi TP tăng độ phủ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho lực lượng lao động" - bà Chi nói và nhấn mạnh cộng đồng DN đang rất cần sự triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ DN về công tác y tế, xét nghiệm, lưu thông, vận chuyển, nhân lực… từ chính quyền TP.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, tổng thư ký Hiệp hội Nhựa VN (VPA), thì cho rằng các giải pháp cần có lộ trình hoặc các điều kiện cụ thể để DN và xã hội mạnh dạn từng bước khôi phục, đưa sản xuất, kinh doanh và logistics về trạng thái bình thường mới theo từng mức.
Cụ thể, DN nào, chi nhánh nào có lượng người được tiêm 2 mũi vắc xin đã được 14 ngày chiếm từ 70% trở lên (hoặc 80% nếu e ngại chủng Delta) thì có thể mở cửa hoạt động bình thường, chỉ cần tuân thủ triệt để 5K và các hướng dẫn phòng dịch.
Với người lao động đã nhiễm COVID-19 trong công ty hoặc ngoài xã hội, nếu đã khỏi, được xác nhận RT-PCR âm tính, được y tế địa phương xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà sẽ trở thành nguồn lực an toàn cho DN, thậm chí cần được xếp vào nhóm 70% đã tiêm vắc xin.
Song song đó, cần áp dụng nguyên tắc dần cho phép mở cửa cả những ngành nghề, cửa hàng buôn bán thông thường dựa trên tỉ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc xin.
Sớm hay muộn đều do doanh nghiệp…
Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ về sơ kết thực hiện chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra 4 phương án cho DN sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Đại diện Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, địa bàn có cụm Khu công nghiệp Linh Trung và Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết trong 4 phương án mà UBND TP.HCM đề ra, mỗi DN sẽ phải xem xét khả năng thực tế của đơn vị có thể đáp ứng được phương án nào, từ đó mới làm đề xuất gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM.
"Dựa trên phương án mà DN đăng ký, chúng tôi sẽ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp thẩm định theo phương án đó, nếu đủ điều kiện theo quy định sẽ cho phép hoạt động" - vị đại diện này nói.
Việc được cấp phép hoạt động sản xuất kinh doanh sớm hay muộn, theo vị này, còn tùy thuộc vào sự đáp ứng của mỗi DN; ngành y tế chỉ dựa trên các tiêu chí để đánh giá, không rút ngắn, bỏ qua các khâu thẩm định cần thiết bởi đảm bảo an toàn phòng chống dịch là trên hết.
HƯƠNG THẢO
Không nhiều doanh nghiệp có thể tái sản xuất
Ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - cho hay số lượng DN có thể tái sản xuất theo các phương án mà TP đưa ra chỉ khoảng vài phần trăm, trong kế hoạch TP cũng nhận định khoảng 5 - 10%.
Theo ông Dũng, DN hiện muốn tái sản xuất sẽ đứng trước rất nhiều áp lực về chi phí cao, rủi ro khi dịch bệnh, chưa kể việc vận chuyển, xuất khẩu đội giá cao. Với những DN đang nỗ lực sản xuất hiện nay, ông Dũng nhận định các DN chủ yếu duy trì các đơn hàng, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, tránh phá vỡ hợp đồng và giữ dòng tiền...
TTO - Ngày 18-8, UBND TP Thủ Đức cho biết đã có văn bản về việc đình chỉ hoạt động doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện sản xuất, cụ thể là Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam, sau khi phát hiện gần 1.000 ca dương tính COVID-19.
Xem thêm: mth.37703948081801202-eht-uc-nad-gnouh-ohc-gnom-mchpt-auc-taux-nas-ial-om-na-gnouhp-4/nv.ertiout