Giá đường tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 năm
Khánh Lan
(KTSG Online) – Giá đường trên thị trường quốc tế đang ở mức cao nhất trong 4 năm rưỡi qua nhờ các quỹ đầu tư tăng mua sau khi sản lượng đường của Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, được dự báo giảm mạnh trong niên vụ này vì thời tiết hạn hán và sương giá.
Sản lượng đường của Brazil có thể giảm về mức thấp nhất trong một thập niên
Kết thúc phiên giao dịch hôm 16-8, giá đường thô giao tháng 10 ở sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa ở New York tăng 0,4%, lên mức 20,03 cent/pound (0,45 kg), mức cao nhất trong 4 năm rưỡi qua. Giá đường hiện nay đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường đường trở nên sôi động hơn sau khi giới đầu tư đón nhận các thông tin cho thấy vụ mía ở Brazil chịu thiệt hại nặng do thời tiết sương giá và hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ.
Mía được thu hoạch ở một đồn điền ở Valparaiso, Brazil. Ảnh: Reuters |
Tuần trước, Hiệp hội ngành công nghiệp mía đường Brazil (Unica) cho biết sản lượng đường ở vùng trung nam của Brazil trong nửa cuối tháng 7 giảm về mức 3,034 triệu/tấn, thấp hơn 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Pierre Santoul, Giám đốc điều hành chi nhánh ở Brazil của Tereos (Pháp), công ty sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, nói: “Chúng ta bước vào chu kỳ bùng nổ của giá cả hàng hóa nông nghiệp”. Ông dự báo giá đường sẽ duy trì ở mức cao trong 18 tháng nữa do thời tiết băng giá và hạn hán làm suy giảm sản lượng đường ở Brazil
Ông nói sản lượng ép mía đường của Tereos trong niên vụ này có thể giảm về mức 16,6 triệu tấn, thấp nhất kể từ niên vụ 2009-2010 và giảm 21% so với niên vụ năm ngoái.
Các biến cố thời tiết có thể khiến sản lượng mía ở vùng trung nam Center-South của Brazil trong niên vụ này về mức 490 triệu tấn, giảm 19% so với niên vụ trước, theo dự báo của Unica. Không chỉ vậy, chữ đường ở vùng này cũng suy giảm. Các nhà máy ở Brazil đang đẩy mạnh thu hoạch mía sớm để tránh bị hao hụt chữ đường nhưng mức độ tổn thất vẫn có thể lớn hơn dự báo.
Ngoài tình trạnh sương giá, hầu hết các cánh đồng mía ở vùng trung nam Brazil đối mặt với tình trạng khô cằn với hàm lượng nước trong đất giảm về mức dưới 10%, so với mức cần thiết tối thiểu 60% để mía phát triển tốt.
Hôm 3-8, Công ty đầu tư và chế biến thực phẩm Wilmar International (Singapore) cũng nhận định thời tiết sương giá và khô hạn sẽ khiến sản lượng đường của Brazil trong niên vụ 2021-2022 giảm về mức 28 triệu tấn, giảm 27% so với năm ngoái và cũng là mức thấp nhất trong một thập niên.
Wilmar International cảnh báo vụ mía trong năm tới ở Brazil có thể chưa phục hồi.
Hiệp hội đường quốc tế (ISO) dự báo thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 sẽ thiếu hụt 2,7 triệu tấn.
Ấn Độ dừng trợ cấp xuất khẩu đường
Trong khi đó, Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, có thể sẽ dừng trợ cấp xuất khẩu đường trong niên vụ mới bắt đầu từ tháng 10 tới. Hãng tin Reuters hôm 17-8 dẫn lời Sudhanshu Pandey, một quan chức cấp cao ở Bộ Phân phối công cộng, Thực phẩm và các vấn đề người tiêu dùng Ấn Độ, cho hay chính phủ Ấn Độ sẽ không xem xét trợ cấp xuất khẩu đường cho năm tới.
Ông nói: “Nhu cầu đường ở Ấn Độ sẽ tăng cao hơn, vì vậy, giá đường trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng tiếp. Việc trợ cấp xuất khẩu có thể không cần thiết nữa”.
Trong 3 năm qua, Ấn Độ liên tục trợ cấp cho các nhà xuất khẩu đường bất chấp sự phản đối của nhiều nước sản xuất đường khác. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của Brazil, Úc và Guatemala, năm 2019, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thành lập ban hội thẩm để đưa ra phán quyết về việc Ấn Độ trợ cấp xuất khẩu đường. Ấn Độ khẳng định chính sách trợ cấp này không vi phạm các quy tắc của WTO.
Nhờ giá đường tăng, các doanh nghiệp Ấn Độ lần đầu tiên ký các hợp đồng xuất khẩu đường trước thời điểm giao 5 tháng. Các khách hàng đang tìm cách chốt trước các hợp đồng cung cấp đường từ Ấn Độ khi họ dự báo sản lượng đường của Brazil suy giảm mạnh.
Các nhà máy đường ở Ấn Độ đã ký các hợp đồng xuất khẩu 725.000 tấn đường thô và 75.000 tấn đường trắng trong giai đoạn từ tháng 11-2021 đến tháng 1-2022.
“Nhu cầu nước ngoài rất khả quan khi sản lượng đường Brazil được điều chỉnh giảm. Chúng tôi có thể xuất khẩu 6 triệu tấn đường trong niên vụ tới”, Prakash Naiknavare, Giám đốc Liên đoàn quốc gia Ấn Độ của các nhà máy đường hợp tác xã, nói.
Trong niên vụ hiện nay, Ấn Độ có thể xuất khẩu sản lượng đường kỷ lục 7,1 triệu tấn.
Theo Bloomberg, Reuters
Xem thêm: lmth.man-4-noh-gnort-tahn-oac-cum-nel-gnat-gnoud-aig/375913/nv.semitnogiaseht.www