Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa đưa ra cảnh báo loạt sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Tập trung ở thị trường Mỹ
Theo Cục PVTM, danh sách này được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp PVTM hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam. Cụ thể, danh sách theo dõi 10 mặt hàng bao gồm sản phẩm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục.
Trong số này, Cục PVTM lưu ý về sản phẩm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng xuất khẩu sang Mỹ, do kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này thời gian qua tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Đáng lưu ý, trong giai đoạn từ tháng 6-2020 đến tháng 5-2021, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng vọt lên 407,3 triệu USD, chiếm tới 25% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Đặc biệt, gần đây Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã khởi xướng điều tra về tình hình nhập khẩu và sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác và buôn bán bất hợp pháp tại Việt Nam. Vụ việc tới nay chưa có kết luận từ phía Mỹ nhưng đã bộc lộ những nguy cơ mà các doanh nghiệp (DN) có thể đối mặt thời gian tới.
Các sản phẩm trong ngành gỗ đối diện nguy cơ phòng vệ thương mại. Ảnh: MINH PHONG
Bên cạnh đó, các mặt hàng như ghế sofa có khung gỗ, tủ gỗ, gạch men xuất khẩu sang Mỹ cũng có nguy cơ dính kiện lớn khi kim ngạch xuất khẩu đang có xu hướng tăng nhanh. Đối với mặt hàng gạch men, trong giai đoạn từ tháng 6-2020 đến tháng 5-2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã đạt 20,6 triệu USD. Trong khi đó, phía Mỹ đã chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4-2020. Với mặt hàng ống đồng, ngày 27-6-2021, Mỹ đã công bố kết luận về bán phá giá đối với các DN Việt Nam, theo đó xác định ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá tại Mỹ với biên độ 8,35%. Trên cơ sở kết luận này, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ dự kiến sẽ công bố kết luận cuối cùng về thiệt hại trong tháng 8-2021 này.
Chủ động ứng phó
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 9,58 tỉ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu gỗ Việt Nam tăng trưởng vượt trội trong bối cảnh dịch Covid-19, tuy nhiên từ cảnh báo nêu trên của Bộ Công Thương, các DN không thể chủ quan trước nguy cơ sản phẩm bị kiện PVTM. Một số chuyên gia trong lĩnh vực PVTM nhấn mạnh việc ngăn chặn tình trạng gian lận, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh các sản phẩm gỗ bị nhiều nước điều tra.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lâm Việt, một DN trong ngành gỗ, thừa nhận tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là tín hiệu khả quan nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khi thị trường lớn nhất là Mỹ sẽ gia tăng các biện pháp PVTM. Chính vì vậy, ông Liêm cho rằng DN cần quan tâm đúng mức để tránh các vấn đề như gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho quốc gia thứ ba, gây tổn hại đến lợi ích chung của ngành.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhìn nhận rõ những hệ lụy khi Việt Nam liên tiếp đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá hay cáo buộc gian lận xuất xứ và sử dụng gỗ khai thác, buôn bán bất hợp pháp từ Mỹ và một số quốc gia khác. Trước đó, hiệp hội đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với những DN có dấu hiệu gian lận xuất xứ, đội lốt "hàng Việt Nam" đối với một số sản phẩm gỗ nhằm bảo vệ các DN gỗ chân chính.
Đại diện Cục PVTM cho biết Mỹ hiện là quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tính riêng năm 2020, Mỹ đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc PVTM đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay, tăng gần 3 lần so với năm 2019. Cục PVTM lưu ý các hiệp hội, DN và đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt với các mặt hàng thuộc nhóm có nguy cơ cao. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống gian lận xuất xứ nhằm nâng cao nhận thức và sự tự giác tuân thủ của DN, bảo vệ lợi ích chính đáng của những DN sản xuất, kinh doanh chân chính.
Xe đạp Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt
Theo Bộ Công Thương, mặt hàng xe đạp điện cũng gặp nhiều rủi ro tại cả Mỹ và EU khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 2 thị trường này đều tăng mạnh. Hiệp hội các Nhà sản xuất xe đạp châu Âu đã bày tỏ quan ngại về một DN của Trung Quốc có dấu hiệu gian lận xuất xứ của Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM của EU áp dụng đối với sản phẩm Trung Quốc. Thời gian qua, tăng cường kiểm tra giám sát, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã ngăn chặn một số trường hợp DN kê khai không chính xác về xuất xứ đối với sản phẩm xe đạp điện nên cần tiếp tục đưa vào danh sách cảnh báo.
Xem thêm: mth.89080111271801202-iam-gnouht-ev-gnohp-neik-uv-cac-ohp-gnu-gnod-uhc/et-hnik/nv.moc.dln