Ngành gỗ lo mất đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm
Trọng Nghĩa
(KTSG Online) - Mùa cao điểm xuất khẩu trong ngành gỗ đã bắt đầu, tuy nhiên hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Doanh nghiệp trong ngành nhận định khả năng hoàn thành đơn hàng cho đối tác trong những tháng cuối năm gần như không thể, dẫn đến nguy cơ mất đơn hàng hay nghiêm trọng hơn là mất đi khách hàng trong thời gian tới.
Việc hoàn thành đơn hàng xuất khẩu của ngành gỗ trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất khó. Ảnh: DNCC |
Kể từ khi chỉ thị 16 được ban hành, chỉ có khoảng 30-40% trong số hơn 600 doanh nghiệp trong Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) còn duy trì hoạt động. Với những doanh nghiệp còn tiếp tục sản xuất, công suất cũng chỉ đạt được khoảng 35-40%. Bình Dương – một trung tâm sản xuất và chế biến gỗ khác, số lượng doanh nghiệp còn duy trì hoạt động thậm chí ít hơn. Điều này đã dẫn đến thực trạng các doanh nghiệp không thể hoàn thành kịp đơn hàng để giao cho đối tác trong những tháng còn lại của năm 2021.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hawa, cao điểm xuất khẩu của ngành gỗ đã bắt đầu từ đầu tháng 8, đến đầu tháng 11 hầu hết các đơn hàng phải giao cho đối tác ở Mỹ và châu Âu để họ cung ứng ra thị trường. Do đó, ở thời điểm này lúc bình thường thì đây là thời gian các doanh nghiệp trong hội hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, khả năng rất cao là trong những tháng còn lại của năm 2021 việc hoàn thiện các đơn hàng xuất khẩu là gần như không thể.
Ông Phương cho rằng, mặc dù trong thời gian qua UBND TPHCM đã đưa ra những phương án để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng để khôi phục ngay quá trình sản xuất là rất khó. Theo đó, phần lớn người lao động trong ngành gỗ đã quay về các tỉnh, việc gọi họ trở lại làm việc là không thể trong thời điểm này do TPHCM vẫn còn giãn cách. Nhiều doanh nghiệp tuyển nguồn lao động mới cũng gặp một số khó khăn. Quá trình thử tay nghề, test Covid-19 với nguồn lao động mới cũng phải mất từ 3 đến 4 tuần. Trong bối cảnh hiện tại, để tuyển đủ số lao động phải mất trên 3 tháng.
Trong khi đó, các đối tác tại nước ngoài không chờ các doanh nghiệp Việt Nam lâu đến vậy. Hiện tại, theo thông tin mà Hawa nhận được, các thị trường chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… đang phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các thị trường này đang tăng cao.
Cụ thể, Tại Mỹ, cùng với xu hướng hồi phục của hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân Mỹ cũng tăng tốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quí 2-2021. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 6-2021 tăng 0,6% so với tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán lẻ đã tăng 18%. Trên thị trường bất động sản, tổng số nhà ở được xây dựng mới tại Mỹ trong tháng 6-2021 tiếp tục tăng lên 1,64 triệu căn, cao hơn so với mức 1,55 triệu căn trong tháng 5-2021 và mức 1,59 triệu căn như dự báo trước đó.
“Do đó nếu không cung ứng đủ số lượng sản phẩm theo đơn hàng đã ký từ trước họ sẽ có những phương án khác thay thế”, ông Phương nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tấn An, Phó giám đốc Công ty ván sàn Sao Nam (Bình Dương), cho rằng việc mất đơn hàng trong thời gian tới là rất lớn. “Mất đơn hàng trong thời điểm này là bình thường vì hầu như các nước cung ứng đồ gỗ cũng chịu chung khó khăn với Việt Nam. Vấn đề nghiêm trọng nhất là mất đi đối tác”, ông An nói.
Theo ông An, trong thời điểm này, nếu Việt Nam không đáp ứng được quá trình giao hàng, chắc chắn một điều khách hàng sẽ tìm đến những doanh nghiệp tại các nước khác. Nếu tìm được những doanh nghiệp đáp ứng được chất lượng sản phẩm tương đồng, giá cả tương đồng hay thấp hơn thì tất nhiên họ sẽ lựa chọn đối tác mới. Khi khách hàng đã ra đi thì việc kết nối lại là vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành nhận định dù nguy cơ mất đơn hàng, mất đối tác đang hiện hữu nhưng chưa thực sự bi đát. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc điều hành Công ty CP Furnist (TPHCM), với ngành gỗ, quy trình để tìm một đối tác cung ứng mới diễn ra phải từ 6 tháng đến 1 năm. Khách hàng trước tiên phải tìm được nhà sản xuất, đồng thời khâu thiết kế, điều chỉnh, kiểm tra chất lượng phải diễn ra trong thời gian dài.
Trong khi đó, các quốc gia được cho là đối thủ của Việt Nam trong ngành gỗ như Trung Quốc, Campuchia… cũng đang chịu sự tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 như các doanh nghiệp Việt Nam. Và thời điểm khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành gỗ Việt Nam mới chỉ diễn ra 2 tháng, do đó còn cơ hội để thay đổi tình hình khó khăn hiện tại.
Ông Nguyễn Chánh Phương nhận định, Việt Nam đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng đồ gỗ trên thế giới. Do đó, việc các doanh nghiệp gỗ Việt Nam lâm vào khó khăn cũng ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng sản phẩm này trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm đối tác mới trong thời gian ngắn là rất khó nên trong thời gian qua các khách hàng của Việt Nam tại Mỹ và châu Âu cũng đã có nhiều buổi thương lượng để giải quyết khó khăn trước mắt. Một số khách hàng tại các thị trường này cũng thông cảm và lùi thời hạn giao hàng. Dù vậy, doanh nghiệp phải sớm khắc phục tình trạng này, khách hàng có thể thông cảm nhưng không thể chờ quá lâu. Với những khách hàng lớn có cùng một lúc 3 đến 4 nhà cung ứng thì việc họ chọn nhà cung ứng mới từ nước khác là điều gần như chắn chắn. |
Xem thêm: lmth.man-iouc-gnaht-gnuhn-uahk-taux-gnah-nod-tam-ol-og-hnagn/875913/nv.semitnogiaseht.www