Chuyên tài chính cấp cao Matthew Smith
Tôi là Matthew Smith (quốc tịch Mỹ), từng làm việc tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ - Đài Bắc, Asia Today International, Asia Inc., Asiamoney, thành viên Maccquarie Group, hiện là Giám đốc nghiên cứu của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Chính thức sống ở TP.HCM từ năm 2018, nhưng tôi đã đến TP du lịch vào những năm 1990. Điều này giúp tôi thấy được sự tương phản đáng kể, TP đã cố gắng giữ được nét quyến rũ trong quá trình phát triển thành một đô thị hiện đại.
Tôi từng sống và làm việc ở một số quốc gia Đông Á khác, tuy nhiên TP.HCM có sự kết hợp đầy hấp dẫn giữa cuộc sống sôi động và các cơ hội nghề nghiệp trong ngành tài chính, tôi thực sự thích và không có kế hoạch rời đi.
TP.HCM là nơi ra đời thị trường chứng khoán Việt Nam, quy tụ hệ thống ngân hàng, tổ chức đầu tư, công ty chứng khoán… lớn, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế Việt Nam và hội nhập thế giới. UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.
TP.HCM cần phát triển "phần cứng" lẫn "phần mềm"
Hoạt động trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán, tôi nhận thấy để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế là thách thức lớn và cần nhiều thời gian.
Điểm tích cực là vị trí địa lý TP nằm ngay "trái tim" Châu Á, di chuyển dễ dàng, song cần tạo điều kiện để các yêu cầu thị thực được mở rộng tự do, khách doanh nhân đến và đi thuận tiện.
Múi giờ rất quan trọng, ưu điểm là thị trường tài chính - chứng khoán ở TP.HCM mở cửa vào đúng thời điểm, tức từ lúc đóng cửa kinh doanh ở Mỹ đến buổi sáng ở London. Tất nhiên, có rất nhiều thành phố có điều kiện này, nhưng chỉ có Hong Kong và Singapore trở thành trung tâm tài chính toàn cầu thực sự.
Ở nhiều quốc gia khác, các nhà hoạch định chính sách có xu hướng tập trung vào "phần cứng" trước tiên, trong khi "phần mềm" - những kỹ năng của nguồn nhân lực và cấu trúc pháp lý cần thiết để hỗ trợ tài chính quốc tế, lại thường là thách thức lớn, vì bị xem nhẹ.
Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) nơi tôi từng sống là một ví dụ điển hình về điều này. Ở đây có "khu rừng của những tòa nhà chọc trời lấp lánh" ("phần cứng"), cảnh tượng ấn tượng. TP Thủ Đức có vị trí tốt để cạnh tranh Phố Đông về mặt phát triển này.
Cá nhân tôi thấy việc phát triển "phần mềm" chưa thực sự diễn ra ở Phố Đông, vì vậy nơi này vẫn được xem là một trung tâm tài chính của Trung Quốc hơn là một trung tâm quốc tế thực sự như London, Singapore hay Hong Kong. Thậm chí Tokyo - nơi có một khu vực tài chính khổng lồ, nhưng chưa trở thành một trung tâm tài chính quốc tế thực sự.
Việc theo đuổi mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, sẽ đòi hỏi TP phát triển liên tục nguồn nhân lực tài năng, giỏi nghề, vững kiến thức chuyên môn lẫn thạo ngoại ngữ cần thiết. TP cũng cần tạo ra khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ tài chính quốc tế.
Tạo cơ chế để dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt
Việc hạn chế sở hữu của nhà đầu nước ngoài trở thành hạn lực cản đối với quá trình quốc tế hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đây cũng là một vấn đề đối với các công ty sử dụng thị trường chứng khoán để huy động vốn, phát triển hoạt động kinh doanh.
Điều này đặc biệt đúng với các ngân hàng, thường khát vốn, nhưng bị hạn chế khả năng bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Tất nhiên, Việt Nam có quyền hạn chế sự kiểm soát của nước ngoài đối với hệ thống tài chính, không có gì bất thường, vì nhiều quốc gia trong khu vực cũng giới hạn quyền sở hữu cổ phần đối với người nước ngoài.
Giải pháp là sử dụng Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non- Voting Depositary Receipt, NVDRs), cho phép nhà đầu tư ngoại có lợi ích về kinh tế đối với cổ phiếu, trong khi doanh nghiệp niêm yết vẫn giữ quyền biểu quyết, hai bên cùng có lợi. NVDRs đã thực hiện rất thành công ở Thái Lan, hy vọng chúng ta sẽ áp dụng.
Thị trường chứng khoán thường bị coi như "sòng bạc" trong giai đoạn sơ khai. Trải qua hơn hai thập kỉ phát triển, thị trường chứng khoán Việt không đơn thuần là nơi mua bán cổ phiếu, mà còn giúp đa dạng hóa hệ thống tài chính, củng cố nền kinh tế, trở thành kênh dẫn vốn, giúp doanh nghiệp thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào việc vay vốn ngân hàng (phổ biến ở các nước đang phát triển) và cho phép công ty niêm yết tích lũy giá trị, tiếp cận nguồn vốn bền vững.
Tôi ngưỡng mộ tham vọng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ hết mình nhằm đạt được mục tiêu này. Tôi chắc chắn các đồng nghiệp trong Phố tài chính cũng làm tương tự.
TTO - Bạn MANANYA TECHALERTKAMOL - một người Thái Lan, là giảng viên bộ môn truyền thông đa phương tiện, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng - gửi đến diễn đàn Hiến kế 'TP.HCM nâng tầm quốc tế' ý tưởng của mình.