Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình đề xuất lên UBND TP về việc không tổ chức tựu trường, khai giảng mà bắt đầu năm học bằng việc học qua Internet.
Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh tạo điều kiện cho học sinh được học tập tại nơi cư trú tùy vào tình hình thực tế của địa phương. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI
Không thể đưa con về quê để nhập học
Những ngày này, vợ chồng anh Trần Thanh Hải như ngồi trên đống lửa. Bởi năm học mới đang cận kề, gia đình anh vẫn mắc kẹt tại vùng tâm dịch TP Dĩ An (Bình Dương), chưa biết sẽ đưa con về Quảng Bình nhập học bằng cách gì.
Sau nhiều năm lập nghiệp ở phía Nam, nay anh muốn đưa cả gia đình về phụng dưỡng mẹ già và ổn định học hành lâu dài cho con. Hai đứa con đang vào tuổi học, đứa thứ nhất năm nay vào lớp 5, đứa thứ hai vào lớp 1.
“Hồ sơ hai con chúng tôi đã được hai trường tại quê nhà tiếp nhận, gia đình đã thu vén đồ đạc, vật dụng để về quê bất cứ lúc nào nhưng lúc này không biết về quê bằng cách gì để chuẩn bị vào năm học mới” - anh Hải tâm tư.
Anh hy vọng chính quyền địa phương, ngành giáo dục tạo điều kiện để những người có hoàn cảnh như anh hoặc những gia đình đi thăm người thân chẳng may bị mắc kẹt tại vùng tâm dịch được về quê để sớm ổn định việc học hành cho con em.
Vợ chồng anh Bùi Quang Trọng (sống ở quận 2, TP.HCM) cũng mong muốn được về quê tránh dịch và sẽ không trở lại TP.
Bởi mấy tháng nay dịch dã, trái cây không bán được, ở nhà thuê, lại phải nuôi ba đứa con nhỏ, anh chị dần kiệt sức dù đã nhận được sự hỗ trợ của tổ dân phố cũng như chia sẻ của các nhà hảo tâm.
“Thời gian qua, số tiền tích lũy được tôi đã phải đưa ra trang trải cho gia đình và trả tiền thuê phòng trọ cũng như thuê chỗ bán dù đã được giảm giá thuê. Với tình hình dịch như hiện nay, không biết bao giờ TP mới kiểm soát được nên tôi đã quyết định sẽ đưa cả nhà về Đắk Lắk sinh sống rồi xin học cho mấy đứa nhỏ. Hiện chính quyền địa phương hứa sẽ tạo mọi điều kiện cho các cháu. Tuy nhiên, TP đang giãn cách, ai ở đâu ở yên đó thì sao về được. Tôi chỉ mong sau thời gian này, dịch được kiểm soát, xe được lưu thông để gia đình có thể về, chứ ở TP khó có thể kham nổi” - anh Trọng bày tỏ.
Cùng tâm trạng, gia đình anh Lâm (sống tại quận 9, TP.HCM) mấy hôm nay cũng đứng ngồi không yên vì không thể đón con từ Đồng Nai về lại TP để chuẩn bị cho năm học mới.
Con nghỉ hè, anh Lâm cho bé về quê chơi với ông bà, không ngờ dịch diễn biến phức tạp rồi con bị kẹt luôn ở quê đến nay.
“Nhiều lần muốn đón con nhưng không có cách nào do TP liên tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Ngày 18-8, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất học qua Internet đối với các bậc học để phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, học trực tuyến thì phải có công cụ hỗ trợ như laptop, điện thoại thông minh nhưng con về quê đâu có những phương tiện này, sao con có thể học được?” - anh Lâm bày tỏ.
Gia đình chị Phượng (sống tại Hà Nội) cũng đang lo lắng không biết làm sao để cháu họ có thể về Đắk Lắk đi học khi sắp đến ngày tựu trường.
Chị cho biết hai tháng trước, được nghỉ hè nên Hà My (cháu chị) ra Hà Nội chơi và bị kẹt lại đến nay chưa về quê được do Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16. Trong khi đó, theo thông báo của tỉnh Đắk Lắk, năm học mới sẽ bắt đầu từ ngày 1-9. Như vậy, với tình hình hiện nay, Hà My sẽ không thể về kịp để đi học với các bạn.
Địa phương tiếp nhận học sinh từ vùng dịch về quê học tập
Nắm bắt tình hình trên, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh (HS) học tập tại nơi cư trú do dịch.
Theo đó, hiện nay nhiều HS di chuyển về các địa phương cư trú, không kịp trở lại trường học để bắt đầu năm học mới do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong khi năm học 2021-2022 cận kề.
Nhằm bảo đảm quyền lợi học tập cho HS, Bộ GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho HS được học tập tại nơi cư trú tùy vào tình hình thực tế của địa phương.
Phối hợp với các địa phương, nhà trường nơi HS có nguyện vọng chuyển đi và chuyển đến để tiếp nhận và bố trí, xếp lớp theo đúng đối tượng. Quan tâm hỗ trợ HS được tiếp nhận về các điều kiện học tập cần thiết như sách giáo khoa, tài liệu học tập.
Khi tình hình dịch ổn định, HS có nhu cầu trở về trường cũ phải được tạo điều kiện công nhận kết quả học tập cũng như bàn giao kết quả giữa các trường. Đối với HS có nguyện vọng xin chuyển trường (hoặc xin chuyển trường sau khi đã được tiếp nhận học tập một thời gian tại trường nơi cư trú), phải tạo thuận lợi cho HS theo phương thức phù hợp trên cơ sở bảo đảm quy định về hồ sơ HS khi chuyển trường, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch COVID-19.•
Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học, trong đó HS tựu trường sớm nhất vào ngày 1-9, riêng HS lớp 1 là ngày 23-8. Khai giảng ngày 5-9. Các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch có thể lùi thời gian tựu trường. |
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh Tại TP.HCM, trưởng Phòng GD&ĐT các quận, huyện cho biết đã chỉ đạo các trường tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho HS trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hiện nay. Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT quận 8, TP.HCM, cho biết hiện HS lớp 1 trong địa bàn quận theo gia đình về quê tránh dịch rất nhiều. Thời gian này, các em không thể quay lại TP. Vì thế, nếu ở quê tạo điều kiện để các em học đến hết học kỳ 1, sau khi dịch ổn, các em muốn trở lại trường, trường sẽ tiếp nhận và có hướng hỗ trợ để các em bắt kịp với bạn bè. Do đó, phụ huynh cứ yên tâm. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ: Đến hôm nay (19-8), theo quyết định của UBND TP thì các quận, huyện hoàn tất công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn có nhiều gia đình chưa đăng ký nhập học cho con do về quê tránh dịch. Đối với những trường hợp này, sau khi dịch ổn, HS muốn quay lại TP theo học các trường đã được phân tuyến, phòng vẫn giải quyết cho các em, trừ trường hợp các em nghỉ học quá thời gian quy định đối với bậc THCS. |