vĐồng tin tức tài chính 365

Gần 200 chợ ở TP.HCM chưa mở cửa: Vì sao?

2021-08-19 07:01

UBND TP.HCM liên tiếp có công văn chỉ đạo Sở Công Thương cùng các quận, huyện nghiên cứu giải pháp tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu (thịt, cá, rau củ…) tại những chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động hoặc các địa điểm, mặt bằng trống tại khu vực lân cận.

Gần 200 chợ ở TP.HCM chưa mở cửa: Vì sao? - ảnh 1
Chợ Bình Thới (quận 11) tổ chức cho các gian hàng bán thực phẩm thiết yếu đảm bảo các quy định phòng chống dịch. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, ban quản lý nhiều chợ truyền thống thừa nhận việc mở bán trở lại đang gặp không ít thách thức. Chính vì vậy, việc mở lại chợ đang diễn ra rất chậm chạp.

Muốn mở cửa chợ nhưng gặp nhiều khó khăn

Bà Vương Ngọc Trân, Trưởng Ban quản lý chợ Tân Phú 1, cho biết quận Tân Phú đã có chủ trương cho phép chợ được mở lại với 10 gian hàng bán lương thực, thực phẩm. Mỗi gian hàng cách nhau 3 m, phân luồng một lối vào, một lối ra… Tuy nhiên, ban quản lý đang gặp một số khó khăn như quy định tiểu thương ba ngày phải xét nghiệm một lần, mỗi lần 300.000-500.000 đồng/người. Tiểu thương tại chợ chỉ buôn bán nhỏ lẻ nên khoản chi phí này đang là một gánh nặng.

Nguồn hàng cũng là một trong những khó khăn hiện nay. Lâu nay các tiểu thương tại chợ chủ yếu vận chuyển rau củ quả từ chợ đầu mối bằng xe hai bánh nên không có mã QR để qua các chốt kiểm soát dịch. Do đó, việc tiếp cận nguồn hàng của tiểu thương rất hạn chế. Đặc biệt, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên một số tiểu thương e dè bán hàng trở lại.

“Với những khó khăn trên, cộng với tình hình dịch bệnh còn khá căng thẳng nên khả năng chợ mở lại thời điểm này là khó khả thi. Tuy nhiên, ngày 18-8, ban quản lý chợ cũng đã trình phương án mở lại chợ lên quận, sau khi có quyết định của quận chúng tôi mới biết có thể mở lại hay không” - bà Trân nói.

Tương tự, đại diện Ban quản lý chợ Phước Long (quận 7) thông tin chợ đã sẵn sàng các kế hoạch mở cửa hoạt động trở lại với tiêu chí đảm bảo an toàn phòng chống dịch từ sớm. Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội, nếu chợ mở ra cũng gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, tiểu thương thường đi lấy hàng tại chợ đầu mối Bình Điền và 4-5 giờ sáng đã họp chợ. Nhưng hiện nay, do giãn cách nên tiểu thương không thể đi lấy hàng sớm được.

 “Dù ban quản lý chợ muốn mở trở lại nhưng có quá nhiều khó khăn. Hy vọng khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, TP giảm thực hiện giãn cách xã hội thì chợ mới có thể mở cửa hoạt động trở lại được” - đại diện chợ Phước Long chia sẻ.

Giải pháp tạm thời khi chợ vẫn đóng cửa

Lãnh đạo UBND quận 5 thông tin từ khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, quận đã triển khai hình thức “đi chợ giùm” cho người dân trên địa bàn quận. Theo đó, người dân ở trong nhà, nếu có nhu cầu mua thực phẩm thiết yếu, quận sẽ bố trí lực lượng tại mỗi phường hỗ trợ mua sắm và giao đến từng nhà. Quận cũng tập trung kiểm soát, xét nghiệm định kỳ với đội ngũ này để đảm bảo an toàn khi giao hàng cho người dân.

Bên cạnh giải pháp “đi chợ giùm”, quận cũng khuyến khích người dân đặt hàng qua các siêu thị, kênh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

“Việc cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân đến nay vẫn đảm bảo ổn định và quận sẽ tiếp tục duy trì. Đồng thời, để công tác phòng chống dịch COVID-19 được hiệu quả, chúng tôi tạm thời chưa có kế hoạch mở các điểm bán lương thực, thực phẩm tại chợ truyền thống” - vị lãnh đạo UBND quận 5 nói.

Phía quận 3, bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận, cho rằng đặc thù các chợ trên địa bàn quận nằm trong khu dân cư. Hiện nay, nhiều khu dân cư có ca nhiễm hoặc đang trong thời gian tạm phong tỏa để đảm bảo phòng chống dịch. Vì vậy, nếu cho các chợ hoạt động trở lại thì việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch sẽ rất khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn quận 3, với số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng với hoạt động bán hàng bình ổn lưu động cũng đủ đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người dân trong thời gian TP tiếp tục giãn cách xã hội... “Do đó, việc mở lại các chợ truyền thống trên địa bàn quận 3 trong giai đoạn hiện nay chưa thật sự cấp thiết” - bà Hằng nhận định.

Trong khi đó, thông tin từ một số quận, huyện khác cho hay đang tích cực triển khai chủ trương mở lại chợ với quy mô nhỏ bán thực phẩm tươi sống. Bởi thực tế nhiều tiểu thương mong muốn được bán hàng trở lại để có thu nhập và phục vụ khách hàng. Đặc biệt, mở lại chợ là một trong các giải pháp “chia lửa” với siêu thị vốn đang quá tải. Tuy vậy, để mở lại chợ an toàn cần phải có các giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp nhịp nhàng từ các bên liên quan.

Cần tháo gỡ điểm nghẽn

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết sau khi làm việc với ban quản lý các chợ tại 24 quận, huyện cho thấy các đơn vị này đang gặp một số khó khăn trong việc tổ chức mở bán lại. Cụ thể, ngoài phát hiện các ca nhiễm COVID-19 là khách đến chợ, ngay cả một số cán bộ, nhân viên ban quản lý chợ cũng bị lây nhiễm.

Thứ hai, khi tổ chức lại chợ an toàn cần có sự phối hợp của lực lượng chức năng địa phương nhưng hiện nay lực lượng này đang gồng mình thực hiện công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, mặc dù tiểu thương không bán trực tiếp tại chợ nhưng họ bán qua các kênh như Zalo, Facebook, qua bạn bè giới thiệu nên không hẳn là nguồn cung thực phẩm bị đứt gãy.

Đáng chú ý, một số chợ tại huyện Củ Chi đã tổ chức điểm bán ở sân bóng, trường học… và được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí nên tiểu thương yên tâm ra bán. Trong khi đó, tại một số quận, huyện khác, ban quản lý chợ phải tự lo kinh phí trong bối cảnh chợ đóng cửa, không có nguồn thu để lo phần xét nghiệm COVID-19 cho tiểu thương. Đây là một trong những khó khăn lớn của các chợ.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu bán hàng của tiểu thương là có thật. Nhưng cơ chế tổ chức, sự phối hợp giữa các bên để chợ hoạt động trở lại an toàn đang là điểm nghẽn cần được sớm tháo gỡ. Trước mắt, sở sẽ phối hợp với các bên liên quan gia tăng thêm điểm bán hàng lưu động để bổ sung nguồn hàng cung ứng cho người dân” - đại diện Sở Công Thương chia sẻ.•

 

Mô hình giãn cách ở chợ Hạnh Thông Tây

Khảo sát một số chợ mở bán trở lại cho thấy khách đến mua sắm khá nhiều và lượng hàng nhập chợ cũng tăng dần. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng Ban quản lý chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), thông tin: Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho bà con khi TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, chợ tổ chức hoạt động theo mô hình giãn cách, chỉ có 10 hộ kinh doanh rau củ quả, thịt, trứng gia cầm. Chợ bán đến nay đã gần một tháng.

Các gian hàng đều có màn ngăn với khách đi chợ để đảm bảo khoảng cách an toàn… Thời gian tiểu thương buôn bán từ sáng đến 11 giờ trưa, sau đó chợ tiến hành khử khuẩn để đảm bảo an toàn cho ngày hôm sau tiếp tục hoạt động.

Theo bà Hạnh, cứ sau 10 ngày, ban quản lý chợ phối hợp với cơ quan y tế địa phương xét nghiệm cho tiểu thương, chi phí này tiểu thương không phải trả. Song song đó, các tiểu thương tham gia bán hàng và người phụ việc đều đã được tiêm vaccine mũi 1.

“Hiện nay hoạt động cung ứng rau củ quả, thịt, cá… thiết yếu cho người dân tại chợ Hạnh Thông Tây ổn định, an toàn” - bà Hạnh thông tin.

Mở cửa chợ để giảm áp lực cho siêu thị

Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 18-8, có 195 chợ truyền thống, gồm cả ba chợ đầu mối trên địa bàn TP đều đóng cửa để phòng chống dịch. Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 39 chợ truyền thống đang hoạt động. Bên cạnh đó, đến nay có 16 siêu thị và 152 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM tạm ngừng hoạt động.

UBND TP.HCM mới đây đã gửi khẩn yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phải đăng ký tiến độ triển khai, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn và các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu. UBND TP.HCM nhận định việc mở lại chợ truyền thống trong điều kiện an toàn là hết sức cần thiết để giảm áp lực cho kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

 

Xem thêm: lmth.2809001-oas-iv-auc-om-auhc-mchpt-o-ohc-002-nag/et-hnik/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Gần 200 chợ ở TP.HCM chưa mở cửa: Vì sao?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools