Thu hoạch lúa ở An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trong văn bản gửi các bộ và UBND các tỉnh, thành phố, ông Thể cho biết vận tải đường thủy còn có ưu điểm vượt trội so với các loại hình vận tải khác như giá cước vận tải thấp, thuận lợi cho việc chở hàng hóa có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở nước ta hiện nay, vận tải hàng hóa đường thủy càng thể hiện được ưu điểm do ít tiếp xúc với cộng đồng dân cư.
Bộ Giao thông vận tải luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Vì vậy, toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa được coi là hệ thống "luồng xanh" cho các phương tiện thủy tham gia vận tải hàng hóa.
Để đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản trên các tuyến đường thủy bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy nội địa nhằm tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân.
Bộ cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng để kết nối đến các tuyến đường thủy nội địa và các cảng, bến.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân kịp thời phản ánh về Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành liên quan để được xem xét, giải quyết kịp thời.
Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận các thông tin phản ánh về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa qua đường dây nóng với số điện thoại 0979.388.019, email: vt-atgt.viwa@mt.gov.vn, diễn đàn vận tải thủy trên ứng dụng Zalo https://zalo.me/g/ieluaj687
Theo một cán bộ của Bộ Giao thông vận tải, từ khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam giãn cách theo chỉ thị 16, quan điểm của bộ này là tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của hệ thống đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa.
Bộ đã cho phép tàu cao tốc chở khách được chở hàng hóa về TP.HCM. Do đó, mọi hoạt động vận tải trên các tuyến vận tải thủy vẫn được duy trì và hoạt động.
Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch vụ lúa hè thu, nhu cầu thu gom lúa gạo rất lớn.
Tuy nhiên vướng mắc nhất là các thuyền gia dụng, dân sinh không được phép di chuyển trên các tuyến kênh rạch nội xã, nội huyện hoặc nội đồng do quy định kiểm soát y tế của các địa phương. Việc này khiến thương lái, người dân khó thu gom nông sản, lúa gạo để kết nối với các tuyến vận tải đường thủy.
Do vậy, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương tháo gỡ và có phương án kiểm soát dịch phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển lúa gạo từ ruộng, đồng đến các cơ sở sơ chế, các vựa thu gom và kết nối với các tuyến vận tải thủy.
TTO - Ngày 16-8, Bộ Công thương có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.